Trợ lực bằng cổ phiếu quỹ
Ảnh: QH
Đ ối mặt với sức ép từ giới cổ đông khi giá cổ phiếu liên tục phá đáy, khá nhiều doanh nghiệp quyết định sử dụng công cụ mua cổ phiếu quỹ để thoát hiểm. Nhưng bên cạnh tác động tích cực, giải pháp này có thể gây lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong tương lai, cũng như có thể gây áp lực lãi vay cho công ty nếu phương án mua cổ phiếu quỹ được tài trợ bởi vốn vay.
Mới đây, Thế Giới Di Động đã mua lại hơn 100.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn dự kiến chi ra 160 tỉ đồng để mua 2 triệu cổ phiếu quỹ. Hay ở mảng hàng không, Vietjet chi ra 2.300 tỉ đồng để sở hữu 17,77 triệu cổ phiếu quỹ...
Lãnh đạo Vietjet cho biết cổ phiếu của hãng hàng không này đang ở mức tốt, trong khi giá thị trường chưa phản ánh đúng giá trị vị thế dẫn đầu và tiềm năng tăng trưởng của Công ty. Vì vậy, việc mua lại cổ phiếu nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông.
Gây chú ý nhất trên thị trường mua bán cổ phiếu quỹ là cái tên Yeah1. Từ mức đỉnh gần 300.000 đồng cuối năm 2018, giá cổ phiếu YEG đã rơi dần đều về vùng 80.000 đồng. Đễ hỗ trợ giá, Yeah1 quyết định mua 1,7 triệu cổ phiếu quỹ. Dù vậy, giá cổ phiếu công ty truyền thông này tiếp tục đi xuống và hiện xoay quanh vùng 66.000 đồng, khiến nỗ lực đỡ giá gần như vô ích.
Danh sách các tên tuổi lớn tham gia vào chương trình mua cổ phiếu quỹ thời gian gần đây còn có một loạt ngân hàng như VPBank, MBBank, TPBank, HDBank với số lượng hàng chục triệu cổ phiếu, tương đương với số tiền phải chi ra lên đến hàng ngàn tỉ đồng cho mỗi ngân hàng.
Với các nhà quản trị doanh nghiệp, cổ phiếu quỹ là công cụ tài chính tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ ngay tức thì. Theo Công ty Tư vấn McKinsey, động lực mua lại cổ phiếu là cải thiện tỉ số tài chính, nhất là thước đo về lợi nhuận như ROE, ROA, EPS để giúp bảng cân đối kế toán trở nên đẹp hơn.
Giảm lượng cổ phiếu giao dịch giúp cải thiện giá trị công ty, thậm chí cả ngàn tỉ đồng, nhờ vào chi phí vốn bình quân doanh nghiệp giảm do tỉ trọng nợ lớn hơn, đi kèm với hưởng lợi từ hiệu ứng lá chắn thuế. Lý do là khi một công ty sử dụng nhiều hơn khoản nợ, khoản thanh toán lãi sẽ được khấu trừ thuế. Trong khi nắm giữ lượng dư thừa tiền mặt sẽ làm tăng chi phí vì thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm sẽ phải chịu thuế.
Một số doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội giá rẻ để tích lũy cổ phiếu quỹ để từ đó, tạo nguồn cổ phiếu thưởng cho Ban Quản trị nếu kết quả kinh doanh trong tương lai khả quan hơn. Một số doanh nghiệp như CII còn tận dụng việc mua rẻ rồi chuyển nhượng cổ phiếu quỹ với giá cao hơn cho đối tác chiến lược và thu được một khoản tiền chênh lệch đáng kể.
Nhưng bên cạnh các mặt tích cực, động thái gia tăng mua cổ phiếu quỹ có thể phát đi tín hiệu kém tích cực về triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Theo McKinsey, trong nhiều trường hợp mua cổ phiếu quỹ, đội ngũ quản lý công ty đã không tìm ra cơ hội đầu tư hiệu quả và việc hoàn tiền lại cho cổ đông được cho là biện pháp tốt hơn.
Trường hợp tệ hơn còn xảy ra khi doanh nghiệp tài trợ cho nghiệp vụ mua lại cổ phiếu quỹ bằng nợ hơi lớn, dẫn đến rủi ro chi trả trong tương lai. Đơn cử như Mỹ, động thái tăng mua cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp lớn sau sự kiện năm 2008-2009 gây ra nhiều quan ngại từ giới đầu tư. “Vấn đề gây lo ngại là sau khủng hoảng tài chính, nhiều công ty đã tránh xa việc đầu tư vào sự phát triển trong tương lai của chính mình. Quá nhiều công ty đã cắt giảm chi tiêu vốn và thậm chí tăng nợ để tăng cổ tức và tăng mua lại cổ phần”, ông Laurence Fink, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của BlackRock, nhận định trên tờ Harvard Business Review.
Để đảm bảo cổ phiếu quỹ không bị lạm dụng, một số quốc gia đã ban hành quy định tỉ lệ giới hạn mà doanh nghiệp được phép mua. Đơn cử như Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore có quy định giới hạn lượng cổ phiếu quỹ mà doanh nghiệp niêm yết được phép mua ở mức 10% tổng số cổ phiếu phát hành. Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, tỉ lệ này được quy định ở mức 20%.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư