Thế giới

Trung Quốc đang lên “cơn sốt” mua lại thương hiệu quốc tế

Thứ Bảy | 13/02/2016 12:01

Một tập đoàn của các nhà đầu tư Trung Quốc lập kế hoạch mua toàn bộ công ty Opera Software ASA của Na Uy - nhà phát triển trình duyệt web Opera.

Một tập đoàn của các nhà đầu tư Trung Quốc lập kế hoạch mua toàn bộ công ty Opera Software ASA của Na Uy - nhà phát triển trình duyệt web Opera, hãng tin tài chính Bloomberg cho biết.

Nhóm công ty Internet của Trung Quốc đã thỏa thuận được với nhà cung cấp trình duyệt lớn thứ năm trên thế giới về những điều khoản của hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD. Chủ đầu tư dự án là tập đoàn Trung Quốc “Golden Brick Silk Road”, trong nhóm này còn có công ty phát hành các trò chơi điện tử “Beijing  Kunlun Tech Co”, công ty phát triển phần mềm bảo mật “Qihoo 360”, công ty đầu tư Yonglian.

Các chủ sở hữu và ban lãnh đạo công ty Opera Software ASA đã phê duyệt giao dịch này và khuyến cáo các cổ đông nên chấp nhận nó. Trong năm 2015, giá cổ phiếu Opera đã giảm 47%, nhưng, đã tăng giá vào đầu tháng Hai sau khi có tin về việc Trung Quốc có thể mua lại công ty này. Ngày 5 tháng 2, giá cổ phiếu Opera trên thị trường giao dịch Oslo đã tăng 5,4%.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đề xuất mua mỗi cổ phiếu được định giá cao hơn 56% so với giá bình quân trong 30 ngày qua. Đặc biệt là, họ mua trọn gói số lượng cổ phiếu. Nhờ đó, các chủ sở hữu của Trung Quốc có thể bán các loại sản phẩm Opera cho người dùng trên mobile và máy tính, và được hưởng lợi từ kinh doanh quảng cáo trên trình duyệt Opera.

Trung Quốc đang tích cực tiếp cận không gian Internet toàn cầu. Trong khi đó, trở ngại chính trên con đường này là sự thống trị của các công ty phương Tây. Hợp đồng mua lại Opera là một nỗ lực thành công nhằm phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn nước ngoài đang đi đầu trong lĩnh vực Internet, cũng như để mở rộng quyền kiểm soát không gian mạng.

Chuyên gia Nga trong lĩnh vực tình báo cạnh tranh, trung tá Andrei Masalovich, trước đây là nhân viên của Cơ quan Liên bang Thông tin và Truyền thông Chính phủ, cho biết: “Có thể giả định rằng, họ (Trung Quốc) sẽ ồ ạt mua sắm các loại tài sản có thể đảm bảo quyền thống trị thế giới. Và công ty cung cấp trình duyệt web Opera là một trong những tài sản như vậy. Điều quan trọng nhất không phải là bản thân trình duyệt, mà là hai thành phần khác. Trước hết đó là một công cụ để gây ảnh hưởng đến hàng triệu và hàng triệu người dùng Internet trên toàn thế giới.

Thứ hai, như tất cả chúng ta đều biết, bất kỳ trình duyệt là một cầu nối giữa các ứng dụng web. Mỗi ứng dụng giải quyết những vấn đề cụ thể, không phải lúc nào cũng vô hại, và không phải chỉ riêng quảng cáo. Nói một cách hình ảnh, trong máy tính lưu rất nhiều trang web có thể thực hiện những hành động khác nhau, từ việc quan sát cuộc sống của bạn và kết thúc với việc theo dõi các tài liệu trong công ty của bạn”.

Ban lãnh đạo công ty Opera Software ASA của Na Uy giải thích rằng, hợp đồng này là hữu ích bởi vì nó đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc vì hai công ty Kunlun và Qihoo cung cấp dịch vụ cho số lượng lớn người dùng Internet. Ngoài ra, tiềm năng của công ty Opera sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự hỗ trợ tài chính và các hình thức hỗ trợ khác từ phía các tập đoàn Trung Quốc.

Động lực chính của Trung Quốc khi mua ồ ạt các thương hiệu quốc tế là để hiện diện trên các thị trường mà trước đây Trung Quốc không có quyền tiếp cận cũng như để mở rộng hoạt động kinh doanh bằng tài sản nước ngoài.

Vào tháng 1 năm 2016, các công ty Trung Quốc đã đạt được một kỷ lục mới, họ đã thông báo về 82 hợp đồng sáp nhập và mua lại các công ty của đối thủ cạnh tranh nước ngoài tổng trị giá 73 tỷ USD. Trong cùng kỳ năm 2015, con số này là thấp hơn đáng kể - 55 hợp đồng tổng trị giá 6,2 tỷ USD, Sputnik cho hay.

Nguồn BI/Bizlive


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày