Góc nhìn chuyên gia

Động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ đến từ đâu?

Ông Trần Đức Anh, Công ty Chứng khoán KBSV Thứ Sáu | 14/07/2023 10:59

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc phân tích vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Ảnh: TL.

Nửa đầu năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 3,72%, mức rất thấp so với dữ liệu trong quá khứ.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc phân tích vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Ảnh: TL.

Tăng trưởng GDP quý II ước tính tăng 4,14%, cao hơn so với quý I, nhưng đây cũng không phải là một điều bất ngờ, bởi quý I bao giờ cũng là quý tăng trưởng thấp nhất trong cả năm do bị ảnh hưởng bởi Tết nguyên đán. Thế thì bức tranh của nửa cuối năm, liệu động lực tăng trưởng hiện tại của Việt Nam có thể đến từ bên ngoài hay không? 

Chia sẻ với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho hay, mảng công nghiệp và xây dựng là một cấu phần chiếm khoảng 40% trong cơ cấu GDP, nếu chúng ta muốn kỳ vọng GDP hồi phục thì công nghiệp và xây dựng phải hồi phục rất mạnh, đâu đó phải tầm trên 8%, để công nghiệp và xây dựng có thể hồi phục thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

 

Đối với xây dựng thì liên quan đến thị trường bất động sản trong nước cũng như liên quan đến đầu tư công, thì chúng ta cũng có cơ sở để kỳ vọng về đầu tư công. Nhưng mà ngành công nghiệp thì nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Ví dụ như Samsung sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm như là điện thoại, điện máy và linh kiện thì nó sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài. “Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng khó có thể kỳ vọng trong nửa cuối năm nhu cầu bên ngoài sẽ hồi phục mạnh mẽ, cho nên là ngành chế biến, chế tạo sẽ khó có thể hồi phục”, ông Đức Anh nói. 

 

Vì thế, ông Đức Anh đánh giá động lực để tăng trưởng từ yếu tố bên ngoài thì rất là yếu. Thế chúng ta phải quay lại, chúng ta phải kỳ vọng vào gì, động lực là đâu để có thể hồi phục kinh tế? Câu trả lời là nó sẽ đến từ những yếu tố nội tại trong nước mà cụ thể ở đây là vai trò của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc áp dụng những chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng. 

Chính sách tiền tệ thì chúng ta cũng có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần từ đầu năm đến nay và mặt bằng lãi suất trên thị trường 1, tức là thị trường dân cư thì thực tế cũng đã giảm tương đối là rõ nét. Tuy nhiên, đánh giá trong nửa cuối năm thì có một rào cản liên quan đến vấn đề tỉ giá mà chúng ta cũng cần phải quan sát và vì thế để lãi suất tiếp tục giảm mạnh sẽ là khó. 

Với chính sách tài khóa thì chúng ta có giảm thuế VAT, chúng ta có giải ngân đầu tư công, số liệu về giải ngân đầu tư công tính riêng trong tháng 6 thì cũng được khoảng 8 - 10%, một con số cũng tích cực và kỳ vọng đầu tư công trong năm nay có thể đạt được mức đâu đó khoảng 85 - 90 %, và là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Tựu chung lại, động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ đến từ chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phát huy hiệu quả đến đâu. Và có lẽ chúng ta có thể kỳ vọng về những con số tăng trưởng khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chung của cả năm đâu đó khoảng trên dưới 5,5%. Còn động lực đến từ bên ngoài mới là động lực quan trọng nhất, mới thực sự là yếu tố có thể kéo GDP Việt Nam tăng mạnh nhờ ngành chế biến, chế tạo thì chưa xuất hiện trong đợt cuối năm này”, ông Đức Anh chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

VDSC: Thận trọng với rủi ro mất giá tiền đồng trong nửa cuối năm 2023


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày