Bất động sản

Hai xu hướng định hình ngành bất động sản khu công nghiệp

Nhật Anh Thứ Bảy | 27/01/2024 16:26

Xu hướng phát triển khu công nghiệp “xanh” đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững. Ảnh: TL.

Tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 từ 2018 đến nay ghi nhận mức tăng rõ rệt.
Xu hướng phát triển khu công nghiệp “xanh” đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững. Ảnh: TL.

Thị trường loại 2 “hút vốn”

Tại miền Bắc dòng vốn FDI có xu hướng chảy sang thị trường loại 2 như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên khi các tỉnh này đã thu hút FDI rất tích cực. 

Quảng Ninh tiêu biểu là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD. Bắc Giang nổi bật với dự án sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2. Và Thái Nguyên thu hút được Tổ hợp dự án của Samsung với vốn đầu tư 1,2 tỉ USD trong năm 2022 giúp địa phương này ghi nhận dòng vốn FDI gấp 6 lần so với cùng kỳ. Số liệu từ Công ty Chứng khoán MBS, tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 từ 2018 đến nay ghi nhận mức tăng rõ rệt, từ mức 20% trong năm 2018 lên mức 53% trong năm 2023. Điều này là do giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường loại 2 thấp hơn 20% so với thị trường loại 1, diện tích đất thương phẩm còn lại nhiều (tỉ lệ lấp đầy thị trường loại 2 mới chỉ đạt 64%).

 

Tại miền Nam, tỉ trọng dòng vốn FDI vào thị trường loại 2 có xu hướng tăng trong năm 2023, từ mức 21,6% trong năm 2022 lên 23,2% trong năm 2023. Trong đó nổi bật là tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã thu hút được hơn 1 tỉ USD vốn FDI, tiêu biểu là dự án sản xuất sợi và vật liệu carbon của Hyosung Việt Nam có vốn đầu tư 540 triệu USD; Bình Phước thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng vốn 758 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. 

Theo MBS, nguyên nhân là nhờ lợi thế về diện tích đất khu công nghiệp có thể cho thuê lớn, tỉ lệ lấp đầy thị trường loại 2 chỉ đạt 63% trong khi thị trường loại 1 đã đạt tới 90% (TP. HCM, Bình Dương đạt 95%, còn tại Đồng Nai, Long An đạt trên 80%). Bên cạnh đó, giá thuê đất tại thị trường loại 2 chỉ bằng một nửa so với giá tại thị trường loại 1.

Xu hướng phát triển khu công nghiệp “xanh”

MBS cho rằng khu công nghiệp truyền thống chỉ có nhà máy sản xuất thuần tuý, nhà ở và các dịch vụ tiện ích khác, đang mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, xu hướng phát triển khu công nghiệp “xanh” đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hướng tới yếu tố xanh, bền vững. Phát triển khu công nghiệp “xanh” là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Xây dựng khu công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế chung trên thế giới.

 

Dự án đầu tư “xanh” trên thế giới năm 2022 tăng 54% về giá trị và 6% về số lượng dự án so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất ở Châu Phi (+36%) và Châu Á (+32%). Các lĩnh vực đang thu hút nhiều vốn nhất gồm sản xuất điện và khí gas, thiết bị điện và điện tử và viễn thông với giá trị đầu tư năm 2022 tăng trưởng lần lượt là 151%, 32% và 9% so với cùng kỳ.

“Không nằm ngoài xu hướng chung, các quốc gia Đông Nam Á đang tập trung thu hút vào ngành công nghiệp “xanh”, số lượng dự án “xanh” tăng trưởng năm 2021, 2022 lần lượt là 12% và 21%. Indonesia thu hút đầu tư vào chuỗi sản xuất xe điện (EV), Singapore tập trung vào ngành chất bán dẫn và công nghệ 4.0, Thái Lan phát triển ngành điện tử, còn Việt Nam mới ở giai đoạn đầu trong thu hút đầu tư “xanh””, MBS nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Giá thuê bất động sản khu công nghiệp có thể tiếp tục tăng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày