VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử
VN-Index chạm mốc giá cao nhất lịch sử. Ảnh: FireAnt.
Phiên giao dịch 27/10 đánh dấu bước ngoặt khi một lần nữa VN-Index đóng cửa tại vùng đỉnh cũ, cũng là vùng giá cao nhất trong lịch sử hơn 21 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu như nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đồng thuận để nâng đỡ thị trường, thì phiên giao dịch này một lần nữa đánh dấu sự trở lại của nhóm này. Dòng tiền đổ dồn vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm VN30. Sự đồng thuận của nhóm này khi toàn bộ 30 cổ phiếu đều đóng cửa ở sắc xanh đã giúp cho VN-Index đóng cửa tăng mạnh.
VN-Index có sự bứt phá mạnh mẽ cả về giá và khối lượng. Ảnh: Banggiassi. |
Ở nhóm VN30, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong thời gian qua. Như GAS đóng cửa ở mức giá trần, MSN tăng hơn 5%; các cổ phiếu khác như KDH, SSI, CTG cũng tăng hơn 4% và nhiều cổ phiếu tăng trên 3%. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN30 tăng hơn 33,8 điểm với giá trị giao dịch ở nhóm này lên tới gần 11.000 tỉ đồng.
Về phần mình, VN-Index đã có phiên bùng nổ mạnh về giá và thanh khoản khi kết phiên ghi nhận mức tăng gần 31,4 điểm, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua. Thanh khoản cũng đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua với giá trị hơn 28.300 tỉ đồng được giao dịch trên sàn HOSE. Không chỉ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà dòng tiền có sự lan tỏa đến phần lớn các cổ phiếu trên thị trường. Độ rộng trên sàn HOSE gần như nghiêng hoàn toàn về bên mua với 355 mã tăng và chỉ 95 mã giảm điểm.
Các nhóm cổ phiếu gần như đều tăng điểm trong phiên 27/10. Ảnh: Banggiassi. |
Là nhóm cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất trên sàn HOSE, diễn biến giá của nhóm ngân hàng có tác động lớn đối với diễn biến chung của chỉ số. Phiên bùng nổ ngày hôm nay cũng không thể thiếu sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này đều đồng thuận tăng điểm. Trong đó, dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu CTG, với mức tăng 4%; các cổ phiếu khác như ABB; STB; BVB cũng ghi nhận mức tăng hơn 3%, các cổ phiếu còn lại duy trì đà tăng nhẹ đến 2,5% ở phiên giao dịch này.
Nhiều cổ phiếu đồng thuận "kéo" chỉ số. Ảnh: SSI. |
Nền kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. GDP quý III/2021 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, hơn 6,17%. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tốc độ hồi phục trong quý IV phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích ứng an toàn với dịch của các tỉnh thành phố kinh tế.
Trong Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 10, Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng tăng trưởng GDP quý IV/2021 của Việt Nam đạt 4%, với các động lực chính là dòng vốn FDI và đầu tư công được đẩy mạnh. Trong năm 2022, khi tỉ lệ tiêm vaccine kì vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với COVID” của các tháng trước đó, Mirae Asset cho biết họ tin rằng Việt Nam sẽ đạt mức hồi phục 5,7% trong kịch bản cơ sở và 6,2% trong kịch bản khả quan.
Trong đó, các động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 bao gồm dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; đầu tư công được đẩy mạnh và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Mặc dù triển vọng kinh tế quý III/2021 khá ảm đạm, tuy nhiên mức tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết vẫn được kỳ vọng ở mức 33% trong năm 2021 ở kịch bản khả quan và 26% trong kịch bản xấu. Mirae Asset cho biết họ giữ nguyên dự phóng mức dao động VN-Index cho quý IV, với kịch bản cơ sở là 1.350 điểm, kịch bản khả quan là 1.440 điểm.
Có thể bạn quan tâm
Tiền đổ vào cổ phiếu bất động sản và thoái vốn
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư