Sách hay

Một thời Hương rừng, một thời chữ nghĩa

Duyên Trường Thứ Năm | 17/08/2023 15:08

Bìa ấn bản mới của Hương Rừng Cà Mau

NXB Trẻ vừa ấn hành tác phẩm Hương Rừng Cà Mau, với 18 truyện ngắn dựa theo bản in đầu tiên tại NXB Phù Sa vào năm 1962.
Bìa ấn bản mới của Hương Rừng Cà Mau

Vừa để kỷ niệm sức sống 60 năm của tác phẩm này, mà cũng là dịp để tưởng nhớ 15 năm  ngày mất của tác giả, nhà văn Sơn Nam (11/12/1926 – 13/8/2008).

Chính là nhờ bản in này, người đọc không những có cơ hội được ngửi, được cảm tiếp cái “hương rừng có ma lực quyến rũ” của vùng đất U Minh “chướng khí mù như sương” với những dị nhân độc đáo, bên ngoài tầm thường, thô ráp nhưng ẩn chứa trí tuệ dân gian, lối sống minh triết và tấm lòng từ bi, bác ái. Mà còn được nghe lại, được tìm lại câu chuyện chữ nghĩa và lời ăn tiếng nói của cư dân thời “khai sơn phá thạch” vùng đất Tây Nam bộ này, vào nửa đầu thế kỷ trước.

Cái dấu gạch nối

Dễ nhận thấy nhứt, là thói quen dùng dấu gạch nối giữa các tiếng của các từ ghép, từ láy. Có khi là để phân biệt, có lúc là để các nhà văn, nhà báo muốn nhấn mạnh đến các từ hai tiếng: đàng-hoàng, làm-lụng, bí-mật, đệ-tử, hân-hạnh, lai-rai, cây huê-xà… Hoặc từ ba tiếng sạch-sành-sanh, tò-tí-te… Kể cả những cái tên riêng: xóm Thuồng-Luồng, xóm Cà-Bây-Ngọt,.

Chữ nghĩa một thời

Hồi đó dân ta, xài tiếng Tây đương nhiên là cũng bộn: cà ra quách (cà vạt), bủa xua (bắt tay), nhà xẹt (câu lạc bộ), ăn kết (điều tra), công nho (ngân sách), nhốt phú de (trại giam), hớt đầu ca rê, mặc áo bành tô, uống rượu cổ nhác… 

Nhưng xem ra, dùng chữ nho còn bộn hơn nhiều: nào là vinh diệu, phi phàm, đồ khổ, trì chín; nào là niên kỷ, tằng tổ, âm đức, tâm não, phong thổ, võ phục, sở phí, cơ mưu; lại còn đáo nhậm, kinh lý, dọ thám, đốc suất, tập nã, án ngữ, công kích, áp khẩu, thụ giáo, yết kiến, tiên cáo, khiếm diện, bôn tẩu, đồng lõa; lại có trạng sư, độc giả, thầy phái viên, ông bác vật, mấy ông kỳ lão; và những đường hải đạo, đèn tọa đăng, hàng nội hóa, hải giác thiên nhai, Tiền Đường Hậu Tống… 

Kèm theo đó là kiểu nói chữ, nói tích: nào là ẩn sĩ qui điền, tấn thối lưỡng nan, nhất cử lưỡng tiện; nào là thực lộc chi thê, sanh bất phùng thời, ngũ hồ tứ hải giai huynh đệ; rồi những   sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn; nếu trời đã sanh Châu Do thì hông có Gia Cát Lượng và kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng… 

Hơn thế nữa, nói có nhịp nhàng, nói có vần điệu, có hình ảnh: điều hay, điều dở; đường ngay, đường gãy;  thêm nhưn, thêm nhụy… / lời thật khai ngay; ăn ngay ở phải ; quần bao áo bố/ treo bông kết tuội… / nhảy nhót bên tả bên hữu; mười phần chết bảy còn ba; đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng; dối mình, dối người, dối với non cao, dối với bể rộng… / anh ta nói một hơi như thầy chùa tụng kinh, có ca có kệ / bỗng có kẻ chạy vào như tên quân trong tuồng hát bội cấp báo…

Khác biệt Bắc Nam

1. Âm giọng

• Nói ra lịnh, sanh bịnh, hoan nghinh, binh vực, tức là nói ra lệnh, sanh bệnh, hoan nghênh, bênh vực… 

• Nói ít nhứt, thứ nhứt, giựt mình, nhứt định rồi, nước Nhựt Bổn, chính là ít nhất, thứ nhất, giật mình, nhất định rồi, nước Nhật Bản…

• Nói nảy sanh, sanh sống, sanh nhai, sanh kế, thạnh tình, món ăn chánh tức là nói nảy sinh, sinh sống, sinh nhai, sinh kế, thịnh tình, món ăn chính…

• Nói thọ giới, thọ lãnh là thụ giới thụ lãnh… và nói tịch thâu, châu đáo, thâu phục nhân tâm là nói tịch thu, chu đáo, thu phục nhân tâm…

• Nói cầm chưn (cầm chân) nhưng lại nói chơn trời (chân trời), nói nạn nhơn, bịnh nhơn, nhơn lực, nhơn tài, tiếng súng sát nhơn cũng chính là nạn nhân, bệnh nhân, nhân lực, nhân tài, tiếng súng sát nhân… 

• Lại nói những chữ như thơ thới, phú quới, thiền thị, đường quờn, giọng đờn, yên tịnh, xa xuôi, lở lói, nhơ bợn chớ hổng nói là thư thái, phú quý, thành thị, đường quyền, giọng đàn, yên tĩnh, xa xôi, lở loét, dơ bẩn…

2. Từ ngữ

• hao = tốn / thất = mất / trời nực = trời nóng / đèn lu = đèn mờ / nói dóc = nói dối / day qua = quay qua / chót hòn = đỉnh hòn / bao vây = bu quanh / cọng gai = sợi gai / lượn sóng = làn sóng / lần hồi = dần dần, từ từ / ban sơ = buổi đầu, lúc đầu… 

• làm rầy = làm phiền / làm hiểm = làm khó / nước leo nước giựt = nước lên nước rút / mí nước, mé biển = mức nước, phía sát biển / phe nghịch = phe bên kia / in là = hình như là / độ nhựt  = sống qua ngày / dị hợm: khác lạ so với mọi người, mọi sự…  

• Láy âm: nhảy nhổm, hó hé, lé đé, gấm ghé, lỏng bỏng, thủng thỉnh, lền khên… 

• Tượng hình: nhọn lểu, sôi gan, nhộn dữ lắm, viết lia lịa, tháo mồ hôi, ở tù rục xương, hươi cây thước bảng, mặt trời sụp xuống… 

3. Ngữ khí từ: Bữa nay họ làm cái gì vậy cà / Ông hiểu chớ, Dạ thiệt chớ / Cha này coi vậy mà ngang ta.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày