Chiến địa máy bay không người lái
National Interest
Mỹ tăng cường xuất khẩu máy bay không người lái nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong thị trường vũ khí.Nhà Trắng vừa loan báo đã gỡ bỏ một số hạn chế về việc bán các loại máy bay không người lái (drone) tân tiến nhất. Động thái này nhằm tăng cường sức mạnh cho các quân đội đồng minh và cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường vũ khí.
Theo ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, quyết định này chủ yếu liên quan đến các loại máy bay chiến đấu không người lái, cho phép các tập đoàn vũ khí Mỹ chủ động buôn bán trực tiếp với khách hàng ngoại quốc - là các đồng minh và đối tác được cho phép - thay vì phải xin phép chính phủ như dưới thời ông Obama. Đồng thời cạnh tranh được các sản phẩm sao chép có chất lượng thấp của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đứng hàng đầu trong việc sử dụng các thiết bị bay không người lái, giúp có thể can thiệp từ xa và tránh được tổn thất nhân mạng, thông qua các liên lạc vệ tinh. Ông Navarro cho biết, xuất khẩu của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí và hàng không đạt 1.000 USD một năm. Trong đó chỉ riêng thị trường máy bay không người lái đã đạt 50 tỉ USD trong vòng một thập niên. Tuy nhiên, các thiết bị Trung Quốc sao chép công nghệ Mỹ đã thâm nhập được vào khu vực Trung Đông.
Chẳng hạn, loại drone bay ở độ cao trung bình Dực Long (Wing Loong) 2 do Chengdu Aircraft Group sản xuất sao chép lại kiểu MQ-9 Reaper của công ty Mỹ General Atomics.
Nhiều năm qua, Trung Quốc phát triển các loại máy bay không người lái, thậm chí để phục vụ cho chiến lược tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn của đối phương, đặc biệt là các tàu sân bay của Mỹ. Để thực hiện chiến thuật này, theo tạp chí National Interest, Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất một lực lượng máy bay không người lái hùng hậu lên đến 42.000 chiếc với tổng trị giá khoảng 10,5 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2023.
Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Washington nhận định, trong tương lai gần, Trung Quốc có thể gây tổn thất nặng nề mang tính hủy diệt cho quân đội Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay và các căn cứ hải quân, bằng các loại vũ khí mới - các UAV có tầm bay xa và thời gian hoạt động lâu dài.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực xuất khẩu máy bay không người lái sang thị trường các quốc gia Trung Đông, nhất là Iraq, Ả rập Saudi, UAE. Theo National Interest, Bộ Quốc phòng Iraq hồi đầu tháng này công bố một đoạn video về máy bay không người lái (UAV) CH-4B do Trung Quốc sản xuất cũng như ca ngợi hết lời loại máy bay sánh ngang “sát thủ” MQ-1 Predator của Mỹ.
MQ-9 Reaper |
Iraq nói máy bay không người lái CH-4B đã thực hiên 260 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với tỷ lệ thành công đạt mức tuyệt đối 100%. Thương vụ mua máy bay không người lái CH-4B được Iraq xúc tiến từ năm 2016, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc đến nước này.
Trung Quốc vừa ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái tại Ả rập Saudi. Đây là nhà máy đầu tiên của Trung Quốc ở Trung Đông, cho thấy bước nhảy vọt của quân đội Trung Quốc bởi nó không chỉ đơn thuần là vấn đề lợi nhuận mà Bắc Kinh còn muốn gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, khu vực địa-chính trị quan trọng vốn từ lâu luôn là thị trường vũ khí truyền thống của Mỹ và Israel.
Đáng chú ý là trong khi các dòng máy bay không người lái của Mỹ giá rất cao, Trung Quốc được cho là có xu hướng sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất mà không có điều kiện đi kèm và bán ở mức giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của Mỹ. Chẳng hạn, trong khi mỗi chiếc MQ9-Reaper (phiên bản Predator B) của Mỹ có giá 30 triệu USD thì mỗi chiếc Caihong chỉ có mức giá 1-2 triệu USD.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư