Bất động sản

Giá thuê bất động sản khu công nghiệp có thể tiếp tục tăng

Nhật Lệ Thứ Năm | 25/01/2024 17:28

Việc duy trì thu hút dòng vốn FDI là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Ảnh: TL.

Theo góc nhìn của giới phân tích, nguồn cung mới dồi dào không làm giá thuê ngừng tăng.
Việc duy trì thu hút dòng vốn FDI là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Ảnh: TL.

Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn nước ngoài. Tổng vốn đăng ký 2023 đạt 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, ghi nhận mức cao kỷ lục.

Công ty Chứng khoán DSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn dựa trên một số lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bao gồm lợi thế nhân lực chi phí rẻ, dân số vàng, năng lực lao động cao cấp, cùng với đó là vị trí địa lý thuận lợi cùng định hướng sản xuất chuyển dịch dần sang sản phẩm công nghệ cao.

Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn nước ngoài.
Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn nước ngoài.

Bất chấp bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, việc duy trì thu hút dòng vốn FDI là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Năm 2024, Việt Nam kỳ vọng tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng cao, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp xanh.

“Chúng tôi nhận thấy, nhờ một số hỗ trợ cắt giảm thủ tục hành chính từ nhà nước, lượng đất khu công nghiệp được cung cấp mới ra thị trường trong năm 2024 là khá lớn so với sự chậm chạp của giai đoạn trước. Theo ước tính, các thị trường cấp 1 tại phía Bắc và phía Nam sẽ lần lượt có thêm khoảng 3.500 hecta và 2.500 hecta, có thể nhắc tới một số dự án nổi bật như Tràng Duệ 3 (KBC) tại phía Bắc, Tân Phước 1 (IDC), Nam Tân Uyên 3 (NTC) tại phía Nam”, DSC cho hay. 

 

Tổ chức này cũng đánh giá, với việc nhu cầu của các nhà đầu tư vẫn duy trì kể cả trong thời gian kinh tế toàn cầu khó khăn, thông qua con số thu hút FDI và các hợp đồng MOU, sức hấp thụ năm tới vẫn khả quan. Từ đó, DSC cho biết họ tin rằng giá cho thuê trong năm tới sẽ tiếp tục xu hướng tăng vốn có, nhưng với tốc độ từ tốn hơn trung bình giai đoạn trước, tăng khoảng 4% so với mức trung bình hiện tại là khoảng 130 USD/m2/chu kỳ và 190 USD/m2/chu kỳ ở thị trường phía Bắc và Nam.

Tuy có những điểm sáng, nhưng DSC cho rằng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% cho các doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 750 triệu USD/năm có thể gần như xóa nhòa đi các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như các đối thủ trong khu vực.

Từ đó, tổ chức này cho biết họ nhận thấy, Việt Nam khá từ tốn trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để tạm giữ được các chính sách ưu đãi vào năm trước. Tuy nhiên, việc này có thể khiến sức hút FDI bị ảnh hưởng khi các cơ chế nhằm thích nghi cho loại thuế này bị chậm trễ so với các đối thủ, ví dụ như Thái Lan, họ đã sớm sử dụng chính số thuế thu bổ sung để trích vào quỹ nhằm cung cấp các ưu đãi khác, vô hình trung vẫn mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Hơn nữa, việc Việt Nam vẫn trung thành với các ngành sản xuất linh kiện điện tử trong khi Indonesia và Malaysia lại tập trung vào chuỗi cung ứng xe điện cũng có thể ảnh hưởng lớn tới phân bổ FDI của khu vực trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm 

Doanh nghiệp nào hưởng lợi từ Luật đất đai sửa đổi?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày