Tài Chính

Cầm tiền chớ để tiền rơi!

Kim Dung Thứ Ba | 05/11/2024 14:00

Khi có thu nhập và có những khoản tích lũy, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư để gia tăng giá trị tài sản. Ảnh: shutterstock.com.

Trong tháp tài sản, tiền gửi tiết kiệm và đầu tư là 2 lớp tài sản quan trọng, mỗi lớp đảm nhận một vai trò riêng.
Khi có thu nhập và có những khoản tích lũy, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư để gia tăng giá trị tài sản. Ảnh: shutterstock.com.

Thật khó để so sánh tiết kiệm và đầu tư một cách tương xứng về mặt con số, nhưng khi kết hợp cả 2 kênh này, hành trình đạt được các mục tiêu tài chính sẽ trở nên vững chắc hơn.

Triệu tỉ tiết kiệm

Với 100 triệu đồng, nếu gửi tiết kiệm từ hồi đầu năm 2024, đến hết tháng 10, giá trị tài sản có thể đạt khoảng 104-105 triệu đồng. Trong khi đó, nếu đầu tư chứng khoán, với mức tăng bình quân hơn 11% của VN-Index, thì số tiền sở hữu tại thời điểm cuối tháng 10/2024 sẽ là hơn 111 triệu đồng, gấp đôi tiền gửi tiết kiệm. 

Ở một kịch bản tích cực hơn, nếu dùng toàn bộ 100 triệu đồng để mua một trong những cổ phiếu như FPT, MWG, TCB, GVR... (chỉ xét trong nhóm VN30) thì tài sản đã tăng hơn 50%. Tuy nhiên, kịch bản tích cực không phải lúc nào cũng xảy ra và nếu chẳng may mua những cổ phiếu như VRE, SSB... thì chẳng những tài sản không tăng mà còn giảm đến hàng chục phần trăm kể từ đầu năm. 

10 tháng đầu năm trôi qua, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường có lẽ là “phân hóa”. Chỉ xét riêng trong nhóm VN30, đã có tới 50% cổ phiếu giao dịch kém hơn mặt bằng chung của VN-Index, thậm chí là giảm hàng chục phần trăm. Có lẽ vì tính phân hóa cũng như yêu cầu phải chọn lọc kỹ càng các cơ hội đầu tư mà nhiều người vẫn đang chọn cách an toàn là gửi tiết kiệm thay vì đầu tư chứng khoán. Hơn 6,8 triệu tỉ đồng đang được người dân gửi ở hệ thống ngân hàng cũng phần nào phản ánh xu hướng người dân đang ưu tiên tìm kiếm sự an toàn cho dòng tiền, khi nhiều kênh đầu tư khác vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro. 

 

Ông Bùi Tấn Trà, Phó Giám đốc Kênh phân phối đối tác của Dragon Capital, cho hay do nhiều rào cản về kiến thức, kinh nghiệm cũng như khả năng quản trị tâm lý nên tỉ lệ nhà đầu tư thua lỗ vẫn ở mức cao. Đầu tư tài chính không phải là một công việc đơn giản mà đòi hỏi rất nhiều thời gian, năng lực chuyên môn, kiến thức thị trường và nhất là tư duy và chiến lược đầu tư phù hợp. 

Không chỉ riêng nhà đầu tư cá nhân, mà ngay cả các quỹ đầu tư cũng chịu không ít “đau thương” ở thị trường chứng khoán. Như đợt lao dốc của thị trường chứng khoán năm 2022, có hơn 90% quỹ đầu tư cổ phiếu lỗ nặng, nhiều quỹ ghi nhận mức sụt giảm tài sản lên đến hơn 30% (tương đương mức giảm 33% của VN-Index).  

Phân bổ đầu tư 

Khi có thu nhập và có những khoản tích lũy, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư để gia tăng giá trị tài sản. Trao đổi với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đã có sự so sánh giữa các kênh đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Đức Anh, giá vàng phụ thuộc nhiều vào rủi ro địa chính trị trên thế giới, mà đây lại là yếu tố khó lường, không thể dự báo trước. Thêm vào đó, giá vàng hiện tại đã ở mức cao (vàng nhẫn tăng hơn 40% kể từ đầu năm) nên “tôi cũng không khuyến nghị nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư vàng trong năm 2025”.

 

Kênh bất động sản cũng có những yêu cầu cao hơn về vốn cũng như sự am hiểu nhất định về thị trường, đặc biệt là vấn đề pháp lý đối với những dự án mới triển khai cũng như tiềm năng của dự án đó. Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng đang dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

“Đối với những người bình thường, tôi vẫn khuyên phân bổ tiền vào kênh đầu tư chứng khoán và kênh gửi tiết kiệm, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người. Với những người trẻ chấp nhận rủi ro cao thì có thể có tỉ trọng cao hơn, thậm chí đầu tư toàn bộ tiền dư của mình vào kênh đầu tư chứng khoán”, ông Đức Anh chia sẻ. 

Chuyên gia của KBSV cũng chỉ ra rằng khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư nên tìm hiểu những doanh nghiệp đầu ngành, được hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô tăng trưởng trong năm 2025, ví dụ những ngành liên quan đến ngành hàng tiêu dùng hay ngành ngân hàng. Ngoài ra, nhà đầu tư nên thận trọng với những doanh nghiệp hay những ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Thị trường chứng khoán tại Việt Nam hiện đang rất sôi động với hơn 800 mã chứng khoán được niêm yết trên các sàn HOSE và HNX. Nếu nhà đầu tư có đủ thời gian, sự hiểu biết và kinh nghiệm, họ có cơ hội khai thác những cổ phiếu tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường và các quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, việc yêu cầu các nhà đầu tư cá nhân, dù đã thành công ở những lĩnh vực khác, phải dành thời gian và nỗ lực để tìm hiểu kỹ lưỡng về đầu tư là điều không dễ dàng. Họ sẽ cần phải vượt qua nhiều thách thức trong việc nâng cao kiến thức về thị trường và đầu tư để có thể nhận diện những cơ hội hấp dẫn. Khi các quỹ đầu tư ngày càng chứng minh được hiệu quả và sự chuyên môn hóa cao thì chứng chỉ quỹ có thể là một lựa chọn để nhà đầu tư mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. 

Có thể bạn quan tâm 

Vì sao VN-Index chưa thể bứt phá?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày