Đường đến niêm yết

Tính đến cuối tháng 6, trên HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD

Ngọc Tâm Thứ Tư | 17/07/2024 15:19

Hình ảnh minh họa thị trường tăng. Ảnh: Copilot.

Trong đó có 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Hình ảnh minh họa thị trường tăng. Ảnh: Copilot.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết ngày 30/6/2024, HOSE có 511 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, gồm 395 mã cổ phiếu, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 15 mã chứng chỉ quỹ ETF và 97 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt gần 159 tỉ chứng khoán. Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,08 triệu tỉ đồng, tương đương 50,26% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), giảm 1,11% so với tháng 5/2024 và tăng hơn 11,58% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 93,46% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.

 

Trong tháng 6/2024, có 1 mã cổ phiếu được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch trên HOSE, là cổ phiếu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, mã cổ phiếu MCM. Cụ thể, ngày 25/6 Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết cho Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (mã MCM) và đưa vào giao dịch chính thức 110 triệu cổ phiếu MCM với tổng giá trị niêm yết (theo mệnh giá) là 1.100 tỉ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của MCM là 42.800 đồng/cổ phiếu với biên độ giao động giá là ±20%.

Tính đến ngày 30/06/2024, trên HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). 

Góc nhìn về thị trường chứng khoán nói chung, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng xu hướng thị trường sẽ biến động giằng co trong quý III, và có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh đáng kể giai đoạn giữa quý, trước khi quay trở lại xu hướng tăng trong quý IV. 

 

“Chúng tôi cho rằng áp lực tỉ giá, lãi suất vẫn sẽ căng thẳng trong ít nhất nửa đầu quý III, và sẽ chỉ dần hạ nhiệt khi bước vào quý IV, nhờ dòng ngoại tệ đến từ kiều hối, mùa xuất khẩu cao điểm dịp cuối năm, cũng như việc FED hạ lãi suất. Quý IV cũng là thời điểm thị trường thường đón nhận các thông tin tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư công, số liệu vĩ mô, lợi nhuận doanh nghiệp tích cực hay các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả kỳ bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11, diễn biến cuộc khủng hoảng chính trị ở EU, xung đột địa chính trị toàn cầu, xử lý các vấn đề tham nhũng trong nước… là các yếu tố rủi ro tiềm ẩn cần theo dõi”, KBSV nhận định. 

Đối với triển vọng ngành trong nửa cuối năm, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực với các ngành dầu khí, bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, cảng & vận tải biển, khu công nghiệp, thép.

Có thể bạn quan tâm 

Nhiều cổ phiếu “hot” nằm trong danh sách “cắt margin” của HOSE


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày