Tài Chính

287 mã giảm, VN-Index lại “đánh rơi” 10 điểm

Nhật Lệ Thứ Hai | 04/11/2024 16:00

Toàn sàn HOSE có 287 mã giảm. Ảnh: Fiintrade.

Phiên giao dịch đầu tuần mới (4/11), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán.
Toàn sàn HOSE có 287 mã giảm. Ảnh: Fiintrade.

Kết phiên, VN-Index giảm hơn 10 điểm, độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều tiêu cực với 287 mã giảm và 93 mã tăng. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 15.800 tỉ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng chịu áp lực bán mạnh với 23 mã giảm, đẩy chỉ số này giảm gần 13 điểm. Giá trị giao dịch của nhóm VN30 cũng chiếm hơn 50% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE. 

Xét về nhóm ngành, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, 13/18 nhóm ngành bị “phủ đỏ” trong phiên giao dịch 4/11. Trong đó, ngân hàng, hóa chất là hai nhóm giảm mạnh nhất. Trong khi đó, dịch vụ tài chính, hàng cá nhân & gia dụng là hai nhóm tác động tích cực lên VN-Index. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu tác động tiêu cực lên VN-Index. Ảnh: VNDirect.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu tác động tiêu cực lên VN-Index. Ảnh: VNDirect.

Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Asean cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn có khả năng tiếp diễn khi lực xu hướng còn yếu, tuy nhiên xu hướng tăng chủ đạo hình thành từ tháng 11/2022 vẫn được duy trì, kỳ vọng các mốc 1.244, 1.228 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mới giúp chỉ số cân bằng. 

“Nhà đầu tư nên nâng cao quản trị rủi ro xu hướng, chỉ nên giải ngân khi có tín hiệu rõ ràng về quá trình cân bằng và các dấu hiệu xác nhận xu hướng hồi phục xuất hiện đi cùng với khối lượng giao dịch. Chúng tôi duy trì quan điểm đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý III  tích cực, chờ đợi giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện và định giá về mức hấp dẫn”, Chứng khoán Asean nhận định. 

 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường chứng khoán trong nước thường có chu kỳ tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau. Trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023, chỉ số VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh mẽ sau đó. Ngoài yếu tố mang tính chu kỳ/mùa vụ đang hỗ trợ thị trường phục hồi trở lại, thị trường có thể kỳ vọng vào các tin tức hỗ trợ như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,25% trong cuộc họp kết thúc vào ngày 8/11, tức ba ngày sau khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ. 

Thứ hai, càng về giai đoạn cuối năm, tốc độ nới lỏng chính sách có thể nhanh hơn thông qua thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 15%, trong khi đến hết tháng 9 mới đạt hơn 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, dư địa cho vay còn lại của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn trong quý IV này. 

MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu đang tạo nền tích lũy với thanh khoản thấp, hoặc nhóm cổ phiếu đã giảm qua ngưỡng 1.240 điểm như: Viettel, thủy sản, ngân hàng, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. 

Có thể bạn quan tâm

Hiệu ứng FOMO của vàng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày