Đường đến niêm yết

Đón sóng chuyển sàn

Hà Linh Thứ Ba | 11/06/2024 07:30

Bên cạnh sự sôi động trên thị trường thứ cấp, thị trường sơ cấp cũng đón nhận những cái tên mới. Ảnh: shutterstock.com.

Làn sóng niêm yết mới được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư sau giai đoạn thiếu vắng cổ phiếu mới.
Bên cạnh sự sôi động trên thị trường thứ cấp, thị trường sơ cấp cũng đón nhận những cái tên mới. Ảnh: shutterstock.com.

Khan hiếm hàng trên thị trường chứng khoán là bài toán khó trong những năm gần đây khi số lượng doanh nghiệp mới niêm yết không nhiều. Tuy nhiên, sau một giai đoạn trầm lắng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ và có kế hoạch niêm yết mới. Các doanh nghiệp này chủ yếu là công ty con của các doanh nghiệp lớn vốn đã niêm yết trên sàn. 

Tân binh mới nhưng không lạ

Ngày 24/5 cổ phiếu MCM của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã chính thức nhận được chấp thuận từ HOSE về việc chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE sau 8 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ. Dự kiến ngày 13/6 sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của 110 triệu cổ phiếu thuộc thương hiệu sữa 65 năm tuổi đời. Với sự xuất hiện của MCM, sàn HOSE sẽ đón thêm tân binh mới cũng là doanh nghiệp sản xuất sữa thứ 2 sau Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM).

Sữa Mộc Châu không xa lạ với nhà đầu tư vì đây là công ty con của Vinamilk, một doanh nghiệp đang nắm trong tay hơn 50% thị phần toàn ngành sữa nội địa. Thông tin chuyển sàn như một cú hích đẩy giá cổ phiếu tăng đứng trong phiên giao dịch ngày 27/5, xác lập mức đỉnh sau 2 năm tại mốc giá 43.700 đồng/cổ phần, tăng 12% so với phiên trước đó. Thanh khoản cổ phiếu cũng nhảy vọt từ vài chục ngàn đơn vị mỗi phiên tăng lên vài trăm ngàn đơn vị trong các phiên gần đây.

Ngày 24/4 một doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái Gelex là cổ phiếu GEE của Công ty Cổ phần  Điện lực Gelex  đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn HOSE với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tương ứng với 300 triệu cổ phiếu sẽ được giao dịch trên HOSE.

Một cái tên nổi bật trong làn sóng chuyển sàn năm nay phải kể đến “con gà đẻ trứng vàng” của Masan Group là Masan Consumer (MCH). Hiệu ứng chuyển sàn nhanh chóng phản ánh vào giao dịch cổ phiếu MCH cả về giá và khối lượng giao dịch mỗi phiên. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá cổ phiếu MCH đã tăng hơn 30% kể từ sau Đại hội. Quy mô vốn hóa của doanh nghiệp cũng lên con số trên 5 tỉ USD.

Bên cạnh sự sôi động trên thị trường thứ cấp, thị trường sơ cấp cũng đón nhận những cái tên mới. Theo ghi nhận trên sàn HOSE, từ đầu năm tới nay, đã có 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết. Trong đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (mã DSC) nộp hồ sơ niêm yết 204,8 triệu cổ phiếu ngày 1/3; Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE nộp hồ sơ niêm yết 330 triệu cổ phiếu ngày 7/3; Công ty Cổ phần Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã GEE) nộp hồ sơ niêm yết 300 triệu cổ phiếu ngày 24/4; Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (mã RYG) nộp hồ sơ niêm yết 45 triệu cổ phiếu ngày 21/5.

Đón đầu dòng vốn ngoại

Nâng hạng thị trường đang là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên thị trường thời gian qua. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng những tiêu chí do các tổ chức quốc tế đề ra trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, từ nâng cấp công nghệ đến lấy ý kiến để sửa đổi quy định pháp lý liên quan. Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE để được nâng hạng, với 2 tiêu chí không đạt là Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch) và tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm. 

Theo dự báo, nếu đáp ứng được đủ các tiêu chí của FTSE, đến tháng 9/2025 chứng khoán Việt Nam có thể được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi. Công ty Chứng khoán VPBankS ước tính, giá trị dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 882 triệu USD khi quyết định nâng hạng của FTSE có hiệu lực, dòng vốn chủ động có thể lớn hơn gấp 10 lần.

Việc hàng loạt doanh nghiệp nô nức đưa ra kế hoạch niêm yết đối với các công ty con là tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán đang trong trạng thái khan hiếm hàng nhiều năm qua. Những cổ phiếu mới này nếu lên sàn theo đúng lộ trình có thể đón được làn sóng nâng hạng thị trường, hưởng lợi dòng vốn hàng chục, hàng trăm triệu USD chảy vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc chuyển sang sàn HOSE từ UPCoM sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao. Trước nay, việc niêm yết cổ phiếu được xem là khâu quan trọng để doanh nghiệp khẳng định vị thế. Bởi niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ nhận diện, khẳng định tính minh bạch cũng như kêu gọi được vốn nhanh từ các nhà đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại dồi dào.

Cuối cùng, ngoài việc huy động vốn, việc chuyển sàn được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nâng định giá cổ phiếu đang bị giao dịch ở dưới giá trị nội tại trên sàn UPCoM. Những mã cổ phiếu có “game” chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón, mặc dù không phải mã nào cũng đem lại lợi nhuận. Hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chuyển sàn gần như đã trở thành quy luật nên thường được nhà đầu tư canh mua trên sàn cũ ngay khi có thông tin rò rỉ đầu tiên. Nhìn lại những cổ phiếu chuyển sàn trong gần 10 năm qua cho thấy, nhiều mã không chỉ khuấy động sàn giao dịch ngay sau khi có thông tin, mà giá còn tiếp tục có diễn biến tăng sau đó.

Có thể bạn quan tâm:

Giãn & “giấu” nợ xấu


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày