Chuyên đề

Đầu tư vào đâu năm 2021?

Trang Thiện Thủy Thứ Ba | 09/03/2021 08:00

Liệu có yếu tố bất ngờ khi lãi suất giảm có khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh hơn vào các kênh chứng khoán, bất động sản hay vàng?

Kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn chịu rủi ro từ đại dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng phức tạp của địa chính trị khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán... biến động mạnh và khó đoán hơn. Vì vậy, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, “trong các kênh đầu tư thụ động thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là an toàn nhất”.

Đây là kênh không đòi hỏi kiến thức, sức lực phân tích, theo dõi quyết định. Cho đến thời điểm này, mặc dù lãi suất huy động ở các ngân hàng liên tục giảm nhưng không ít ngân hàng vẫn tìm cách trả lãi cao hơn, lên tới 6-7%/năm cho kỳ hạn 1-2 năm. Mức lãi này đủ giúp người gửi tiết kiệm hài lòng và vẫn đạt lãi thực dương dù so sánh với biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 vào khoảng 3,2% và ước ở mức dưới 4% năm 2021.

Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm.
Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm.

Đó là lý do vì sao chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi người vẫn cần có 1 tài khoản tiết kiệm. Thống kê từ 28 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng đến cuối năm 2020 đạt hơn 8,6 triệu tỉ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Mức tăng trưởng này tuy thấp hơn so năm 2019 (tăng 15%) nhưng vẫn là con số ấn tượng trong bối cảnh lãi suất huy động rớt mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), chia sẻ: “Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến cầu vốn của khách hàng khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào”. Đây là cơ sở để giới chuyên gia dự đoán, lãi suất huy động sẽ còn giảm, dù không nhiều. Trong bối cảnh đó, dòng tiền trong dân có thể sẽ tìm cách chảy đến các kênh khác để đạt mức sinh lời cao hơn.

CHỨNG KHOÁN: HỘI CHỨNG TINA - FOMO
Thị trường chứng khoán Việt Nam dù đã trải một năm 2020 biến động, từng giảm sâu nhưng đến kết thúc năm, thị trường đã phục hồi ngoạn mục, ghi nhận VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng gần 15%. “Tuy mức tăng không bằng năm 2017 nhưng đa số nhà đầu tư đều có lãi. Nhiều nhà đầu tư còn đạt mức lợi nhuận từ 30-100%. Giá trị giao dịch cũng tăng mạnh hơn 54% so với năm trước. Riêng trong tháng 12.2020 các phiên giao dịch đều trên 10.000 tỉ đồng/phiên”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển tổng kết.

Hiện tại, mặc dù VN-Index đang loay hoay trong việc vượt đỉnh 1.200 điểm nhưng theo các chuyên gia, VN-Index sẽ sớm vượt qua mốc này và chinh phục đỉnh cao mới. Hầu hết các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đều nhận định, VN-Index có thể đạt từ 1.250-1.400 điểm trong năm nay. Pyn Elite Fund, một trong những quỹ đầu tư ngoại lớn nhất thị trường, thậm chí tin rằng chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ từ năm 2021-2024 và chỉ số VN-Index thậm chí có thể cán mốc 1.800 điểm.

Chứng khoán Việt Nam có nhiều dấu hiệu lạc quan.
Chứng khoán Việt Nam có nhiều dấu hiệu lạc quan.

Sở dĩ giới phân tích đều lạc quan về thị trường chứng khoán là vì năm qua, chứng khoán lên cơn sốt chủ yếu nhờ 2 hiệu ứng: TINA (There Is No Alternative - Không có lựa chọn nào tốt hơn) và FOMO (Fear Of Missing Out - Hội chứng Sợ bỏ lỡ). Với 2 hiệu ứng này, theo ghi nhận của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, năm 2020, hơn 390.000 tài khoản cá nhân đã mở mới, tạo thành lực lượng nhà đầu tư mới (F0) hùng hậu trên thị trường.

 

Tầng lớp đầu tư F0 này phần nhiều trẻ tuổi, có kiến thức, có thu nhập và tích lũy cao, tư duy hiện đại... nên đà tăng sắp tới của chứng khoán năm 2021 được dự đoán sẽ khác với các giai đoạn bùng nổ trước. Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI, nhận định: “Với lực lượng F0, thị trường đã có những phiên tăng mạnh/giảm sâu đầy cảm xúc và tính con người nhiều hơn”.

Ở khía cạnh giao dịch, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, Khối khách hàng cá nhân của Maybank Kim Eng, dự đoán: “Thanh khoản thị trường năm 2021 sẽ vẫn tiếp tục tốt nhờ lãi suất thấp kích thích nhà đầu tư cá nhân trong nước tìm kiếm cơ hội sinh lời ở thị trường chứng khoán”. Ngoài nguồn vốn tự có, giới đầu tư còn dùng đến vốn vay (margin).

Theo số liệu của FiinPro, năm 2020 dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán khoảng 81.000 tỉ đồng, tăng 40% so với cuối quý III/2020 và tăng 84% so với thời điểm thị trường tạo đáy vào cuối quý I/2020. Đây cũng là con số kỷ lục nhưng tính ra, tỉ lệ dư nợ cho vay margin/giá trị giao dịch trung bình quý IV/2020 chỉ đạt khoảng 7,4 lần, thấp hơn so với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử (12,2 lần, đầu quý II/2018) và thấp hơn nhiều so với quý IV/2019 (22,5 lần). Điều này cho thấy, lượng tiền đổ vào chứng khoán vừa qua phần nhiều vẫn là “tiền tươi thóc thật”.

Sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận lạc quan còn nhờ triển vọng nâng hạng thị trường. Với việc thị trường chứng khoán Kuwait sẽ bị loại ra khỏi rổ MSCI Frontier Markets Index và thị trường Việt Nam có cơ hội thay thế, tăng tỉ trọng từ mức 13% lên 29% theo lộ trình 12 tháng (từ tháng 11.2020). Việt Nam có thể trở thành thị trường có tỉ trọng cao nhất trong rổ chỉ số này. Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, đây sẽ là yếu tố hấp dẫn, giúp dòng tiền ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam.

 

Một số yếu tố khác hỗ trợ cho thị trường là thế giới đang phấn khởi trước tin dịch bệnh có thể nhanh chóng kiểm soát khi một số nước đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine chống dịch.

Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi nhờ tăng trưởng xuất khẩu gia tăng sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực và làn sóng dịch chuyển FDI mạnh mẽ sang Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết vẫn ra sức tìm cách duy trì kinh doanh tăng trưởng và vượt lên dịch bệnh. Phía Nhà nước cũng tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều cơ hội tốt trong năm 2021, bởi theo số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, mức P/E hiện tại của Việt Nam chỉ mới hơn 16 lần, thấp hơn P/E của một số nước như Thái Lan là 26,3 lần, Indonesia là 29,9 lần, Malaysia là 21,5 lần, Phillippines là 27,3 lần. Những điều kiện này hứa hẹn mở ra khả năng thăng hoa mới cho chứng khoán và thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán SSI, khi dịch bệnh vẫn còn, tính cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khốc liệt, mức độ minh bạch chưa cao và rào cản pháp lý... thì thách thức cho thị trường Việt Nam vẫn hiển hiện. Ngoài ra, theo dự báo của giới phân tích, mức độ đột biến của chứng khoán Việt Nam năm 2021 sẽ không còn như năm 2020. Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền cũng lưu ý: “Khi nền kinh tế và các kênh đầu tư khác hồi phục, dòng tiền có thể sẽ không còn nằm nhiều trong chứng khoán nữa mà chuyển dần sang các kênh đầu tư khác”.

BẤT ĐỘNG SẢN: TÌM ẤM TRONG LẠNH
Trái với nhiều dự báo về việc dịch bệnh có thể khiến bất động sản sớm “xì hơi”, dòng người nườm nượp kéo tới các dự án mới chào bán cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác trước đây về thị trường nhạy cảm này. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho biết: “Tình hình hiện tại tuy tồn đọng những khó khăn nhưng thị trường bất động sản đã khác trước rất nhiều”. Cụ thể, đó là thị trường đã không tăng quá nóng, hay tín dụng quá nóng (trên 30%), tăng lãi vay qua đêm có lúc lên đến 20%/năm như giai đoạn 2010-2011.

Phân tích kỹ hơn, năm qua, do tác động bởi dịch COVID-19, một số phân khúc bất động sản như bất động sản nghỉ dưỡng bị thiệt hại. Cả năm 2020 chỉ có gần 5.000 sản phẩm condotel  chào bán, với mức tiêu thụ chỉ từ 5-20%; không thiếu dự án còn không có giao dịch. Hay phân khúc nhà phố thương mại (shophouse) ảm đạm do tình hình cho thuê kinh doanh chưa phục hồi. Sang năm 2021, theo các chuyên gia, các phân khúc này sẽ tiếp tục gặp khó khăn do du lịch vẫn còn “đóng băng” và nhà đầu tư đã suy giảm niềm tin vào phân khúc này.

Tuy nhiên, ở một số mảng và khu vực như căn hộ chung cư tại TP.HCM, Hà Nội... giá vẫn tăng và người mua vẫn nhộn nhịp. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, đó là do nguồn cung bị hạn chế khi quá trình phê duyệt phát triển dự án vẫn kéo dài và các đợt mở bán đều bị hoãn lại dưới tác động của dịch COVID-19. Sang năm 2021, phân khúc này vẫn tăng nhẹ vì nguồn cung vẫn ít hơn so với nhu cầu người dân mua để ở và cho thuê.

Năm ngoái, theo quan sát của VNRea, dòng vốn từ bên ngoài ngành nhảy vào thị trường bất động sản TP.HCM chiếm tỉ trọng khá lớn, ước chiếm 30-40%. Tuy nhiên, lực cầu này ngắn hạn, tham gia sinh lời nhanh rồi rút đi. Năm nay, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản sẽ khó tăng mạnh và trên diện rộng. Bởi giá bất động sản ở Việt Nam đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2016-2019 và kinh tế Việt Nam năm 2021 dự báo vẫn sẽ còn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nghĩa là trên thị trường bất động sản sẽ có sự phân hóa mạnh và sàng lọc.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, theo ông Sử Ngọc Khương, xu hướng đầu tư sẽ có sự dịch chuyển và thay đổi. “Nếu thế hệ trước, khi chiến tranh bất ổn người ta tích trữ vàng, thì giờ đây, trước bất ổn, người dân sẽ chuyển sang bất động sản”, ông Khương nhận định. Với nhà đầu tư cá nhân, bất động sản hiện là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm hay tích trữ vàng. Vì thế, Savills đánh giá, năm 2021 sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động. Nếu tự chủ tài chính, nhà đầu tư có thể lướt sóng hoặc cho thuê, vì đó là tài sản của họ.

Lấy ví dụ, trong phân khúc nhà ở, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, nhận thấy nhu cầu mua bất động sản vừa túi tiền như căn hộ hạng C đang chiếm ưu thế. Năm 2020, ở TP.HCM, tỉ lệ tiêu thụ căn hộ hạng C lên đến 93% và sang năm 2021, dự đoán tiêu thụ sẽ còn giữ ở mức cao. Riêng phân khúc đất nền các tỉnh vùng ven TP.HCM, DKRA Việt Nam dự báo, đây sẽ là kênh được nhà đầu tư chọn lựa hàng đầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Công ty Landora Group, cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 rất giống với năm 2014 về tính thời điểm, cơ hội đầu tư, mở đầu cho chu kỳ tăng giá bất động sản mới trong 3 năm tới (2021-2023). Thực tế, diễn biến lãi suất huy động, lãi cho vay thấp góp phần thúc đẩy dòng vốn từ tiết kiệm trong dân và ngân hàng chuyển sang bất động sản.

Ngoài ra, sau mùa dịch COVID-19 với nhiều biến động nghề nghiệp và thu nhập, những người trong ngành tin rằng, người dân sẽ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, chủ động trên thị trường. Tuy nhiên, để đầu tư chắc thắng, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, nhà đầu tư nên chọn những dự án chuẩn pháp lý, chủ đầu tư uy tín, được quy hoạch hạ tầng bài bản, đồng bộ nhằm tránh rủi ro. Thay vì “lướt sóng”, nhà đầu tư nên quan tâm đến sản phẩm bất động sản có giá trị sử dụng cao, vị trí đắc địa, khả năng kinh doanh và môi trường sống tốt.

VÀNG VẪN LẤP LÁNH
Vàng đã có một năm 2020 đầy thành công khi tăng chọc đỉnh cao nhất mọi thời đại là 2.075 USD/ounce vào tháng 8.2020. Trong những tháng đầu năm 2021, nhiều dấu hiệu cho thấy các “cá mập” đã bán vàng. Tuy nhiên, lượng vàng bán ra chỉ nhỏ lẻ, trong khi số lượng mua vào 2 năm gần đây lên tới hàng ngàn tấn. Vì vậy, nhiều dự báo cho thấy, trong trường hợp giá vàng đi vào xu hướng giảm, thì cũng chưa thể rớt mạnh ngay trong 2-3 năm tới.

 

Thậm chí, theo dự đoán của hầu hết chuyên gia lẫn nhà đầu tư, mức giá “đỉnh” năm 2020 sẽ sớm bị loại bỏ, thay vào đó, kim loại quý sẽ hướng tới mức cao nhất mọi thời đại ngay trong năm nay. Một kết quả khảo sát của Kitco vào cuối tháng 2 cho thấy, tới 84% người được hỏi tin rằng giá vàng vượt 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021. Một số nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng có thể đạt tới 2.500-2.600 USD/ounce. Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, dự báo: “Giá vàng năm 2021 sẽ sớm lấy lại mốc giá 2.000 USD/ounce do có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó, yếu tố lớn nhất là làn sóng bơm tiền kích cầu kinh tế của các nước lớn”.

Giá vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ trong làn sóng bơm tiền kích cầu kinh tế.
Giá vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ trong làn sóng bơm tiền kích cầu kinh tế.

Dù vậy, theo nhận định của ông Phillip Streible, Chiến lược gia trưởng của Blue Line Futures (công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại Chicago, Mỹ), thị trường vàng năm 2021 sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất có liên quan đến việc kiểm soát đại dịch cũng như sự xuất hiện thêm của bất kỳ biến thể nào khác. Nếu việc tiêm chủng vaccine thành công và thế giới dần kiểm soát được sự lây lan của virus, rất có thể nhà đầu tư sẽ quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn, thay vì đổ tiền vào vàng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát, các nhà giao dịch sẽ phải tiếp tục lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn và giá vàng có thể sẽ tăng cao hơn nữa. Yếu tố thứ 2 liên quan đến tình hình doanh nghiệp.

Với biến thể mới của virus, rất có thể các nhà lập pháp sẽ tiếp tục cảnh giác vào quý đầu tiên của năm 2021 và họ có thể khôi phục nhiều đợt phong tỏa hơn. “Hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và nhiều khả năng sẽ nộp đơn phá sản, qua đó tạo ra nhiều cú sốc hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Một sự kiện như vậy một lần nữa có thể giúp giá vàng tăng cao hơn”, ông Phillip Streible chia sẻ.

 

Báo cáo mới đây của Công ty Tư vấn Capital Economics cũng nhận định, nếu hoạt động kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhanh chóng nhờ vaccine, các quỹ ETF vàng có thể chứng kiến các đợt bán tháo. Tuy nhiên, Capital Economics vẫn nghiêng về khả năng vàng có thể duy trì ở mức giá cao. Theo lập luận của công ty tư vấn này, lợi suất thực tế thấp của trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần thiếu hụt do giới đầu tư rời bỏ vàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.

Đối với thị trường Việt Nam, năm 2020 giá vàng đã tăng khoảng 30% (từ mức 42 triệu đồng/lượng tăng lên quanh mốc 56 triệu đồng/lượng). Kim loại quý này được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021, bởi các yếu tố hỗ trợ như nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tung ra các gói kích cầu với quy mô lớn để phục hồi nền kinh tế, sự suy yếu của đồng USD và cả những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung...

Tuy nhiên, trước diễn biến thế giới biến động, giá vàng có thể đảo chiều tăng giảm bất thường. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư vàng. Đây chỉ là kênh đầu tư phù hợp với những nhà đầu tư am hiểu về thị trường tài chính. Đặc biệt, thị trường vàng trong nước và thế giới hiện chưa liên thông nhau, độ chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước vẫn khá lớn. Dự đoán chi tiết hơn về giá vàng trong nước, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong quý I/2021, giá vàng sẽ ổn định quanh mức 55-56 triệu đồng/lượng. Trong trường hợp không kiểm soát được dịch, giá vàng sẽ ngày càng được đẩy lên nữa.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày