Châu Âu đang trì trệ trong cuộc đua công nghệ toàn cầu
Tại châu Âu, ba hãng công nghệ hàng đầu – Nokia, SAP và Ericsson, cũng đã công bố kế hoạch tái cơ cấu. Ảnh: The New European.
SAP, công ty phần mềm hàng đầu châu Âu, chỉ có thể đầu tư 500 triệu euro/năm vào A.I, so với hàng chục tỉ USD của một số công ty Mỹ.Trong báo cáo thường niên mới nhất của mình, Nvidia, nhà cung cấp chất bán dẫn chính cho công cuộc phát triển trí tuệ nhân tạo (A.I), thậm chí còn không báo cáo doanh thu của mình ở châu Âu. Và số liệu này đang biết nói.
Ngày nay, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ ở châu Âu chỉ bằng 1/5 so với ở Mỹ và một nửa so với Trung Quốc. Công nghệ châu Âu đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh ở mức đáng báo động. Câu hỏi đặt ra là tại sao Lục địa già lại bị bỏ lại xa đến vậy?.
Làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ vừa qua đã bộc lộ một phần điểm yếu chí mạng của châu Âu. Động thái này chủ yếu phản ánh xu hướng tái cơ cấu của các công ty lớn trong ngành, cắt giảm nhân sự nhằm tập trung nguồn vốn vào mảng A.I.
Theo đó, Microsoft đã sắp xếp lại lực lượng lao động và đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI, con số dành cho cơ sở hạ tầng A.I thậm chí còn lớn hơn vậy. Trong khi Meta đã tạm dừng đam mê đối với metaverse, sa thải 20.000 nhân viên trong vòng vài tháng và tăng khoản đầu tư vào A.I lên 37 tỉ USD trong năm nay. Còn Google đã sa thải 12.000 nhân viên và tăng tốc phát triển A.I bằng cách tăng cường đầu tư vào R&D lên 45 tỉ.
Và khi những hợp đồng lao động này kết thúc, chi phí dàn xếp thương đi kèm. Tại Mỹ vào tháng 1/2023 vừa qua, Microsoft đã sa thải 10.000 nhân viên với tổng chi phí bồi thường thôi việc lên đến 800 triệu USD, tương đương 80.000 USD/người. Mức chi phí dàn xếp này lên đến 5,9 tháng lương trung bình. Khoản chi phí tương tự đạt 4,2 tháng đối với Meta, 7,5 tháng đối với Google và 3 tháng đối với Twitter. Thế nhưng tại châu Âu, thời gian và chi phí để đền bù tổn thất khi cho thôi việc thường cao hơn Mỹ.
Tại châu Âu, 3 hãng công nghệ hàng đầu - Nokia, SAP và Ericsson, cũng đã công bố kế hoạch tái cơ cấu. Trong khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh vào năm ngoái đối với Nokia, đòi hỏi phải hành động cấp bách, thì phải đến năm 2026 Công ty mới có thể thực hiện được kế hoạch tái cơ cấu nhân sự do các quy định lao động ở Đức, Pháp và Phần Lan.
SAP, công ty phần mềm hàng đầu châu Âu, không thể phản ứng nhanh hơn, đồng thời, chỉ có thể đầu tư vào A.I với tốc độ 500 triệu euro mỗi năm, so với hàng chục tỉ USD được đầu tư của một số công ty công nghệ hàng đầu Mỹ.
Ví dụ, sự phức tạp của việc tái cơ cấu ở Đức có thể được minh họa bằng kế hoạch 2 năm được Volkswagen công bố vào tháng 10. Nhà sản xuất ô tô cho biết kế hoạch này vẫn cần có sự chấp thuận của Ban đại diện công nhân, cơ quan đảm bảo việc làm cho người lao động quốc gia cho đến giữa năm 2025.
Tái cơ cấu có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tại sao? Đơn giản vì đầu tư vào công nghệ tiên tiến có nhiều rủi ro hơn. Không có gì lạ khi thấy tỉ lệ thất bại lên tới 80%.
Và hậu quả thì rất sâu sắc. Như tác giả Oliver Coste đã trình bày trong cuốn sách Europe, Tech and War, các khoản đầu tư được coi là có lãi ở Mỹ lại không mang lại hiệu quả tương tự ở châu Âu, chính là do các công ty lớn thiếu khả năng tái cấu trúc nhanh chóng và tối ưu chi phí.
Ở cấp độ vĩ mô hơn, thực tế này một lần nữa được xác nhận bởi nghiên cứu của McKinsey, cho thấy các công ty lớn ở châu Âu có lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các đối tác Mỹ và 90% khoảng cách đó đến từ các ngành công nghiệp sáng tạo công nghệ.
Công nghệ là không thể đoán trước, đột phá và bất ổn định. Với chi phí thôi việc cao hơn và thời gian trì hoãn kéo dài hơn, chi phí thích ứng ở châu Âu cao hơn ở Mỹ khoảng 10 lần. Sau nhiều thập kỷ linh hoạt, các công ty Mỹ có đủ nguồn tài chính để đầu tư vào A.I; còn các công ty châu Âu không thể bì kịp.
A.I đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay, giống như động cơ hơi nước ở thế kỷ XIX và động cơ đốt trong ở thế kỷ XX. Đầu tư toàn cầu vào cơ sở hạ tầng A.I được dự kiến đạt khoảng 150 tỉ USD vào năm 2024, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy. Ngược lại, ở châu Âu, khoản đầu tư ghi nhận được chỉ trị giá vài tỉ USD đến từ các công ty công nghệ hàng đầu và các startup.
Các yếu tố khác có thể giải thích những khó khăn của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ là hội nhập thị trường, quy mô thị trường, nguồn vốn, quy định và thậm chí cả văn hóa. Tuy nhiên, dường như không có yếu tố nào trong số này ngăn cản được sự xuất hiện của các công ty dẫn đầu châu Âu trong các ngành lâu năm, ít rủi ro hơn như ô tô hoặc hàng không. Tuy nhiên những vấn nghề mà ngành công nghệ đối mặt có thể lây lan nhanh chóng nếu Lục địa già tiếp tục đủng đỉnh.
Có thể bạn quan tâm:
Các thương hiệu xa xỉ "mạnh tay" thu mua bất động sản bán lẻ đắt đỏ
Nguồn FT
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư