Công Nghệ

AI tìm cơ hội từ thị trường có dân số già

Cẩm Tú Thứ Năm | 19/01/2023 15:04

Các triển lãm điện tử gần đây cho thấy xu hướng công nghệ AI hỗ trợ người cao tuổi sẽ bùng nổ do đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.

Công ty Trinity (Nhật Bản) chuyên sản xuất và bán các loại camera an ninh của Nhật Bản, vừa công bố các sản phẩm hỗ trợ phát hiện những người già bị chứng mất trí nhớ dẫn đến đi lạc. Các camera có sử dụng AI tích hợp dữ liệu thông tin cá nhân của từng người cao tuổi được lắp đặt xung quanh các viện dưỡng lão. Trong trường hợp một người mất trí nhớ đi ra khỏi viện dưỡng lão, ảnh và tên của người đó sẽ ngay lập tức được thông báo trên nhóm của nhân viên theo dõi trong ứng dụng LINE để kịp thời xử lý.

Người cao tuổi ngày nay thường siêng tập thể dục. Tuy nhiên tập thể dục cũng gây nguy hiểm, do đó hãng Motorola sản xuất đồng hồ thông minh Moto Watch 100 với bản cập nhật bổ sung hỗ trợ phát hiện té ngã. Không chậm trễ, Công ty Fujitsu cũng đang phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ AI vào phân tích cử động và cảnh báo té ngã đối với người cao tuổi trong các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

Chiếc giường tích hợp nhiều công nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Ảnh: PCMag
Chiếc giường tích hợp nhiều công nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Ảnh: PCMag

Theo đó, thiết bị này sử dụng sóng vô tuyến tần số cao để phân tích các cử động của người cao tuổi, từ đó đưa ra những cảnh báo về khả năng phát sinh té ngã, giúp các nhân viên chăm sóc rút ngắn được thời gian có mặt xử lý từ khi té ngã đến khi sơ cứu, tránh nguy cơ các chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tàn tật.

Tại triển lãm điện tử CES mới đây, công nghệ chăm sóc người cao tuổi cũng gây chú ý với loạt thiết bị theo dõi sức khỏe, chẳng hạn như sản phẩm mang tên The Heart Seat là bồn cầu có thể đo nhịp tim, nồng độ oxy máu và huyết áp. Hãng công nghệ Hàn Quốc Samsung giới thiệu hàng loạt mẫu TV với điểm chung là tích hợp ứng dụng Samsung Telemedicine.

Samsung tuyên bố, người dùng có thể gọi điện cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe trực tuyến sau khoảng 60 giây. Người dùng có thể đặt những câu hỏi về sức khỏe và thực hiện một số bài kiểm tra từ xa. Sau khi hoàn thành, người dùng có tùy chọn lên lịch một cuộc hẹn theo dõi và thậm chí nhận đơn thuốc từ xa. Trong trường hợp muốn tự theo dõi sức khỏe, người dùng tải ứng dụng Health Monitor và dùng camera để quan sát khuôn mặt, đo các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong máu…

Nước tiểu chứa rất nhiều manh mối về sức khỏe, nhưng thông thường bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ để xét nghiệm và phân tích chúng. Hãng sản xuất thiết bị đeo và theo dõi sức khỏe Withings đã giải quyết vấn đề bằng một cảm biến gắn trong nhà vệ sinh. Thiết bị mang tên U-Scan, khi gắn vào bồn cầu sẽ thu thập nước tiểu để phân tích rồi gửi kết quả đến smartphone.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), U-Scan có thể phân biệt nước tiểu của nhiều người trong gia đình. Ngoài sử dụng tại gia, thiết bị này cũng hữu ích cho các chuyên gia y tế theo dõi bệnh nhân và tiến hành nghiên cứu triệu chứng. Withings cho biết, U-Scan thậm chí có thể giúp sàng lọc ung thư bàng quang và ung thư buồng trứng.

Ngoài ra, công nghệ chăm sóc giấc ngủ cũng được tích hợp vào chiếc giường ErgoSportive, Mỹ. Giường thông minh này có cảm biến sinh trắc học đo các giai đoạn ngủ, chuyển động, nhịp tim và hô hấp của từng người. Ứng dụng ErgoSportive đi cùng sản phẩm cung cấp các báo cáo về giấc ngủ và các đề xuất, tư vấn phục hồi nâng cao.

Bên cạnh giường chính là gối thông minh có tên Fufuly, được hãng Yukai Engineering, Nhật Bản giới thiệu nhằm giúp giảm căng thẳng. Chiếc gối sẽ tự nở ra hoặc co lại một cách tinh tế để mang lại cho người ôm cảm giác như thật. Khi chuyển từ trạng thái “thở” bình thường sang trạng thái ôm ấp chậm và sâu hơn, cơ thể người dùng sẽ có phản ứng tương tự và căng thẳng bắt đầu tan biến...

Có thể bạn quan tâm:

Thước đo thành công và thất bại của startup trong năm 2023


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày