Cá nhân cân khối ngoại
Thực tế khối ngoại đã bán ròng trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: shutterstock.com.
Dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục đỡ thị trường trước đà bán ròng của khối ngoại.Theo dõi động thái mua bán ròng của khối ngoại từ lâu đã trở thành thói quen của các nhà đầu tư. Nếu như ở giai đoạn 2017-2018, sự tăng giảm của VN-Index phụ thuộc phần lớn vào động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài thì sau sự bùng nổ mạnh mẽ vào năm 2020, cuộc chơi trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã “nằm trong tay” nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Bán ròng tỉ USD
Trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận tháng bán ròng kỷ lục lên đến hơn 15.590 tỉ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng 5 tháng đầu năm 2024 lên hơn 35.000 tỉ đồng. Việc liên tục rút ròng của khối ngoại cũng trở thành chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trên các hội nhóm chứng khoán.
Thực tế khối ngoại đã bán ròng trong nhiều năm trở lại đây. Dữ liệu thống kê của NCĐT cho thấy, trong giai đoạn 2020-2023 khối này đã rút ròng khoảng 3 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, khối ngoại không còn là người chi phối ở thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đà bán ròng của khối ngoại.
Đơn cử như năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 62.000 tỉ đồng, nhưng đây lại là năm thiết lập rất nhiều kỷ lục ở thị trường chứng khoán Việt Nam từ thanh khoản, điểm số đến số lượng nhà đầu tư mới nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng đầu tư trong nước.
Năm 2023 khối ngoại cũng bán ròng khoảng 22.000 tỉ đồng trong khi VN-Index vẫn tăng trưởng hơn 12%. Năm 2022 khi khối ngoại mua ròng tỉ USD thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại vào pha chỉnh mạnh với sự sụt giảm hơn 30% của VN-Index.
Không chỉ vậy, số liệu từ NCĐT từ năm 2019 đến hiện tại cho thấy, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm dần và chiếm dưới 10% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Thay vào đó, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu đến từ dòng tiền trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân.
Từ dữ liệu thống kê của FiinTrade, dễ dàng nhận thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, khi khối ngoại liên tiếp bán ròng từ tháng 2/2024 đến nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành lực đỡ chính của thị trường.
Chia sẻ với NCĐT, ông Nguyễn Thành Trung, CFA, MBA, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho hay, xu hướng bán ròng của khối ngoại ở thị trường Việt Nam là rất lớn trong vài năm trở lại đây. Tính từ đầu năm đến nay, xét về yếu tố vĩ mô, chênh lệch lãi suất giữa thị trường Mỹ và Việt Nam đã kích hoạt dòng tiền đổ về những quốc gia có lãi suất cao hơn và đặc biệt là có tính chất an toàn hơn như Mỹ, thay vì những quốc gia khác như Việt Nam hay các quốc gia ở khu vực châu Á.
Đầu tư không ngại khối ngoại
Không chỉ ở thị trường Việt Nam mà xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài còn xuất hiện ở rất nhiều quốc gia khác. Thống kê của TCSC chỉ ra rằng dòng vốn tại những quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang bị rút ròng khá mạnh. Điều này cho thấy không phải nhà đầu tư nước ngoài bi quan về kinh tế Việt Nam dẫn đến bán ròng, mà đó là một sự dịch chuyển dòng vốn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy các quỹ chủ động tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác. Xu hướng này đang thu hút những nhà đầu tư theo trường phái chủ động, có nghĩa là luôn tìm kiếm cơ hội mới có tỉ suất sinh lời vượt trội. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam lại không có nhiều cơ hội này. Ví dụ, ở Việt Nam chỉ có FPT là đơn vị gia công, còn lại rất hiếm các cơ hội đầu tư như Tesla, Amazon, Apple hay những doanh nghiệp công nghệ của Mỹ. Đó cũng là lý do khiến dòng vốn dịch chuyển từ Việt Nam sang những quốc gia khác.
Đại diện TCSC cho biết, khi phân tích sâu hơn về động thái của khối ngoại thì không lo ngại nhiều. Thứ nhất, khối ngoại tập trung bán ròng ở nhóm cổ phiếu họ Vingroup bao gồm VIC, VHM và VRE với giá trị bán ròng chiếm gần 40% tổng lượng bán ròng toàn thị trường. Tiếp theo là 2 cổ phiếu lớn MSN và VNM cũng bị bán ròng mạnh với giá trị chiếm khoảng 25%.
Các quỹ đầu tư thụ động (ETF) như quỹ Diamond cũng bị rút gần 7.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% giá trị bán ròng toàn thị trường. Như vậy, 3 nhóm này đã chiếm khoảng 85-90% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, với quy mô khoảng 1.700 doanh nghiệp trên thị trường, ngoại trừ 3 nhóm bị bán ròng mạnh, phần còn lại chỉ chiếm từ 10-15% trong tổng giá trị bán ròng, tương ứng khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng. Nếu nhà đầu tư lựa chọn những cổ phiếu còn lại thì sự ảnh hưởng của khối ngoại sẽ không lớn. Thậm chí, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt như MWG, HPG hay NLG vẫn được khối ngoại mua ròng trong thời gian qua.
”Nếu nhà đầu tư lo ngại về việc nước ngoài bán ròng thì có thể tránh những mã chứng khoán đang bị bán ròng. Tác động của nước ngoài đối với những cổ phiếu còn lại không lớn, thậm chí họ còn mua ròng các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt”, ông Trung nói.
Đại diện của TCSC cũng đánh giá mức độ tác động của nhà đầu tư nước ngoài giai đoạn này cũng đã ít hơn và dòng tiền trong nước, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò trọng yếu ở thị trường Việt Nam. Theo đó, nếu nhà đầu tư lựa chọn được những doanh nghiệp tốt, không bị tác động bởi khối ngoại nhiều để đầu tư thì cũng an tâm và không ngại việc bán ròng của khối ngoại.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư