Thế giới

Những nhân tố có thể đẩy thế giới vào suy thoái

Nguyên Hồ Thứ Ba | 31/01/2023 14:34

Cho dù thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hay không, năm nay cũng nhiều khả năng sẽ là một năm khó khăn. Ảnh: CNN.

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời cũng mang lại rủi ro.
Cho dù thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hay không, năm nay cũng nhiều khả năng sẽ là một năm khó khăn. Ảnh: CNN.

Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm khó khăn, với mức lạm phát cao trong nhiều thập kỷ buộc các Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có tiền lệ để kiểm soát đà leo thang của giá cả.

Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương có thể đang phát huy tác dụng, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những tổn thất không nhỏ cho kinh tế thế giới trong năm 2023.

Không phải ai cũng đồng ý rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng dự kiến ​​sẽ còn xuống sâu hơn nữa sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2022, kịch bản suy thoái khả năng cao sẽ trở thành hiện thực.

 

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2023. Nếu không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thời điểm đại dịch, thì 2023 sẽ là năm kinh tế thế giới yếu nhất kể từ năm 2001.

Vào tháng 11, IMF tiếp tục cảnh báo rằng triển vọng thậm chí còn trở nên “u ám hơn” so với dự báo trước đó.

Theo CNN, cuộc suy thoái toàn cầu có thành hiện thực hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: động thái tiếp theo của các ngân hàng trung ương, tiến trình mở cửa trở lại của Trung Quốc và giá năng lượng.

Ngân hàng Trung ương

IMF đã gọi lạm phát là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng ở hiện tại và trong tương lai.” Trong khi lạm phát bắt đầu giảm ở Mỹ và Châu Âu khi giá năng lượng giảm và hiệu ứng của lãi suất tăng ngấm vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương đã thể hiện rõ quan điểm rằng họ không có ý định sớm dừng tăng lãi suất, cho dù họ đã thoải mái hơn với việc áp dụng bước nhảy lãi suất ngắn hơn.

Các quyết định chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ECB, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)… đưa ra theo từng cuộc họp và dựa trên các số liệu kinh tế cập nhật. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhấn mạnh rằng họ không thể biết chắc cần phải nâng lãi suất lên mức cực đại là bao nhiêu và duy trì mức đó trong thời gian bao lâu để kéo lạm phát về mức 2% một cách bền vững. Nếu giá cả tiếp tục tăng mạnh hơn mong muốn, các ngân hàng trung ương có thể phải hành động quyết liệt hơn những gì họ dự kiến, từ đó gia tăng sức ép đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc

Trong gần ba năm, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế sự lây lan của Covid-19 bằng cách ly tập trung, xét nghiệm hàng loạt và truy vết ca nhiễm. Giờ đây, sau các cuộc biểu tình toàn quốc chống lại các hạn chế nghiêm ngặt, nước này đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp.

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời cũng mang lại rủi ro.

Ông Bruce Kasman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và chính sách tại JPMorgan Chase, cho biết: “Tình trạng ảm đạm hiện tại của Trung Quốc cho thấy tiềm năng phục hồi là rất lớn. Tuy nhiên, kinh nghiệm gần đây cũng cho thấy những trở ngại lớn có thể xuất hiện nếu việc mở cửa trở lại diễn ra quá sớm và nếu hệ thống y tế bị quá tải.”

Giá năng lượng

Cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine tiếp tục tăng độ khó cho các dự báo, đặc biệt là đối với các quốc gia ở châu Âu, những nước đang từ bỏ năng lượng của Nga và có thể đối mặt với tình trạng khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn trong năm 2023.

Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên vào năm 2023 nếu Nga cắt toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt sang khu vực này và thời tiết trở nên lạnh hơn.

Một nhân tố khó lường khác là nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể tăng mạnh khi nền kinh tế nước này phục hồi sau giai đoạn chật vật ban đầu khi mới nới lỏng Zero Covid.

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế tại KPMG cho biết: “Tất cả đều có mối quan hệ ràng buộc qua lại. Một lý do khiến giá năng lượng xuống thấp thời gian qua là nhu cầu suy yếu của Trung Quốc.”

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến sẽ phải điều chỉnh các dự báo kinh tế mới nhất nếu tình trạng khan hiếm năng lượng ở châu Âu đẩy giá năng lượng lên cao hơn, hoặc nếu các chính phủ ở châu  u buộc phải chia khẩu phần năng lượng theo định mức để kiểm soát nhu cầu khí đốt và điện trong mùa đông này và mùa đông tiếp theo.

 

Cho dù thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hay không, năm nay cũng nhiều khả năng sẽ là một năm khó khăn. 

Ông Guillaume Menuet, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược đầu tư của Citi Private Bank tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cho biết: “Đó vẫn là một bối cảnh đầy thách thức.”

Nhóm của ông dự đoán thế giới sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 40 năm qua, ngoại trừ năm 2020 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Ngay cả khi tránh được suy thoái toàn cầu, nhiều quốc gia vẫn có thể phải chịu đựng suy thoái kèm theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nghiêm trọng, mặc dù các nhà kinh tế không thống nhất về mức độ nghiêm trọng và thời gian chúng có thể kéo dài.

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”, IMF cho biết vào tháng 10, đồng thời lưu ý rằng sự suy giảm “sẽ diễn ra trên diện rộng” và có thể “khơi lại những vết thương kinh tế mới chỉ được chữa lành một phần sau đại dịch.”

Có thể bạn quan tâm:

 Đông Nam Á "giành" chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguồn CNN


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày