Tài Chính

Thời của tài chính nhúng

Viết Nguyên Thứ Năm | 06/10/2022 07:30

Với bước phát triển cao hơn so với công nghệ tài chính (fintech), tài chính nhúng (embedded finance) được xem là xu hướng tương lai của ngành tài chính.

“Tài chính nhúng không mới”, ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng Khu vực Tài chính, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), phát biểu tại Hội nghị Embedded Finance Summit 2022. Tuy nhiên, theo ông Jinchang Lai, điểm mới của tài chính nhúng là ở cách thực hiện. Nếu trước đây, khách hàng ghé cửa hàng Thế Giới Di Động có thể thấy một quầy dịch vụ của ngân hàng đặt, thì nay, người tiêu dùng có thể vay trả góp trực tiếp với nhà bán lẻ. Qua kênh kỹ thuật số, Thế Giới Di Động có thể cung cấp nhiều sản phẩm cho vay trả góp khác nhau. Các ngân hàng chỉ cung cấp vốn cùng các dịch vụ tài chính liên quan như một nhà bán sỉ và không ra mặt.

Cũ mà mới

 

Ông Võ Thanh Mỹ, Chi Hội trưởng Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), cho biết: “Khi kết hợp dữ liệu, quy trình và vốn, các công ty có thể tạo ra một hệ sinh thái mới với các sản phẩm mới”. Đây là cách làm mới trong tài chính nhúng.

Nhờ đó, các công ty phi tài chính có thể tích hợp nhiều dịch vụ tài chính vào danh mục dịch vụ của họ, tạo ra giao dịch liền mạch và chia sẻ doanh thu với các bên. Ngoài ra, khi các công ty lớn mạnh, với nhiều chi nhánh, dịch vụ thì rất cần thêm một bên mới, tức các tổ chức tài chính tham gia vào chuỗi cung ứng để hỗ trợ bán hàng.

Tháng 7 năm ngoái, MoMo đã kết hợp với TPBank triển khai ví trả sau với hạn mức tự động phê duyệt từ 1-10 triệu đồng, miễn lãi suất 45 ngày mà không cần chờ đợi, không thủ tục rắc rối hay cần phải chứng minh thu nhập. Tương tự, Viettel Money cũng kết hợp với FE Credit triển khai ví trả sau. Các hoạt động này đã giúp MoMo, Viettel Money cung cấp dịch vụ mua trước trả sau (buy now, pay later - BNPL) đến người tiêu dùng cuối. Theo đại diện MoMo, chỉ trong hơn 1 năm, hơn 70% người dùng đăng ký và mở ví trả sau trên MoMo.

Hướng đến khách hàng doanh nghiệp (B2B), Credify đã kết hợp với Com-B thuộc Ngân hàng OCB, Bảo hiểm Bảo Minh, Giá Kho Group, Chợ Deli, iQi Health, Paretix để tạo hệ sinh thái serviceX. Hệ sinh thái này dự kiến sẽ còn mở rộng và cho phép Credify cung cấp dịch vụ BNPL cho Giá Kho Group và sắp tới là iQi Health, QuQo, OnePay, Chợ Deli...

Ông Makoto Tominaga, Giám đốc Điều hành của Credify, nhấn mạnh: “Dịch vụ BNPL của Credify sẽ khác biệt so với các dịch vụ BNPL trước đây”. Đó là mang đến trải nghiệm sản phẩm tài chính được nhúng thực sự, sử dụng phân tích nâng cao để lọc trước người dùng, đề xuất các điều khoản thương mại cạnh tranh so với thị trường, trao quyền quản lý thông tin dữ liệu trở lại cho người dùng...

BNPL chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm của tài chính nhúng như bảo hiểm nhúng, cho vay nhúng, thẻ tín dụng đồng thương hiệu (co-branded credit card)... Đây là những sản phẩm đang được thế giới triển khai mạnh. Chẳng hạn, Lightspeed, Shopify, Toast, Mindbody... cung cấp các dịch vụ cho vay, xử lý thanh toán tích hợp trên nền tảng thương mại điện tử. Uber, Grab triển khai dịch vụ thẻ ghi nợ, thanh toán tức thì, ví điện tử cho cả người dùng và tài xế. Các công ty fintech như Square, Klarna, Revolut... mở rộng tính năng vay trả góp, thẻ ghi nợ, vay trực tiếp... 

Sân chơi ngàn tỉ 

 

Tài chính nhúng đã trở thành sân chơi rộng mở và sáng tạo hơn nhiều so với fintech truyền thống. Chuyên gia Matthew Harris (Mỹ) ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thị phần của các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán sẽ tăng từ 8% lên 40% vào năm 2030.

Bất cứ công ty nào hoạt động trong các ngành như bán lẻ, hàng không, logistics, y tế, giáo dục, bất động sản, công nghệ, viễn thông, nông nghiệp..., nếu có thể tạo được hệ sinh thái người dùng rộng lớn với dữ liệu khổng lồ thì đều có thể trở thành nhà phân phối dịch vụ tài chính.

Các công ty công nghệ cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu cũng là người chơi quan trọng. Người chơi chính khác bắt buộc phải có mặt là ngân hàng. Đây là những đơn vị có giấy phép để cung cấp quyền truy cập tới các sản phẩm và hệ thống tài chính qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Lúc này, nền tảng tài chính nhúng sẽ trở thành một ngân hàng kiểu mới, theo mô hình “Ngân hàng như một dịch vụ” (Banking as a service - BaaS). Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin của VietinBank, khả năng lớn nhất là hàng chục ngân hàng sẽ đóng vai trò ngân hàng đối tác cung cấp dịch vụ cho “ngân hàng kiểu mới”.

Thực tế, các ngân hàng truyền thống có thể đầu tư lập nền tảng tài chính nhúng riêng. Nhưng xét bài toán chi phí và hiệu quả, ngân hàng không chọn cách tự tạo nền tảng tài chính nhúng. Ông Nguyễn Viết Châu, Giám đốc Sáng tạo số Ngân hàng MB, thừa nhận: “Để có thể phục vụ 40-50 triệu người dùng, MB cần phải kết nối với nhiều đối tác thị trường thông qua các đơn vị trung gian, các nền tảng tài chính nhúng”.

Tài chính nhúng ra đời dự báo sẽ giúp các công ty tiếp cận được đối tượng khách hàng chưa đạt tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng ngân hàng. Theo ước tính của ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam và Campuchia của Paretix, số khách hàng này ước chiếm gần 70% dân số. Bên cạnh đó, còn một mảng lớn của hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay không nhận tiền gửi, hay còn gọi là NDTLs thương mại chưa được chú ý. Ông Jinchang Lai cho rằng, nếu muốn phát triển tài chính nhúng, cần phát triển cả mảng NDTLs thương mại và liên kết thị trường NDTLs với thị trường vốn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày