Bất động sản

Hòa Bình tái cấu trúc

Minh Đức Thứ Hai | 04/12/2023 09:00

Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Hòa Bình khá tiêu cực. Ảnh: Quý Hòa

Doanh nghiệp đầu ngành xây dựng ráo riết xử lý các khoản nợ trong nỗ lực tái cơ cấu trước cơ hội thị trường bất động sản hồi phục.
Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Hòa Bình khá tiêu cực. Ảnh: Quý Hòa

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) dự kiến phát hành 252,5 triệu cổ phiếu, trong đó 220 triệu là chào bán riêng lẻ với giá tối thiểu 12.000 đồng, cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu cùng với 32,5 triệu cổ phiếu là phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ. Đáng chú ý là sự xuất hiện của 2 cổ đông dự kiến tham gia đợt chào bán này gồm Primetech VN Development & Investment JSC và Tumaz Enterprises Ltd. Sau thông tin trên, thị giá cổ phiếu HBC tăng trần 2 phiên, đạt 7.270 đồng/cổ phiếu.

Hòa Bình dự kiến huy động được khoảng 2.640-3.190 tỉ đồng từ đợt chào bán riêng lẻ này. Toàn bộ số tiền huy động sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ vay của Tập đoàn tại một số ngân hàng. Đây được xem là động thái nằm trong chiến lược tái thiết doanh nghiệp sau nhiều quý kinh doanh thua lỗ và tranh chấp quyền lực.

Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Hòa Bình khá tiêu cực. Thậm chí, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Hòa Bình ghi nhận doanh thu 5.356 tỉ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ báo lỗ 880 tỉ đồng so với mức lãi 63 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2022. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế đã lên tới hơn 2.980 tỉ đồng, tương đương 108,7% vốn điều lệ của công ty này (tính đến cuối tháng 9/2023).

 

Đây là con số gây bất ngờ đối với một doanh nghiệp giữ vị thế số 1 trong lĩnh vực nhà thầu tại Việt Nam. Khó khăn của Hòa Bình cũng phản ánh bức tranh chung của ngành này trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn. Ngoài ra, theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu, chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh... khiến doanh nghiệp trong ngành lao đao. Bên cạnh diễn biến phức tạp của đại dịch, biến động giá nguyên vật liệu cũng tạo thêm áp lực đối với các nhà thầu xây dựng. Vì thế, tính đến hết ngày 30/10/2023, xây dựng và vật liệu xây dựng là nhóm ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lỗ nhất trong quý III vừa qua, với 51 doanh nghiệp thua lỗ, 97 doanh nghiệp có lãi.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Primetech VN Development & Investment JSC và Tumaz Enterprises Ltd trong đợt chào bán cổ phiếu của Hòa Bình cho thấy, dù khó khăn nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn chú ý đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản tại Việt Nam. Đặc biệt, những công ty có quy mô và tên tuổi như Hòa Bình càng được giới đầu tư quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá của VNReport, mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch, nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8,71% giai đoạn 2022-2027.

Giai đoạn này, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành xây dựng, bất động sản gia tăng khi doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực tái cấu trúc nợ thông qua hoạt động phát hành, mua lại trái phiếu doanh nghiệp và đàm phán gia hạn. Chẳng hạn, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đang tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Tính đến ngày 3/10/2023, khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, tổng dư nợ ước tính khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Tình hình này khiến ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp trong ngành cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2023, lĩnh vực bất động sản có đến 1.067 doanh nghiệp giải thể, tăng đến 9,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành. 

 

Trước những khó khăn chồng chất, không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp lớn phải bán các dự án bất động sản cho đối tác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ trương tăng cường hợp tác đầu tư, cắt giảm chi phí, tối ưu công tác quản trị - điều hành... Chẳng hạn, Coteccons sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang những lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, Coteccons chủ trương cung cấp vốn lưu động cho các sản phẩm Finance & Build, đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tối ưu dòng tiền nhàn rỗi.

Hòa Bình từng thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Matec cho đối tác, dự định thu về khoảng 1.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần này chưa hoàn thành do đối tác gặp khó khăn tài chính. Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hòa Bình, cho biết khả năng để Tập đoàn đạt được mục tiêu kinh doanh như đã đề ra trong năm nay “thật sự khó khăn”. Để giải quyết khó khăn về dòng tiền, Hòa Bình đã đẩy nhanh tốc độ quyết toán đối với những dự án đã thi công xong, thúc đẩy thanh toán nợ.

Các giải pháp này nhằm tái cấu trúc toàn diện giúp Hòa Bình tăng vốn cũng như giảm áp lực trả nợ. Đây là giải pháp có cơ hội mang về lợi ích lâu dài trong việc cơ cấu lại nợ cũng như khôi phục hoạt động kinh doanh và gia tăng mối quan hệ lợi ích, đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn. Tính đến ngày 16/10/2023, đã có gần 100 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ với Hòa Bình bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 400 tỉ đồng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày