Trung Quốc tạo ra 28% tổng tiết kiệm toàn cầu vào năm 2023
Khi tỉ lệ tiết kiệm quốc gia cao như vậy, một điều hiển nhiên là tỉ lệ đầu tư sẽ giảm đáng kể. Ảnh: Reuters.
Theo IMF, Trung Quốc tạo ra 28% tổng tiết kiệm toàn cầu vào năm 2023. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với 33% của Mỹ và EU cộng lại.Trung Quốc là siêu cường quốc tiết kiệm toàn cầu. Trong quá khứ, ở một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với những cơ hội đầu tư tuyệt vời, số tiền tiết kiệm cao là tài sản lớn, nhưng không có nghĩa chúng không phải là rào cản. Ngày nay, khi thời kỳ bùng nổ bất động sản kết thúc, việc quản lý những khoản tiết kiệm này đã trở thành một thách thức mà Chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc những lựa chọn triệt để nhất.
Theo IMF, Trung Quốc tạo ra 28% tổng tiết kiệm toàn cầu vào năm 2023. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với 33% của Mỹ và EU cộng lại. Điều này khá phi thường và cũng có một số ý nghĩa. Một là nếu Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường mở thì thị trường vốn của nước này sẽ lớn nhất thế giới. Thứ hai là cách quản lý những khoản tiết kiệm này có thể là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với lãi suất toàn cầu và cán cân thanh toán toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bình luận viên kinh tế Martin Wolf của tờ Financial Times, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng hành động để thay đổi cơ cấu thu nhập và chi tiêu này. Do đó, có vẻ như rất có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục có xu hướng tiết kiệm tổng thể cực kỳ cao. Nhưng điều này chủ yếu không phải do tính tằn tiện của các hộ gia đình Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng. Hơn nữa là tỉ trọng của các hộ gia đình trong thu nhập quốc dân là cực thấp. Nói cách khác, như ông Michael Pettis của Trường Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh thường lập luận, tiết kiệm của Trung Quốc phần lớn là vấn đề phân phối. Đó có thể là lý do khoản tiết kiệm thường khó giảm và tỉ lệ tiết kiệm vẫn duy trì ở mức trên 40% tổng sản phẩm quốc nội.
Tỉ lệ tiết kiệm trên GDP của Trung Quốc vẫn ở mức cao phi thường (so với tổng đầu tư của quốc gia này theo %). Ảnh: FT. |
Để nhu cầu có thể phù hợp với nguồn cung tiềm năng trong một nền kinh tế như Trung Quốc thì đầu tư trong nước, cộng với thặng dư tài khoản vãng lai, phải khớp với mức tiết kiệm. Nếu không, việc điều chỉnh sẽ chỉ xảy ra thông qua hoạt động kinh tế yếu kém, tức là suy thoái. Với mức tiết kiệm cao như Trung Quốc thì điều đó khó tránh khỏi.
Khi tỉ lệ tiết kiệm quốc gia cao như vậy, một điều hiển nhiên là tỉ lệ đầu tư sẽ giảm đáng kể. Theo ông Martin Wolf, rất khó tin rằng tỉ lệ đầu tư, mang lại lợi nhuận kinh tế, có thể duy trì ở mức trên 40% GDP trong một nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng tiềm năng đã giảm đi ít nhất 1/2 trong 15 năm qua.
Nếu tỉ lệ tiết kiệm vẫn giữ nguyên và tỉ lệ đầu tư giảm hợp lý, giải pháp khi đó sẽ là tăng thặng dư tài khoản vãng lai khi tiền tiết kiệm chảy ra nước ngoài. Dữ liệu chính thức chưa cho thấy điều này. Nhưng có những nghi ngờ về điều này. Ông Brad Setser thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lập luận rằng thặng dư có thể gấp đôi những gì dữ liệu chính thức cho thấy, ở mức 4% GDP.
Thặng dư tài khoản vãng lai chiếm 4% GDP có vẻ không lớn so với tiêu chuẩn trước đây của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ năm 2007, khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 10% GDP, thị phần của nước này trong nền kinh tế thế giới (theo giá thị trường) đã tăng từ 6 lên 17%. Vì vậy, theo quan điểm của phần còn lại của thế giới, mức thặng dư 4% GDP hiện tại lớn hơn nhiều so với mức 10% vào năm 2007.
Có thể bạn quan tâm:
Châu Âu có thể ngăn xe điện Trung Quốc chiếm thị phần?
Nguồn FT
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư