Tài Chính

Cứu doanh nghiệp, chỉ bơm tiền là chưa đủ

Vũ Thiện Thứ Tư | 29/09/2021 07:30

Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ của nền kinh tế do có tính lan tỏa cao tới nhiều ngành nghề khác. Ảnh: Quý Hòa

Hiệu quả của các gói tín dụng cần đo đếm khi tính đến các phương án dài hạn.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ của nền kinh tế do có tính lan tỏa cao tới nhiều ngành nghề khác. Ảnh: Quý Hòa

Theo kết quả khảo sát online của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số doanh nghiệp tại TP.HCM) thực hiện cuối tháng 8 cho thấy, 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì COVID-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Doanh nghiệp còn “đủ lực” để “sống” trong 1 đến 3 tháng chiếm khoảng 46%.

Cấp cứu bằng tín dụng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Doanh nghiệp đã thật sự đuối rồi, không còn sức chống chọi.  Chúng tôi đang rất cần nguồn vốn để bổ sung vào dịp lễ, Tết. Nếu không, các doanh nghiệp cung ứng mức độ nhỏ sẽ đuối hết”.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 23/7 cho hay, đã có 78 ngân hàng, 22 công ty tài chính, cho thuê tài chính, tín dụng vi mô và 294 quỹ tín dụng đã cắt giảm thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp. Toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai 3 đợt cắt giảm thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi với dịch bệnh, chuẩn bị các phương án phục hồi sản xuất và kinh doanh.

 

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. Cụ thể, 16 ngân hàng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỉ đồng thông qua các nguồn trên”.

Nhìn chung, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các gói tín dụng ưu đãi đã được tung ra ồ ạt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tính khả thi và hiệu quả của các gói tín dụng này, nhất là trong kịch bản giãn cách xã hội tiếp tục phải kéo dài.

Thực tế, việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng có thể khiến tỉ lệ NIM (biên lợi nhuận ròng) của các ngân hàng sụt giảm, nên nhiều ngân hàng vẫn còn dè dặt trong việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, đứng trước áp lực gấp rút của dòng tiền, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chấp nhận đi vay lãi suất cao nhưng thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn là đi vay các gói lãi suất thấp nhưng giấy tờ, hồ sơ, điều kiện đi kèm phức tạp, giải ngân chậm.

 

Đáng chú ý, các gói tín dụng được tung ra không hỗ trợ cho tất cả ngành nghề, trong đó lĩnh vực bất động sản thường không nằm trong danh sách ngành nghề được áp dụng ưu đãi lãi suất do vẫn bị cho là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro. Điều này có thể gây ra tác động tiêu cực cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh bất động sản đang đóng góp 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định: “Doanh nghiệp bất động sản không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn này. Chưa kể, các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây...”.

Các gói tín dụng dù là chiếc phao cứu sinh tốt nhất hiện nay cho nền kinh tế nhưng vẫn cần có thêm giải pháp khác để vực dậy sức khỏe tài chính vốn đã kiệt quệ của doanh nghiệp.

Tìm giải pháp lâu dài

Trước hết, tổ chức tín dụng có thể hạ bớt một số rào cản kỹ thuật cho vay đối với doanh nghiệp, hoặc thậm chí xem xét đến hình thức vay tín chấp. Cụ thể, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2021 do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đề xuất thành lập một tổ hợp tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì xây dựng, còn các ngân hàng đều phải tham gia với mức 3-3,5% tổng dư nợ hiện tại, tương đương khoảng 350.000 tỉ đồng.

“Tổ hợp này phải gắn liền với cho vay tín chấp. Doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên giờ muốn cứu họ không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Vay tín chấp không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, mà còn có tốc độ giải ngân nhanh hơn vay thế chấp. Đây là điều mà các doanh nghiệp đang ở bờ vực khó khăn hiện nay có nhu cầu rất cao.

Bên cạnh chính sách tiền tệ, cũng cần tiếp tục đẩy nhanh chính sách tài khóa, mà cụ thể là đầu tư công, nhất là trong bối cảnh hệ thống thương mại đã bị tê liệt do giãn cách xã hội. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ của nền kinh tế do có tính lan tỏa cao tới nhiều ngành nghề khác. 

Ảnh: Quý Hoà
16 ngân hàng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm lãi suất với tổng số tiền là 20.300 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hoà

Cụ thể, trong tháng 8, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu giải ngân được trên 95% kế hoạch ban đầu đề ra. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng: “Sự phối hợp hài hòa giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ được xem là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho sự phục hồi của nền kinh tế”. Cùng nhận định, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Đẩy mạnh đầu tư công là biện pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau các tác động của đại dịch”. 

Giải pháp cuối cùng đi sâu vào gốc rễ vấn đề, tức cần triển khai quyết liệt các chính sách đối phó với dịch bệnh, thay vì chỉ cấp cứu tạm thời cho doanh nghiệp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, xây dựng hệ thống thẻ xanh vaccine, triển khai hộ chiếu vaccine là những điều tiên quyết, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã chuyển chiến lược từ “Ngăn chặn dịch bệnh” sang “Sống chung với COVID” nhằm đối phó với chủng Delta và duy trì sản xuất cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho biết: “Giảm lãi suất chỉ giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp tồn tại qua dịch COVID-19, cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động sớm, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế... Chỉ khi nào doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày