Góc nhìn chuyên gia

2024 là "Năm của trái phiếu"

Thứ Tư | 18/12/2024 15:34

Các nhà đầu tư đổ xô vào quỹ trái phiếu. Ảnh minh họa: Reuters

Lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm và giá trái phiếu tăng khi các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất vay ngắn hạn.
Các nhà đầu tư đổ xô vào quỹ trái phiếu. Ảnh minh họa: Reuters

Các nhà đầu tư đã rót kỷ lục 600 tỉ USD vào các quỹ trái phiếu toàn cầu trong năm nay, tận dụng một số mức lợi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ trước năm 2025 đầy bất định. 

Lạm phát giảm dần đã cho phép các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thúc đẩy giới đầu tư nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ mức lợi suất hấp dẫn hiện tại, từ đó tạo nên "năm ấn tượng của trái phiếu" sau khi 250 tỉ USD rời khỏi các quỹ thu nhập cố định vào năm 2022 . 

Bà Vasiliki Pachatouridi, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định iShares khu vực EMEA tại BlackRock nhận định, "Mức lợi suất như hiện nay là điều chưa từng thấy trong gần 20 năm qua". 

Dòng tiền ròng tích lũy chảy vào các quỹ trái phiếu tại các thị trường phát triển và mới nổi từ năm 2020 đến 2024.
Dòng tiền ròng tích lũy chảy vào các quỹ trái phiếu tại các thị trường phát triển và mới nổi từ năm 2020 đến 2024.

Lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm và giá trái phiếu tăng khi các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất vay ngắn hạn. Mặc dù tỉ suất sinh lợi của chỉ số trái phiếu toàn cầu ICE BofA chỉ đạt mức trung bình khoảng 2% trong năm nay, lợi suất trái phiếu trên thị trường đã chạm mốc trên 4,5% vào cuối năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2008. 

Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính EPFR, tính đến giữa tháng 12, 617 tỉ USD đã chảy vào các quỹ trái phiếu của thị trường phát triển và mới nổi, vượt qua mức 500 tỉ USD của năm 2021 và đưa năm 2024 trở thành một năm kỷ lục. 

Trong khi đó, cổ phiếu đã thu hút 670 tỉ USD dòng tiền vào khi các chỉ số ở Mỹ và châu Âu đạt đến những đỉnh cao mới. Các quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao và ít rủi ro, đã hoạt động tốt và thu hút hơn 1.000 tỉ USD. 

lợi suất trái phiếu toàn cầu trên chỉ số ICE BofA Broad Global Bond Market Index từ năm 2005 đến 2024.
Lợi suất trái phiếu toàn cầu trên chỉ số ICE BofA Broad Global Bond Market Index từ năm 2005 đến 2024.

Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu ICE BofA đã giảm xuống mức thấp nhất so với trái phiếu Chính phủ không rủi ro kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. 

Các nhà đầu tư đã thể hiện rõ sự ưu tiên đối với các quỹ giao dịch trao đổi thụ động (ETF), vốn đang trên đà đạt kỷ lục trong năm với dòng vốn chảy vào là 350 tỉ USD vào cuối tháng 11, theo dữ liệu của Morningstar Direct. 

Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế London, Martin Oehmke cho biết "ETF giúp các nhà đầu tư tiếp cận một số tài sản trước đây khó giao dịch hơn, bao gồm trái phiếu. Ví dụ, trái phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản kém và ETF cung cấp khả năng tiếp cận thị trường này dễ dàng hơn ở dạng thanh khoản cao hơn." 

 sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng tài sản ròng trong quỹ ETF trái phiếu (Bond Exchange-Traded Funds) từ năm 2014 đến 2024.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng tài sản ròng trong quỹ ETF trái phiếu (Bond Exchange-Traded Funds) từ năm 2014 đến 2024.

Hai gã khổng lồ trong lĩnh vực quỹ thụ động là BlackRock và Vanguard đã được hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Riêng mảng ETF thu nhập cố định iShares của BlackRock đã thu hút 111 tỉ USD từ tháng 1 đến cuối tháng 10. Các quỹ trái phiếu của Vanguard cũng ghi nhận dòng vốn ước tính 120 tỉ USD, phần lớn trong số đó được chuyển vào hoạt động kinh doanh chỉ số của công ty, bao gồm các ETF. 

PIMCO, vốn nổi tiếng với hoạt động quản lý chủ động, cũng đã có một năm thành công. Theo Morningstar, công ty đã thu hút khoảng 46 tỉ USD vào quỹ trái phiếu của mình sau khi đã rút khoảng 80 tỉ USD vào năm 2022. 

Một số yếu tố có thể khiến dòng vốn chảy vào chậm lại vào năm 2025. Chương trình cắt giảm thuế và nới lỏng quy định của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khiến cổ phiếu Mỹ tăng vọt và dòng vốn đổ vào cổ phiếu tăng mạnh, hạn chế sức hấp dẫn của trái phiếu. 

Dữ liệu từ EPFR và TD Securities cho thấy 117 tỉ USD đã chảy vào các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ trong bốn tuần sau chiến thắng của ông Trump vào ngày 5/11, gấp hơn bốn lần so với 27 tỉ USD chảy vào trái phiếu toàn cầu. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ rằng trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng giá mạnh hơn nữa sau thành tích mạnh mẽ trong năm nay. 

Giám đốc phân bổ tài sản toàn cầu tại ngân hàng Thụy Điển SEB, Carl Hammer cho biết: "Có vẻ như rất khó để tiếp tục kỳ vọng chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp hơn nữa và tôi không tin rằng lợi suất trái phiếu sẽ thấp hơn nhiều so với mức hiện tại". 

Có thể bạn quan tâm 

Hoạt động đầu tư tư nhân sẽ sớm sôi động trở lại

Nguồn Theo Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày