Myanmar sẵn sàng ký thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân
Myanmar có quyền quyết định những vấn đề cần khai báo và nước này có thể sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc mua lại máy móc và việc hợp tác quân sự với Triều Tiên, nước đang bị Mỹ và phương Tây nghi ngờ trợ giúp Myanmar phát triển chương trình hạt nhân.
Hai chuyên gia David Albright và Andrea Stricker thuộc Viện khoa học và an ninh quốc tế, nhóm không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở ở Washington cho biết "quyết định trên của Myanmar là một sự kiện đáng chú ý. Động thái mới này cho thấy Myanmar đang tích cực công khai, minh bạch về vấn đề hạt nhân nhằm xây dựng lòng tin đối với cộng đồng quốc tế".
Phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Barack Obama, ông Ben Rhodes cũng cho biết Myanmar đã thực hiện "các bước tích cực hướng tới cắt đứt quan hệ quân sự với Triều Tiên".
Ông Ben Rhodes cũng hoan nghênh quyết định ký nghị định thư bổ sung với IAEA của tổng thống Thein Sein, đồng thời cho rằng việc Myanmar trở thành nước không phổ biến vũ khí hạt nhân có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với thế giới.
Quyết định này cho thấy Myanmar sẵn sàng tiếp tục thực hiện những cải cách dân chủ trong thời gian tới. Tuy nhiên cũng có một số người nghi ngờ về mức độ mà Myanmar sẽ tiết lộ về chương trình hạt nhân.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Lugar, người có tiếng nói mạnh nhất trong quốc hội Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân cho biết mối lo ngại của quốc tế vẫn tồn tại cho đến khi Myanmar công khai toàn bộ mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Cựu phó tổng giám đốc IAEA Olli Heinonen cho biết một số nước đã hạn chế xuất khẩu thép đặc biệt và các vật liệu khác vì lo ngại Myanmar sẽ sử dụng chúng nhằm phục vụ chương trình hạt nhân của nước này.
Trong một báo cáo riêng biệt, một số chuyên gia cho biết cách đây khoảng 6 năm, Myanmar đã mua máy móc từ Đức, Thụy Điển và Singapore và nhiều người lo ngại rằng những máy móc này được sử dụng để chế tạo các thiết bị làm giàu uranium.
Nguồn The Jakarta Post/Khampha
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư