Châu Âu điều tra nền tảng thương mại điện tử Temu
EU lưu ý không có thời hạn chót để hoàn tất cuộc điều tra và có nguy cơ đối mặt với án phạt nặng trong trường hợp phát hiện vi phạm.
Ngày 31/10, EU tuyên bố bắt đầu điều tra Temu vì nghi ngờ nền tảng này chưa hành động đủ để ngăn chặn các hoạt động bán sản phẩm bất hợp pháp.Trong thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét các hệ thống quản lý bán hàng của Temu và cách thức đề xuất sản phẩm cho người tiêu dùng cũng như liệu nền tảng này có tuân thủ nghĩa vụ cung cấp cho các nhà nghiên cứu thị trường quyền truy cập vào dữ liệu công khai của Temu hay không. Các nhà điều tra cũng sẽ xem xét những rủi ro tiềm ẩn từ thiết kế của nền tảng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng hay không.
Cuộc điều tra được tiến hành theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của các nền tảng trực tuyến của các công ty công nghệ quy mô lớn trên thế giới, qua đó đem lại không gian lành mạnh cho người dùng.
Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EC, bà Margrethe Vestager khẳng định mục tiêu của cuộc điều tra là đảm bảo Temu tuân thủ các tiêu chuẩn của EU và không gây hại cho người tiêu dùng. Quan chức này nói thêm EU muốn tìm hiểu cơ chế hoạt động của nền tảng Temu để hạn chế việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. Temu cũng sẽ phải giải thích các biện pháp mà nền tảng này đang thực hiện để giải quyết mọi rủi ro có thể nảy sinh từ dịch vụ của mình, bao gồm các chương trình phần thưởng cho khách hàng.
EU lưu ý không có thời hạn chót để hoàn tất cuộc điều tra và có nguy cơ đối mặt với án phạt nặng trong trường hợp phát hiện vi phạm.
Về phần mình, Temu cho biết sẽ hợp tác với EU. Trong thông báo, người phát ngôn của Temu khẳng định nền tảng này sẽ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo DSA, tiếp tục đầu tư để tăng cường các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên nền tảng của mình.
Người phát ngôn cũng cho biết Temu đang xem xét tham gia một nhóm bao gồm các nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu lớn để ngăn chặn việc bán sản phẩm giả trực tuyến ở châu Âu.
Mặc dù mới chỉ gia nhập thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, nhưng Temu thuộc sự điều hành của công ty thương mại điện tử PDD Holdings (Trung Quốc) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu lục này bằng chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và giá cả cạnh tranh. Trung bình có khoảng 92 triệu người sử dụng nền tảng trên hằng tháng tại châu lục này.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư