Giá gas ở châu Á cao gấp gần 6 lần Mỹ
Một tàu chở LNG chuẩn bị hạ tải. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay tại châu Á cao gấp gần 6 lần so với giá của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Theo Nikkei Asia Review, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay của châu Á tăng vọt lên khoảng 200 USD một thùng, trong khi tại Mỹ chỉ tương đương 35 USD.
Ngày 26/10, giá gas hợp đồng giao tháng 11 tại Henry Hub đóng cửa ở mức trên 5,88 USD/mmBTU, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, hôm 6/10, giá gas chạm mốc 6,46 USD/mmBTU, cao nhất kể từ năm 2014. Giá gas ở Mỹ tăng do nhu cầu điều hòa không khí tăng cao trong mùa hè, bên cạnh hoạt động sản xuất gas ở một số nơi vẫn bị đình trệ do bão.
Dù giữ đà tăng, giá gas ở Mỹ vẫn thấp hơn rất nhiều so với các mốc chuẩn toàn cầu. Tại châu Âu, chỉ số giá gas nhiên liệu tăng gấp 6 lần trong vòng một năm qua, tương đương khoảng 170 USD mỗi thùng quy đổi sang dầu thô. Áp lực tăng giá gas ở châu Âu đến từ nguồn cung ở Nga bị đình trệ, dẫn đến thiếu hàng tồn kho.
Đối với châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay ở mức tương đương khoảng 200 USD một thùng, tăng gấp 5 lần so với một năm trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ chỉ tương đương khoảng 35 USD một thùng.
Do Mỹ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hạn chế nên khả năng tác động giá của họ đến thị trường quốc tế tương đối nhỏ. Nhưng bù lại giúp họ bảo vệ thị trường trong nước khỏi tác động của đà tăng giá ở châu Âu và châu Á.
Sự bùng nổ khai thác mỏ ở Mỹ đã biến nước này thành nhà xuất khẩu LNG ròng từ năm 2016. Ảnh: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. |
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, công suất tổng hợp của các nhà máy hóa lỏng khí đốt của Mỹ là 10,8 tỉ feet khối (khoảng 305 triệu m3) mỗi ngày. Mặc dù, sản lượng này đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, nhưng khí hóa lỏng (LNG) chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên của nước này.
Sự bùng nổ khai thác đã biến Mỹ thành nước xuất khẩu LNG ròng vào năm 2016. Xuất khẩu nhiên liệu này trong 7 tháng đầu năm đã tăng 50% so với cùng kỳ lên hơn 2.000 tỉ feet khối (khoảng 56 tỉ m3).
Một tàu chở LNG ra khơi gần tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Tuy nhiên, xuất khẩu LNG tháng 7 của Mỹ đã tương đương với 90% công suất hóa lỏng của nước này. Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà máy LNG về cơ bản đang hoạt động hết công suất. "Sẽ rất khó để tăng thêm sản lượng xuất khẩu từ mức trên", Toshiyuki Makabe, Giám đốc kinh doanh hàng hóa của Goldman Sachs, nhận định.
Theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, công suất hóa lỏng dự kiến của Mỹ sẽ tăng hơn 20% vào cuối năm 2022. Việc mở rộng sẽ bao gồm các nhà máy mới hoạt động cuối năm nay. Nhưng điều đó cũng sẽ không giúp gia tăng sản lượng xuất khẩu. Do đó, khí đốt tự nhiên của Mỹ "đang bị cô lập khỏi thị trường toàn cầu và việc hình thành giá cả đang phản ánh cung và cầu trong nước", theo Chuyên gia tại Japan Oil, Gas and Metals National Yutaka Shirakawa.
Nhà phân tích cấp cao Hiroshi Hashimoto tại Viện Kinh tế Năng lượng (Nhật Bản) cho rằng Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của riêng mình chỉ bằng sản xuất trong nước, với "giá thị trường ít bị biến động hơn so với các khu vực khác".
Giá năng lượng tăng ở Mỹ đã dẫn đến hóa đơn tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình cao hơn. Nhưng mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng như ở châu Âu, nơi đang đối mặt với nguy cơ hàng tồn kho bị cạn kiệt; hay Trung Quốc, nơi đang thiếu điện.
Có thể bạn quan tâm:
Năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư