Thâm hụt thương mại của Mỹ cao kỷ lục trong 10 năm qua
Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 10 chạm mốc cao kỷ lục trong 10 năm qua, chủ yếu do người Mỹ tận dụng đồng USD mạnh để chi tiêu và đẩy nhập khẩu lên mức cao nhất từng được ghi nhận.
Báo cáo công bố ngày 6.12 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết chênh lệch xuất, nhập khẩu của Mỹ trong tháng 10 đã nhảy vọt 1,7% để chạm mốc 55,5 tỉ USD, được tạo đà từ mức nhập khẩu cao nhất trong lịch sử. Thâm hụt xuất-nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 cũng phá kỷ lục khi đạt 78 tỉ USD, trong bối cảnh nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt mức cao, tăng 1,5% đạt 266,5 tỉ USD.
Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất bao gồm dược phẩm và linh kiện ôtô. Ngoài ra, nhờ ưu thế từ đồng USD mạnh, người Mỹ cũng đi du lịch nhiều hơn, thúc đẩy nhập khẩu dịch vụ của Mỹ đạt kỷ lục 46,9 tỉ USD trong tháng 10. Nhập khẩu ô tô cũng ghi nhận con số cao nhất từ trước tới nay là 31,8 tỉ USD. Nhập khẩu một số nhóm hàng như máy tính và thiết bị viễn thông suy giảm nhưng không đủ lực để kéo xuống "thành tích" của các nhóm hàng dược phẩm và ôtô trong tháng 10.
Một căn nhà đang được rao bán ở Sunnyvale, California |
Xuất khẩu đậu nành của Mỹ, vốn chịu tác động từ thuế quan trả đũa của Trung Quốc từ tháng 7, giảm thêm 800 triệu USD trong tháng 10. Trong khi đó, xuất khẩu máy bay và linh kiện máy bay, cũng thuộc nhóm hàng chịu tác động từ căng thẳng thương mại, cũng giảm 600 triệu USD.
Tính chung trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, tổng thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số thâm hụt với Trung Quốc cũng đã tăng lên 7,1% lên đến mức kỷ lục 43,1 tỉ USD trong tháng 10.
Hồi tháng 10, các kinh tế gia được Reuters tham khảo ý kiến đã dự đoán mức thâm hụt thương mại toàn diện sẽ lên đến 55 tỉ USD. Khi được điều chỉnh lạm phát thì mức thâm hụt thương mại hàng hóa từ 87,2 tỉ USD trong tháng 9 lên 87,9 tỉ trong tháng 10. Con số này, được gọi thâm hụt thương mại thực tế nằm trên mức trung bình trong quý III.
Thâm hụt thương mại đã khiến tăng trưởng GDP mất 1,91 điểm phần trăm trong quý III. Dự đoán tăng trưởng cho quý IV năm này là 2,8%.
Trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm 0,1% xuống 211 tỉ USD. Xuất khẩu đậu nành vốn chủ yếu là bán cho Trung Quốc và đã liên tục sụt giảm trong những tháng vừa qua, đã giảm 0,8 tỉ USD. Xuất khẩu máy bay dân sự và động cơ cũng giảm. Đồng USD mạnh khiến hàng hóa Mỹ đắt đỏ hơn có lẽ là lý do kiềm hãm đà tăng của xuất khẩu Mỹ.
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 0,2% lên 266,5 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu hàng tiêu dùng đã tăng 2 tỷ đô la lên mức cao kỷ lục là 57,4 tỉ USD.
Nhập khẩu tăng là do nhu cầu trong nước tăng mạnh và đồng USD mạnh khiến cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn cho dù có bị chính quyền Trump đánh thuế cao hơn.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư