Thế giới

Các nền kinh tế Châu Á đứng trước “thảm họa xác sống”

Thứ Ba | 04/04/2017 09:26

Hãy ghi nhớ một bài học từ các bộ phim kinh dị: Nếu để cho các xác sống tiếp tục tồn tại, thì chúng sẽ tạo ra thêm nhiều xác sống mới.

Bất kì ai yêu thích phim kinh dị đều biết một điều rằng: Đừng cố cứu những xác sống (zombie), vì chúng chỉ biết quay lại và cắn bạn thôi.

Những gì xảy ra mấy năm nay cho thấy rõ là nhiều nhà làm chính sách kinh tế ở châu Á nên dành ra thêm thời gian xem phim kinh dị. Do lo lắng về tình trạng mất việc làm và những khoản vay khó đòi, giới quan chức chính phủ và ngân hàng trên toàn Châu Á tiếp tục sử dụng các khoản vay lãi suất thấp và các biện pháp hỗ trợ khác nhằm giải cứu các công ty gặp khó khăn kinh niên trong việc trả lãi vay – còn gọi là những “doanh nghiệp xác sống”. Nhưng thực tế là những công ty này chẳng làm được gì khác ngoài việc làm lãng phí các nguồn lực và giảm năng suất của cả nền kinh tế.

Hãy thử xem xét những gì đang xảy ra tại Hàn Quốc, khi chính phủ nước này đang nỗ lực cứu hãng đóng tàu Daewoo Shipbuilding (DSME). Vào ngày 23/3, 2 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hàn Quốc (KEXIM) đã đồng ý cho hãng đóng tàu này vay 2,6 tỷ USD và chuyển đổi nợ thành cổ phần nhằm tránh xảy ra vỡ nợ. Trong một thông cáo, KDB đã cảnh báo rằng nếu DSME phá sản thì “tổn thất cho nền kinh tế Hàn Quốc sẽ là rất lớn, khi ngành đóng tàu nước này có thể sụp đổ và các định chế tài chính có thể thua lỗ nhiều hơn”.

DSME đã chịu ảnh hưởng từ cuộc suy thoái nghiêm trọng của ngành đóng tàu và vận tải biển toàn cầu, vốn bắt nguồn từ tình trạng sụt giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Một gã khổng lồ khác của Hàn Quốc là hãng vận tải biển Hanjin Shipping đã tuyên bố phá sản vào năm ngoái. Các chủ nợ của DSME có lẽ đang hy vọng việc giải cứu có thể giúp công ty tồn tại được cho đến khi điều kiện chung của ngành này cải thiện.

Cac nen kinh te Chau A dung truoc “tham hoa xac song”
Xưởng đóng tàu của DSME tại Geoje, Hàn Quốc. Ảnh: lngworldnews.com

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người Hàn đi giải cứu “xác sống” DSME.  Cách đây chưa tới 2 năm, hãng này đã nhận một gói cứu trợ dưới dạng một khoản vay mới và chuyển đổi nợ thành cổ phần. Nhìn lại lịch sử, ngay từ lúc thành lập thì DSME đã là một dự án dang dở và cạn tiền mà chính phủ Hàn Quốc “ép” tập đoàn Daewoo phải nhận về hồi năm 1978.  Sau đó, khi Daewoo sụp đổ trước cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối thập kỉ 1990, DSME đã trở thành một công ty độc lập vào năm 2000 với một đợt chuyển đổi nợ thành vốn khác nữa.

Chắc chắn là cái giá phải trả khi một công ty như DSME phá sản là không nhỏ: nhiều công nhân sẽ mất việc, ngân hàng sẽ ôm thêm nợ xấu. Nhưng chi phí để duy trì những công ty xác sống như thế này còn lớn hơn. Một nghiên cứu vào tháng 1/2017 bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cho thấy các công ty xác sống gây sụt giảm năng suất và kéo lùi tăng trưởng ở các nước phát triển. Việc cứ cố duy trì các công ty này lấy đi cơ hội mở rộng kinh doanh của các công ty khỏe mạnh, tạo rào cản cho các công ty mới thành lập. Tại các nước OECD, bài nghiên cứu cho thấy sự gia tăng của các công ty xác sống dẫn tới mức đầu tư giảm 2% và số việc làm giảm 0,7%. Khi tăng trưởng đang còn yếu và thất nghiệp vẫn kéo dài trong thời kì hậu suy thoái, thì những con số trên là rất đáng chú ý.

Các tác giả cuộc nghiên cứu cho rằng: “Số lượng các công ty xác sống và nguồn lực tiêu tốn vào các công ty này đã tăng lên từ giữa thập niên 2000. Việc kéo dài sự sống cho các công ty năng suất thấp này đã làm tắc nghẽn thị trường và cản trở tăng trưởng của các công ty khỏe mạnh có năng suất cao hơn”.

Nhưng nhiều nhà làm chính sách vẫn tin rằng họ có thể cản lại được xu thế chung của thị trường. Tại Trung Quốc, chính phủ nước này vẫn chưa thể thực hiện được cam kết về việc loại bỏ các doanh nghiệp xác sống. Trong ngành thép Trung Quốc, một trong những nơi có nhiều doanh nghiệp xác sống nhất, công suất thực tế vẫn tiếp tục tăng trong năm 2016 theo một nghiên cứu của Greenpeace và Custeel, bất chấp các báo cáo của chính phủ cho thấy điều ngược lại.

Cac nen kinh te Chau A dung truoc “tham hoa xac song”
Tỷ lệ nợ trên tài sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (màu xanh nhạt) đã tăng mạnh kể từ năm 2007. Ảnh: Scotia Bank

Dù số vụ phá sản đang tăng lên, số lượng doanh nghiệp ốm yếu vẫn còn rất lớn. Ông He Fan, một nhà kinh tế học tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, gần đây đã tính toán rằng khoảng 10% các công ty niêm yết tại Trung Quốc đủ chuẩn để được gọi là doanh nghiệp xác sống, và cho rằng con số này vẫn chưa phản ánh hết quy mô hiện tại.

Bằng cách cố bơm tiền vào các doanh nghiệp xác sống và từ đó tăng thêm gánh nặng nợ của các doanh nghiệp, Trung Quốc đã tiếp tục giữ được việc làm cho hiện tại với cái giá phải trả là hy sinh tăng trưởng trong tương lai. Ông He Fan viết rằng: “Sự tồn tại của các doanh nghiệp xác sống lấy đi nguồn lực mã lẽ ra phải được phân bổ cho các ngành có năng suất cao, tạo ra sân chơi bất bình đẳng”.

Có nhiều bài học cần được rút ra ở đây cho nước Mỹ. Trong nỗ lực xây dựng lại ngành sản xuất của nước Mỹ, tổng thống Donald Trump cần phải rất cẩn thận và không nên dùng các biện pháp thô bạo để can thiệp sâu vào quy luật thị trường, chẳng hạn áp đặt thuế nhập khẩu cao nhằm ngân chặn hàng hóa nước ngoài. Những doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại khi có bảo hộ thì chưa phải là xác sống, nhưng cũng sẽ có tác động tương tự như vậy lên nền kinh tế.

Bằng cách ngăn chặn nhập khẩu, ông Trump có thể lấy lại một ít việc làm, nhưng lại tăng gánh nặng lên người tiêu dùng vì giá cả hàng hóa cao hơn, và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng giảm xuống vì chi phí đầu vào tăng lên. Hãy ghi nhớ lại một bài học nữa từ các bộ phim kinh dị: Nếu cứ để cho các xác sống tiếp tục tồn tại, thì chúng sẽ lại tạo ra thêm nhiều xác sống mới.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày