Công Nghệ

Anfin chia nhỏ cơ hội đầu tư

Huy Vũ Thứ Năm | 21/07/2022 07:30

Với thị trường sơ khai, có tính địa phương cao như Việt Nam, các bài học toàn cầu chỉ mang tính tham khảo. Ảnh: T.L

Tiên phong cung cấp dịch vụ đầu tư cổ phiếu số lượng nhỏ, Anfin đã có 300.000 khách hàng tải ứng dụng chỉ sau hơn 1 năm thành lập.
Với thị trường sơ khai, có tính địa phương cao như Việt Nam, các bài học toàn cầu chỉ mang tính tham khảo. Ảnh: T.L

Đầu năm nay, Anfin - fintech giúp khách hàng đầu tư cổ phiếu chỉ từ 10.000 đồng - công bố huy động thành công 1,2 triệu USD. Chỉ 6 tháng sau, fintech này công bố huy động thành công thêm 4,8 triệu USD.

Vị thế người tiên phong
Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập Anfin là Trần Thiên Phước, một gương mặt khá quen thuộc với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Điều thú vị ở chỗ anh Phước thừa nhận trước khi thành lập Anfin, anh không có nhiều kinh nghiệm trong mảng tài chính. Nhưng bù lại, anh “cảm” được nhu cầu của thị trường. 

Theo anh Phước, đầu tư là thói quen xưa nay của người dân với mong muốn có một tương lai an toàn hơn. “Ở Việt Nam có một khoảng trống khi phần lớn chọn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư nhà đất, chưa nhiều người tiếp cận các kênh như chứng chỉ quỹ, chứng khoán”, anh nói.

 

Nguyên nhân là các công ty chứng khoán truyền thống hiện phục vụ tập khách hàng là doanh nghiệp lớn, doanh thu chủ yếu đến từ cho vay nên không thể phục vụ khách hàng cá nhân, với quy mô giao dịch thấp và mô hình dựa hoàn toàn vào thu phí trên mỗi giao dịch.

Năm 2013, cách thức đầu tư chia nhỏ, còn gọi là chứng khoán phân đoạn, bắt đầu phổ biến ở Mỹ với ứng dụng Robinhood. Ví dụ, trước đây với 1.000 USD chỉ mua được cổ phiếu một công ty  như Google hay Facebook thì nay họ có thể sở hữu nhiều công ty với quy mô đầu tư như vậy.

Tầm ảnh hưởng của Robinhood, hay còn gọi là các fintech phục vụ quản lý tài sản, nhanh chóng lan rộng sang các khu vực khác và hình thành các đại diện như Trade Republic (châu Âu), Ajaib (Malyasia), Groww (Ấn Độ)… Các quốc gia có tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân sở hữu tài khoản chứng khoán càng thấp là mảnh đất màu mỡ cho các công ty fintech cung cấp dịch vụ phân đoạn.

Tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 cùng công nghệ eKYC trong việc mở tài khoản chứng khoán đã giúp số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tăng lên rất nhanh. Theo số liệu tháng 5 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, số lượng người dân sở hữu tài sản chứng khoán đã đạt 5,2% dân số. Rõ ràng, dư địa tăng trưởng còn rất lớn cho các công ty fintech phục vụ quản lý tài sản ở Việt Nam vì mức 5,2% tài khoản cá nhân là rất thấp so với Trung Quốc (12%) hay Đài Loan (80%)...

“Dĩ nhiên không chỉ Anfin nhìn thấy cơ hội này”, anh Phước nói. Ngoài Anfin, trên thị trường còn có các công ty như Finhay, Infina. Những đơn vị này sẽ hợp tác với các công ty chứng khoán truyền thống, còn gọi là mua sỉ cổ phiếu, trái phiếu sau đó dùng hệ thống công nghệ phân phối  mặt hàng đó đến khách hàng lẻ. Tuy nhiên, phần lớn các công ty chọn cung cấp hình thức đầu tư bị động, tức thiết kế những gói đầu tư được hình thành dựa trên tỉ lệ phân bổ tới các quỹ đầu tư trái phiếu với lãi suất và rủi ro từ thấp đến cao cho khách hàng lựa chọn. 

Trong khi đó, Anfin cung cấp hình thức đầu tư chủ động, tức cho phép khách hàng mua  cổ phiếu của các công ty mà họ quan tâm. Cách làm này phù hợp với tập khách hàng của Anfin, vốn thích tự chủ trong đầu tư, với hơn 80% đến từ các khu vực ngoài Hà Nội và TP.HCM.

Câu chuyện hiện nay của các công ty là thu hút càng nhiều người tham gia giao dịch trên nền tảng của mình để có thể sớm hoàn vốn và có lợi nhuận. Tại Anfin, giá trị trung bình trong tài khoản khách hàng đã tăng từ 12 USD lên 52 USD, phí mỗi giao dịch mua bán là 0,15%. “Ban đầu người sử dụng còn dè chừng và việc gia tăng số tiền vào tài khoản là dấu hiệu cho thấy niềm tin của họ vào chúng tôi đang tăng”, anh Phước nói.

Với việc nhiều đơn vị bắt đầu cung cấp dịch vụ đầu tư cổ phiếu giống Anfin, anh Phước cho biết: “Rào cản gia nhập ngành này rất mỏng manh. Chúng tôi tin rằng sáng tạo dịch vụ mới là cách duy nhất để giữ vị thế tiên phong”. Trong thời gian tới, Anfin sẽ cung cấp các dịch vụ như đặt lệnh cổ phiếu số lượng nhỏ. Song song đó, Công ty sẽ đưa ra thị trường dịch vụ phí giao dịch hằng năm có lợi cho những nhà đầu tư giao dịch thường xuyên.

Bài học từ Y Combinator
Tốt nghiệp Đại học American University (Mỹ), Trần Thiên Phước quay về Việt Nam làm việc từ năm 2014 với vai trò Giám đốc dự án trực thuộc Giao Hàng Nhanh, công ty giao hàng thương mại điện tử của Scommerce. Năm 2014, Scommerce mở công ty giao hàng hỏa tốc (on-demand) Ahamove và anh Phước là một trong các đồng sáng lập đầu tiên. Năm 2017, anh rời khỏi và thành lập công ty thương mại xã hội VRED nhưng đã ngừng hoạt động do không đúng thời điểm.

 

Người đứng đầu Anfin không giấu những khó khăn và thất bại vì theo anh, chính sự trung thực đã giúp anh tìm được các đồng đội vững chuyên môn tham gia thành lập Anfin (tháng 6/2021) và tạo dựng được lòng tin của nhà đầu tư cá nhân ngay khi thành lập.

Anh Phước chia sẻ, việc gia nhập Y Combinator (Mỹ), vườn ươm các công ty công nghệ lớn như Airbnb, Dropbox, Coinbase…, là một quyết định chiến lược của Anfin vì giúp anh và đội ngũ tiếp cận được kinh nghiệm từ các startup đã thành công của đơn vị này. Anh cho biết trong Y Combinator luôn nhắc nhở anh và đồng đội về một trường hợp gọi vốn rất nhiều để thu hút người sử dụng nhưng tắc trong việc chuyển đổi từ miễn phí sang thu phí. Áp lực tăng trưởng theo kỳ vọng của nhà đầu tư đã khiến công ty này điêu đứng. Bài học trên chỉ ra đừng bao giờ giải quyết vấn đề bằng tiền, nhất là với thị trường sơ khai, có tính địa phương cao như Việt Nam, các bài học toàn cầu chỉ mang tính tham khảo. 

“Huy động thành công nhiều vốn chắc chắn là một ưu thế, nhưng ít vốn cũng có những lợi thế riêng”, anh Phước giải thích vì sao anh không đặt nặng việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính của Anfin so với các đối thủ
 


Tin nổi bật trong ngày