Bất động sản

Bất động sản không còn là kênh đầu tư ưu tiên của người Trung Quốc

Lam Ngọc Thứ Hai | 26/06/2023 11:32

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đứng về phía người mua. Ảnh: Caixin Global.

Sự sụt giảm trong niềm tin vào bất động sản của người dân Trung Quốc đã khiến giao dịch mua bán nhà ở trở nên ảm đạm.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đứng về phía người mua. Ảnh: Caixin Global.

Nhiều thập kỷ qua, người Trung Quốc luôn tin rằng bất động sản là  nơi cất giữ tài sản đáng tin cậy. Nhưng giờ đây, đã không còn nhiều người tin vào niềm tin này nữa. Ngay cả những thị trường luôn được săn đón như Thượng Hải cũng bị cuốn vào làn sóng bán tháo nhà ở. Điều này làm gia tăng áp lực lên giới chức trong việc tìm các nguồn tăng trưởng kinh tế mới giữa bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng.

Không còn là kênh đầu tư an toàn

Theo dữ liệu từ Centaline Group, giá nhà ở Thượng Hải đã giảm 3 tháng liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 vào cuối năm ngoái. Dù số lượng nhà ở tại thành phố Thượng Hải đang tăng lên, nhưng lượng giao dịch mua bán trong tháng 5 đã giảm hơn 30% so với tháng 3, chỉ có khoảng 16.000 căn.

 

Thông qua cuộc phỏng vấn với các chủ nhà, đại lý bất động sản và các chuyên gia cho thấy cuộc suy thoái đang diễn ra trên thị trường địa ốc Trung Quốc là do sự sụt giảm trong niềm tin. Người dân dần không còn xem nhà đất là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất tại đất nước của mình nữa.

Trên thực tế, sự thay đổi trong niềm tin của người dân đã phần nào giúp kiềm chế tâm lý đầu cơ, nhưng rủi ro cuộc suy thoái sâu hơn dự kiến đang tăng lên giữa thời điểm nền kinh tế thứ 2 thế giới có dấu hiệu phục hồi chậm sau đại dịch và không còn nhiều động lực tăng trưởng. Về dài hạn, các nhà chức trách nước này có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một kênh khác để thay thế bất động sản với vai trò là “chủ lực” tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế cũng như một “nơi trú ẩn” cho tài sản của tầng lớp thượng lưu.

“Áp lực bán tháo bất động sản ở Thượng Hải đang tăng lên. Có vẻ các chủ sở hữu đều cho rằng thị trường đã qua giai đoạn sốt nóng”, ông Jun Li, Giám đốc Đầu tư Công ty Tài chính Power Sustainable (Shanghai) Investment Management, nhận định.

Làn sóng bán tháo

Anh Song, một nhân viên ngân hàng, cho biết gần đây anh đã bán căn hộ của mình ở quận Tĩnh An, Thượng Hải, với giá khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD). Theo anh, đây là cơ hội cuối cùng để kiếm tiền từ sự bùng nổ của ngành bất động sản.

Hiện tại, người đàn ông 35 tuổi này vẫn sở hữu một số bất động sản khác cùng với gia đình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, anh Song đang dần rút lui khỏi ngành địa ốc này do các vấn đề về thuế bất động sản và sự suy giảm kéo dài của thị trường.

Thực tế cho thấy có rất nhiều người giống anh Song. Theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu Bất động sản China Index Academy, tháng 5 ghi nhận giá nhà hiện hữu tại 100 thành phố Trung Quốc đều giảm mạnh kể từ năm 2022.

“Thị trường nhà ở tại Thượng Hải khá u ám. Không những vậy, tình trạng cung cầu của thị trường bất động sản thứ cấp trên khắp cả nước cũng đang mất cân bằng”, ông Yan Yuejin, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, cho biết.

Ông Li cũng nói rằng hầu hết mọi người đều đang tìm cách bán nhà do lo ngại về triển vọng kinh tế và làn sóng thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, không ít chủ doanh nghiệp muốn nhanh chóng bán bất động sản để thu tiền mặt về hỗ trợ tài chính cho công ty của mình.

Niềm tin vào bất động sản của người dân suy giảm đã tạo ra làn sóng bán tháo nhà ở. Ảnh: The Business Times.
Niềm tin vào bất động sản của người dân suy giảm đã tạo ra làn sóng bán tháo nhà ở. Ảnh: The Business Times.

Tại thành phố Hàng Châu, Chiết Giang, đã có trường hợp chủ nhà giảm giá bán tới 17% sau khi không tìm được người mua trong suốt 6 tháng. Tâm lý suy yếu trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang khiến các nhà hoạch định chính sách nước này cân nhắc các biện pháp hỗ trợ mới để giữ cho nền kinh tế phát triển.

Phía cơ quan quản lý cũng đang xem xét phương án giảm các khoản thanh toán mua nhà đối với một số khu vực không thuộc vùng trọng điểm ở những thành phố lớn, cắt bớt hoa hồng cho sàn giao dịch bất động sản cũng như nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc mua bán nhà ở.

Theo các nhà phân tích Goldman Sachs, nhu cầu mua nhà sẽ không thể trở lại trong thời gian sớm. Đơn vị này nhận định thị trường bất động sản Trung Quốc có thể hồi phục theo “mô hình chữ L”.

 

“Chu kỳ giảm lần này không giống với những lần trước. Các nhà hoạch định chính sách dường như quyết tâm không sử dụng lĩnh vực bất động sản như một công cụ kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh có thể ưu tiên kiểm soát suy thoái thị trường thay vì tạo ra thêm một chu kỳ tăng mới”, các nhà phân tích Goldman Sachs nhận định.

“Bài toán khó” của Thượng Hải

Về lâu dài, giới phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ trải qua sự thay đổi cơ cấu do dân số già hóa tăng lên và sự hạn chế trong di cư của người dân tới những thành phố khác. Tốc độ đô thị hóa của đất nước tỉ dân dự kiến đạt đỉnh ở mức 75%, tăng từ 64,7% vào năm 2021. Tất cả điều này đều đang gây ảnh hưởng đến tâm lý của các bên tham gia thị trường địa ốc. 

Sự bi quan của thị trường đang thể hiện rõ ở Thượng Hải. Các biện pháp phòng chống đại dịch trong 3 năm qua và sự sụt giảm trong niềm tin của người dân về triển vọng của nền kinh tế đã khiến các chủ nhà và người thuê chọn “rút lui”.

Trước năm 2022, Thượng Hải từng là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp nước ngoài khi có đến 25% người ngoại quốc lựa chọn sinh sống tại đây. Tuy nhiên, sau thời gian phong tỏa kéo dài khiến gần 25 triệu người dân không thể ra khỏi nhà đã tạo ra làn sóng di cư ở Thượng Hải.

Tại Lianyang, khu phố tập trung nhiều người nước ngoài và giới giàu có Thượng Hải, giá nhà ở đã giảm 15-20% từ mức kỷ lục vào giữa năm 2021.

Một chủ sở hữu cho biết đã bán căn hộ của cô ở vùng ngoại ô Thượng Hải hồi tháng 4 năm nay với giá 4 triệu nhân dân tệ, thấp hơn 11% so với mức giá chào bán ban đầu mà cô đưa ra. Trong khi đó, số lượng nhà ở tồn kho trong tháng 4 tăng kỷ lục lên 200.000 căn. Nhìn chung, thị trường bất động sản Trung Quốc đang đứng về phía người mua.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ ra sao?

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày