Tác động của bình đẳng giới đến lợi nhuận của doanh nghiệp
61% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng lãnh đạo nữ làm việc hiệu quả ngang bằng lãnh đạo nam. Ảnh: TL.
Bình đẳng giới dưới góc độ doanh nghiệp
Bình đẳng giới tại nơi làm việc không còn là câu chuyện giới hạn trong thước đo về mặt đạo đức hay các chỉ số “đánh bóng” thương hiệu. Vấn đề này còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và hoàn toàn có thể được chứng minh bằng những con số cụ thể.
Một nghiên cứu năm 2019 của McKinsey cho thấy sự tham gia của các lãnh đạo nữ ở những vị trí cấp cao có khả năng tăng lợi nhuận và giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp lên đến 50%. Trung tâm Phát triển lãnh đạo, hợp tác – DDI (Development Dimensions International) cũng thống kê rằng những tổ chức với sự đa dạng về giới đạt trên mức trung bình tăng khả năng để lọt vào danh sách 10% doanh nghiệp hoạt động tài chính tốt nhất gấp 8 lần.
Đại dịch đã làm chậm tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới khi phụ nữ trên toàn cầu đang phải hứng chịu những mức độ ảnh hưởng khác nhau bởi COVID-19. Ảnh: hawee |
Tại khu vực Đông Nam Á, 75% nhân viên làm việc tại những doanh nghiệp có sự đa dạng cao cho rằng tổ chức của mình có năng lực vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh, con số này gần gấp đôi so với số lượng những nhân viên làm việc trong những tổ chức kém đa dạng về giới.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu kéo dài trong 4 năm khảo sát trên 120 công ty đại chúng được niêm yết cho thấy sự tham gia của lãnh đạo nữ trong hội đồng quản trị đã cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, và xu hướng này tiếp tục tăng lên đến khi tỷ lệ lao động nữ chiếm 20% trong tổ chức. Ngoài ra, 61% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng lãnh đạo nữ làm việc hiệu quả ngang bằng lãnh đạo nam, và 27% doanh nghiệp hoàn toàn đồng ý với nhận định trên.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh COVID-19
Đại dịch đã làm chậm tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới khi phụ nữ trên toàn cầu đang phải hứng chịu những mức độ ảnh hưởng khác nhau bởi COVID-19. Ở Việt Nam, Cuộc Điều tra lao động và việc làm Quý II/2020 của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính rằng lực lượng lao động nữ giảm 5,4% so với mức giảm 3,2% của nhóm lao động nam.
Có nhiều cách khác mà các công ty có thể áp dụng để tăng tốc bình đẳng giới khi toàn xã hội bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Thứ nhất, khởi động những sáng kiến trực tiếp ủng hộ sự lãnh đạo của phụ nữ. Bằng cách cung cấp các nền tảng hướng dẫn và cố vấn, các sáng kiến sẽ tạo điều kiện cho những nhà lãnh đạo ở tất cả các cấp thúc đẩy mối gắn kết với tổ chức/công ty và tạo lợi thế phát triển sự nghiệp nhanh hơn. Diễn đàn Lãnh đạo phụ nữ 3M (WLF) là một trong những ví dụ. Hiện tại diễn đàn có hơn 5.000 thành viên từ 65 chi hội trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam.
Thứ hai, điều chỉnh quy trình tuyển dụng và phỏng vấn để đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Theo đơn vị tư vấn tuyển dụng toàn cầu – Hays, ba phương pháp hàng đầu mà các tổ chức ở châu Á sử dụng để chủ động tìm kiếm ứng viên đa dạng bao gồm: tiếp cận ứng viên thông qua giới thiệu trung gian, tối ưu hóa dữ liệu để chọn ra kênh tuyển dụng mang lại sự đa dạng cao nhất, và làm việc với đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp để thu hút ứng viên từ các nhóm thiểu số. Với mục tiêu tích lũy trên tất cả các chiều đa dạng nhằm tăng gấp đôi nguồn nhân lực phong phú từ 32.6% lên 65.2%, 3M đang nỗ lực xóa bỏ mọi phán xét và thiên kiến trong quá trình phỏng vấn, đồng thời đầu tư vào một hệ thống quản lý tuyển dụng tập trung chọn lọc ứng viên dựa trên năng lực.
Bảng xếp hạng các nền kinh tế hàng đầu dành cho nữ doanh nhân. Ảnh: MIWE. |
Thứ ba, cung cấp khóa đào tạo nhân sự để giải quyết những vấn đề liên quan đến thành kiến vô thức. Điều này có thể giúp nhân viên xác định những thành kiến tiềm ẩn và công cụ để thay đổi chúng. Chúng ta vẫn có những biện pháp khả thi cho vấn đề này ở châu Á. Trong khi có đến 72% người lao động ở Châu Á đồng ý rằng việc đào tạo để loại bỏ thành kiến vô thức mang lại lợi ích, thì chỉ 49% doanh nghiệp đang thực hiện điều này. Để thúc đẩy văn hóa hội nhập, chúng tôi đang hợp tác triển khai các khóa đào tạo về việc loại bỏ thành kiến vô thức cho tất cả các cấp của công ty, khởi điểm từ Mỹ.
Cuối cùng, doanh nghiệp có thể đồng hành cùng các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động về bình đẳng giới, đồng thời khuyến khích nhân viên dành thời gian và kỹ năng để cải thiện những vấn đề liên quan đến chủ đề này. Ví dụ, ở Singapore, 3M đang hợp tác cùng Hội liên hiệp Phụ nữ Singapore (United Women Singapore) trong chương trình Girls2Pioneers nhằm tổ chức các hoạt động giáo dục và cố vấn về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cho các bé gái có hoàn cảnh khó khăn. Điều này khuyến khích nhiều phụ nữ theo đuổi giáo dục và sự nghiệp trong các lĩnh vực trên, từ đó thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới.
►Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư