Thế giới

Mỹ đình chỉ quan hệ ngoại giao thương mại với Myanmar

Thứ Ba | 30/03/2021 14:32

Những người biểu tình chống đảo chính ở Yangon, Myanmar, ngày 28.3. Ảnh: The Wall Street Journal.

Mỹ lên án mạnh mẽ hành động bạo lực dã man của lực lượng an ninh Myanmar đối với dân thường.
Những người biểu tình chống đảo chính ở Yangon, Myanmar, ngày 28.3. Ảnh: The Wall Street Journal.

Theo CNN, chính quyền Biden thông báo sẽ đình chỉ tất cả các giao dịch ngoại giao thương mại với Myanmar sau khi xảy ra bạo lực chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ hôm cuối tuần.

Tuyên bố “đình chỉ” từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai "sẽ có hiệu lực cho đến khi có sự trở lại của chính phủ dân chủ". Từ năm 2013, Mỹ hợp tác với Myanmar về thương mại và đầu tư để hỗ trợ nước này hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Chính phủ Mỹ đã cắt quan hệ thương mại với Myanmar. Ảnh: Times News Express.
Chính phủ Mỹ đã cắt quan hệ thương mại với Myanmar. Ảnh: Times News Express.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực về sứ hợp tác đó đã chấm dứt sau sự kiện ngày “thứ bảy đẫm máu”. Hôm 27.3 là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2 với 114 người thiệt mạng, làm dấy lên sự lên án của quốc tế. 

Bà Katherine Tai cho biết: Việc lực lượng an ninh Myanmar giết những người biểu tình ôn hòa đã gây chấn động lương tâm của cộng đồng quốc tế. 

"Những hành động này là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước và những nỗ lực của người dân Myanmar để đạt được một tương lai hòa bình và thịnh vượng", Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định.

Chính quyền Biden đã lên án mạnh mẽ hành động bạo lực tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar đối với dân thường. Tổng thống Joe Biden gọi bạo lực ở Myanmar là "khủng khiếp" và "hoàn toàn thái quá”.

 

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các thành viên của quân đội Myanmar, lên án cảnh sát trưởng Myanmar Than Hlaing, và chỉ huy Cục Tác chiến đặc biệt Trung tướng Aung Soe, vì các hành động hoặc chính sách ngăn cấm, hạn chế hoặc trừng phạt việc thực hiện quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp của người dân ở nước này.

Quân đội đã nắm chính quyền sau khi tuyên bố rằng cuộc bầu cử ngày 8.11, do đảng của nhà lãnh đạo chính trị Aung San Suu Kyi, đã bị phá hoại bởi gian lận. Sau khi ủy ban bầu cử của đất nước phản bác tuyên bố đó, quân đội đã thay thế ủy ban.

Cuộc đảo chính đánh dấu sự trở lại chế độ quân sự, vốn đã kìm hãm Myanmar trong nhiều thập kỷ trước khi mở cửa nền dân chủ mỏng manh bắt đầu vào khoảng năm 2010. Khi người dân nước này xuống đường bảo vệ hệ thống bầu cử của họ bằng các cuộc đình công và biểu tình, quân đội đã đáp trả bằng bạo lực ngày càng gia tăng và nỗ lực ngăn chặn thông tin liên lạc. Truy cập internet đã bị hạn chế, các nhà báo bị bắt và một số tờ báo bị cấm xuất bản.

Tình hình khó lường có thể gây xáo trộn địa chính trị ở châu Á. Trung Quốc, nước láng giềng quyền lực nhất của Myanmar, đã miễn cưỡng lên án hành động đàn áp.

 

Các biện pháp trừng phạt khác của phương Tây khó có thể làm thay đổi suy nghĩ của các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Dù vậy, đoàn kết với những người biểu tình là một tuyên bố về các giá trị của Mỹ.

Thực tế, thương mại 2 chiều giữa 2 nước không nhiều. Năm ngoái, Myanmar là đối tác lớn thứ 84 của Mỹ về thương mại hàng hóa như ô tô và máy móc. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Myanmar chỉ đạt 338 triệu USD, nhập khẩu lại lên tới 1 tỉ USD.

Có thể bạn quan tâm:

Khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi Myanmar, một số công ty khởi nghiệp nhận thấy cơ hội


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày