Thế giới

Giấc mơ “tường xanh” của Trung Quốc

Thứ Ba | 17/12/2024 17:20

Trung Quốc đã triển khai chương trình "Vành đai ba phía Bắc" nhằm giảm thiểu tác động của sa mạc hoá. Ảnh: The Economist.

Trung Quốc nỗ lực chống sa mạc hóa với dự án trồng cây khổng lồ, nhưng vẫn đối mặt với thách thức lớn về hiệu quả và tính bền vững.
Trung Quốc đã triển khai chương trình "Vành đai ba phía Bắc" nhằm giảm thiểu tác động của sa mạc hoá. Ảnh: The Economist.

Sa mạc Taklamakan ở Tân Cương, Trung Quốc, nổi tiếng vì những cồn cát di chuyển từng nuốt chửng cả những thành phố cổ đại. Ngày nay, cát từ sa mạc này vẫn gây ra nhiều hệ lụy: làm hư hại mùa màng, chôn vùi nhà cửa, và thậm chí cản trở giao thông. Những cơn gió mạnh có thể mang cát đi xa hàng ngàn km, ảnh hưởng tới Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở phía Đông.

Để đối phó với vấn đề này, từ những năm 1970, Trung Quốc đã triển khai chương trình "Vành đai ba phía Bắc" (Three North Shelterbelt Programme). Đây là một kế hoạch trồng cây quy mô lớn kéo dài đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng một "bức tường xanh bất khả phá" nhằm giảm thiểu tác động của sa mạc hóa.

Hồi tháng 11/2024, hàng trăm ngàn công nhân đã được huy động để hoàn thiện giai đoạn cuối của dự án tại vùng sa mạc Taklamakan. Ngày 28/11, cây xanh cuối cùng được trồng tại huyện Ngọc Điền, chính thức "khóa chặt" sa mạc, theo lời các quan chức địa phương.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định, chương trình này đã đạt được những thành tựu lớn. Tỉ lệ che phủ rừng ở khu vực miền Bắc khô cằn đã tăng từ 5% lên 14% kể từ khi dự án bắt đầu. Hơn 23 triệu ha đất nông nghiệp được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của cát sa mạc, và diện tích đất sa mạc trên cả nước giảm từ 27,2% (một thập kỷ trước) xuống 26,8%.

Tuy nhiên, không phải mọi thành công đều xuất phát từ "bức tường xanh". Theo Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường Tây Bắc, lượng mưa tăng tại miền Bắc Trung Quốc đóng vai trò đáng kể trong việc giảm sa mạc hóa, trong khi trồng cây chỉ đóng góp một phần nhỏ. Một số nghiên cứu còn cho rằng tác động thực tế của dự án thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về tính bền vững của chương trình. Trong nhiều thập kỷ, các quan chức địa phương đã vội vàng trồng cây để đạt chỉ tiêu do chính phủ đặt ra mà không cân nhắc đến sự phù hợp với khí hậu khô hạn. Hậu quả là nhiều cây không nảy mầm hoặc chết sớm, trong khi mật độ cây trồng quá dày làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, thậm chí có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa.

Dự án còn gây không ít bức xúc cho nông dân, khi họ bị cấm trồng cây ăn quả hoặc cây thương mại trên đất dành cho chương trình. Năm 2017, tại tỉnh Cam Túc, một số nông dân đã bị cáo buộc chặt cây để trồng nho.

Trước những hạn chế này, chính quyền Trung Quốc gần đây đã cải thiện cách tiếp cận. Thay vì chỉ trồng cây, họ bắt đầu trồng đa dạng các loại cây, bụi và cỏ, tùy theo đặc điểm của từng hệ sinh thái. Nông dân cũng được phép trồng cây kinh tế như chà là hay óc chó để cải thiện thu nhập.

Song, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cảnh báo rằng việc chặn đứng sa mạc hóa là một nhiệm vụ "khó khăn và không chắc chắn", giống như "lăn đá lên dốc". Thực tế, số lượng bão cát tại Bắc Kinh tăng đột biến trong năm qua đã làm dấy lên những hoài nghi về hiệu quả của dự án.

Có thể bạn quan tâm:

Áp lực lương hưu giữa làn sóng già hóa tại châu Á

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày