Kinh Doanh

Tép Bạc nuôi tôm vàng

Vũ Phi Chủ Nhật | 24/03/2024 07:30

Ở khu vực Đông Nam Á, eFishery là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản.

Từ website chia sẻ kiến thức nuôi tôm, Trần Duy Phong đã phát triển thành hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ nuôi tôm thâm canh.
Ở khu vực Đông Nam Á, eFishery là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản.

Tham vọng mở rộng của Trần Duy Phong, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Tép Bạc, vẫn chưa dừng lại. Một phần động lực đến từ việc hỗ trợ người nông dân giảm thiểu rủi ro khi nuôi tôm, phần còn lại đến từ việc chuẩn bị để cạnh tranh với đối thủ lớn đến từ Indonesia.

Người nuôi tôm làm công nghệ

2,3 triệu USD là số tiền Tép Bạc huy động được từ các nhà đầu tư nước ngoài cách đây khoảng 1 năm. Số tiền không lớn trong lĩnh vực này nhưng nó ghi dấu trên bản đồ các công ty công nghệ nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á xuất hiện một đối thủ đáng chú ý đến từ Việt Nam. Trần Duy Phong là một người vừa có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ do là nghề kinh doanh của gia đình, đồng thời là người am hiểu công nghệ nên có cách tiếp cận thị trường khác biệt so với các đối thủ.

 

Dưới sự dẫn dắt của ông Phong, Tép Bạc cung cấp giải pháp hoàn chỉnh từ phần mềm cho đến thiết bị bộ giải pháp IoT (internet vạn vật) quan trọng hỗ trợ việc tự động hóa là máy đo môi trường nước tự động, tủ điều khiển tự động và máy cho ăn tự động.

Điểm khác biệt lớn nhất của các bộ giải pháp Tép Bạc chính là tính đồng bộ. Ví dụ, thông qua phần mềm quản lý, chủ nuôi tôm có thể điều khiển các thiết bị IoT trên ao nuôi thay vì phải làm thủ công từng thiết bị nếu sử dụng các hãng khác. Cách làm này cũng giúp việc tổng hợp dữ liệu để phân tích chính xác hơn.

Thứ đến, Tép Bạc can thiệp vào thiết kế công nghiệp sản phẩm nên độ bền các thiết bị cao hơn vì thích ứng với điều kiện nuôi ở Việt Nam. Lấy ví dụ các thiết bị đo môi trường nước của Trung Quốc. Do môi trường nuôi tôm ở quốc gia này không được thiết kế trong điều kiện nước lợ như Việt Nam nên các thiết bị dễ bị ăn mòn lớp vỏ, dẫn đến hiệu quả không chuẩn xác hoặc giảm tuổi thọ thiết bị. “Quan trọng nhất, bộ giải pháp của Tép Bạc có giá thành thấp hơn từ 2-3 lần so với các doanh nghiệp khác”, ông Phong nói.

Hiện giải pháp quản lý của Công ty có giá 82 USD/năm (tương đương 2 triệu đồng) cho các chủ vựa tôm có từ 5-10 ao, dưới số đó sẽ được cung cấp miễn phí. Bộ thiết bị IoT có giá khoảng 70 triệu đồng và đây cũng là sản phẩm chiếm doanh thu lớn nhất của Tép Bạc. Thống kê gần đây nhất cho thấy Công ty đang phục vụ 5.000 ao nuôi (gần 100 ha), 7.000 người sử dụng là chủ các trang trại nuôi tôm. Doanh thu năm 2023 của Tép Bạc là hơn 10 tỉ đồng, với 90% doanh số ở khu vực phía Nam.
 
Mở rộng hệ sinh thái

Trần Duy Phong sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm (TP.HCM). Gia đình quê ở Bạc Liêu, kinh doanh nuôi tôm từ năm 1995 nên ông chủ Tép Bạc quen với ngành công nghiệp này từ nhỏ và thấy rõ được những hạn chế của nó. “Những người nuôi tôm chỉ làm dựa trên thói quen và không có công cụ nào hỗ trợ, trong khi đây là ngành đầu tư lớn và rủi ro rất cao. Tôi muốn giúp họ cải thiện công việc kinh doanh”, ông Phong nói. 

Năm 2012, ông lập website Tép Bạc, chia sẻ kiến thức, thông tin trong ngành nuôi tôm từ chính kinh nghiệm gia đình. Nhờ thông tin chia sẻ hữu ích, một năm sau, Công ty được thành lập để hợp thức hóa các hoạt động quảng cáo trên Tép Bạc. Nhưng chia sẻ thông tin là chưa đủ, ông Phong muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động nuôi tôm. Giai đoạn 2016-2020, Công ty tập trung phát triển phần mềm quản lý và bộ giải pháp IoT và nhân sự tăng từ 2 người lên 80 người như hiện nay.

 

Thời điểm đó, các công ty công nghệ hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản như Tép Bạc không được giới đầu tư quan tâm vì giải pháp phần mềm có tính phức tạp, trong khi người nuôi tôm là đối tượng ít tiếp cận công nghệ do môi trường làm việc phần lớn ngoài trời. Quan trọng hơn, các công ty như Tép Bạc thời điểm đó không hấp dẫn bằng làn sóng khởi nghiệp công nghệ tài chính, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

“Rào cản lớn nhất trong ngành này là làm ra các chức năng cần thiết nhất và phải phù hợp với môi trường làm việc của người nuôi tôm. Quá phức tạp chắc chắn sẽ không thuyết phục được họ, Công ty thì tốn nguồn lực”, ông Phong nhận định. Chính vì thế, kể từ khi thành lập đến năm 2020, vốn hoạt động của Tép Bạc chủ yếu đến từ cá nhân và một vài nhà đầu tư thiên thần. Đến năm 2022, các quỹ mới bắt đầu quan tâm và tham gia đầu tư.

Ở khu vực Đông Nam Á, eFishery là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản. Thành lập năm 2013 tại Indonesia, Công ty vừa công bố vòng gọi vốn series D trị giá 200 triệu USD và được định giá 1 tỉ USD. Định giá kỳ lân nhờ vào việc eFishery không chỉ cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ hỗ trợ nuôi tôm, cá mà còn đến từ kinh doanh vật tư nông nghiệp (tỉ suất lợi nhuận 30%), thu mua (tỉ suất lợi nhuận 30%) và bán lẻ (tỉ suất lợi nhuận từ 5-10%). Công ty đặt mục tiêu đạt 1 triệu ao nuôi ở Indonesia vào năm 2025 và bắt đầu mở rộng sang các nước trong khu vực. “Có thể eFishery sẽ sớm có mặt ở Việt Nam, chúng tôi đã chuẩn bị cho việc đó”, ông Phong nói. 

Để chuẩn bị, có 2 dự án lớn Tép Bạc sẽ thực hiện trong thời gian tới. Một là đưa ra mô hình đầu tư công nghệ nuôi tôm kiểu mẫu cho ao có diện tích 2 ha cho các chủ nuôi tham khảo. Dự án này đã được Công ty hoàn thành và đang nuôi thử nghiệm, dự kiến tháng 4 sẽ có thành phẩm đầu tiên. Ước tính chi phí đầu tư theo hình thức của Tép Bạc chỉ chiếm khoảng 50% doanh thu bán tôm, thấp hơn khoảng 20% so với hình thức thông thường với thời gian xây dựng tương đương. Dự án tiếp theo là sàn thương mại điện tử B2B, kết nối các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp với chủ nuôi tôm, hiện có khoảng 30.000 người sử dụng hệ sinh thái của Tép Bạc. Công ty đóng vai trò kết nối và xây dựng hạ tầng giao nhận phục vụ sàn thương mại điện tử.

Theo ông Phong, cả 2 không chỉ giúp Tép Bạc tham gia sâu hơn vào hoạt động nuôi tôm mà còn mở ra các nguồn thu mới cho Công ty. “Triết lý phát triển của chúng tôi là đưa sản phẩm thực tế cho nông dân sử dụng. Đối thủ có thể chỉ mất một nửa thời gian để xây dựng hệ sinh thái như Tép Bạc, nhưng để hiểu người nông dân thì cần nhiều thời gian hơn”, ông Phong nói.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày