Bí mật của Topebox
2019 là một năm có nhiều thay đổi với Topebox khi công bố nhận đầu tư từ 1 trong 10 nhà phát hành game di động lớn nhất Trung Quốc là Habby. Ảnh: ICT news
Năm 2022 bảng xếp hạng các tựa game di động thể loại phiêu lưu ở Nhật, một trong các thị trường khó tính nhất, ghi danh Titan Hunters của nhà phát triển Topebox với thành tích 500.000 lượt tải về chỉ sau 6 tháng ra mắt.
Cho đến nay Topebox vẫn là một cái tên xa lạ với người dùng di động ở Việt Nam nhưng lại khá quen thuộc với các bảng xếp hạng game ưa thích được đề xuất bởi Apple ở những thị trường như Mỹ, Nhật và Trung Quốc.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2012, nhà phát hành này đã phát triển 100 tựa game với hơn 100 triệu lượt tải về. Xét về quy mô lượt tải, Topebox kém xa Amanotes, nhà phát triển game âm nhạc di động khác của Việt Nam, tuy nhiên khác biệt lớn ở chỗ các tựa game của Topebox có doanh thu từ việc mua vật phẩm trong game (IAP - In-app purchase) thay vì cung cấp miễn phí và kiếm tiền từ quảng cáo trong game (IAA - In-app advertising).
Gần 10 năm qua, trung bình mỗi năm Topebox sản xuất 10 tựa game và có ít nhất 1 tựa game được đề cử bởi Apple trong năm đó như Pocket Army (2012), Century City (2015), Politaire (Giải thưởng game di động thế giới - IMGA 2016), Sky Dancer (2017) hay Gun & Dungeons (2022). Tỉ lệ trung bình cứ 10 game sẽ có được 1 game nổi trội, con số theo ông Thái Thanh Liêm, sáng lập kiêm CEO Topebox, là khá cao so với các công ty khai thác thể loại game IAP ở Việt Nam.
Từ game thủ thành doanh nhân
Ông Thái Thanh Liêm tốt nghiệp Đại học Dân lập Hùng Vương, ngành lập trình máy tính. Sinh năm 1983, thuộc thế hệ Millennials, thế hệ mà xu hướng giải trí bị ảnh hưởng rất lớn từ các dòng máy trò chơi tại nhà của Nhật, không có gì lạ khi ông Liêm dành phần lớn tuổi thiếu niên cho các trò chơi điện tử trên các hệ máy của Nintendo, Sony.
Mộc Đế (tựa gốc Fire Emblem) - dòng game chiến thuật theo lượt chơi được Nintendo phát hành vào năm 1990 - là tựa game để lại ấn tượng rất lớn cho người sáng lập Topebox.
Cách chơi cuốn hút, cốt truyện hấp dẫn đã ảnh hưởng đến quan điểm về làm game của ông Liêm từ trước khi khởi nghiệp và nhen nhóm khát vọng làm các tựa game có lối chơi cuốn hút như vậy. Nó ám ảnh đến mức thay vì báo cáo giải thuật làm game theo quy định thực tập sinh sau 2 tháng thử việc của Gameloft, ông Liêm nộp luôn một sản phẩm game hoàn chỉnh. “Qua làm việc tôi thấy đồng nghiệp ở các nước không tin vào khả năng sáng tạo của Việt Nam. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi điều này”, ông Liêm nói.
Color Box là công ty đầu tiên ông Liêm thành lập, tuy nhiên nhận thấy định hướng không phù hợp với bản thân nên ông rời đi không lâu sau đó để đầu quân cho VNG thực hiện dự án Khu Vườn Trên Mây trên nền tảng web. Ra mắt năm 2010, Khu Vườn Trên Mây là game được xuất khẩu sang Nhật, Trung Quốc và luôn đứng đầu bảng xếp hạng Zing Me giai đoạn 2011-2012. Sau 6 năm game này được chuyển thể lên di động và nhanh chóng đạt cột mốc 30 triệu người tải về.
Thế nhưng, ông Liêm không đi cùng quãng đường đó. Nhận thấy tiềm năng của thị trường game di động thông qua nền tảng iOS, năm 2012 ông quyết định rời VNG và khởi nghiệp lần nữa với Topebox.
5 người, tính luôn ông Liêm, hoàn thành tựa game Pocket Army trong 6 tháng và đạt được 2 triệu người cùng doanh thu 1 triệu USD trên nền tảng iOS chỉ sau 1 tháng ra mắt. Nhưng đây cũng là lúc ông Liêm nhận ra định kiến về ngành game Việt Nam không chỉ đến từ cái nhìn của người ngoại quốc.
Thứ nhất, do bị đánh giá là tiêu cực từ xã hội nên không nhiều nhân sự tham gia lĩnh vực này, các vị trí cần thiết như thiết kế, biên kịch game đều thiếu và cho đến tận bây giờ Topebox vẫn đang tổ chức đào tạo.
Thứ 2, rủi ro của game IAP và IAA là như nhau, còn phải chia sẻ doanh thu các nền tảng iOS và Google nên lợi nhuận chỉ còn 6-8%, nhưng do chi phí sản xuất thấp hơn nên phần lớn nhân lực game trong nước đi theo xu hướng IAA, dẫn đến tình trạng ngành công nghiệp game Việt Nam thừa lượng thiếu chất.
Tiến đến nhà phát hành game
2019 là một năm có nhiều thay đổi với Topebox khi công bố nhận đầu tư từ 1 trong 10 nhà phát hành game di động lớn nhất Trung Quốc là Habby. Việc gọi vốn, theo ông Liêm, nhằm phục vụ 3 mục đích. Đầu tiên là chứng minh với những người đồng nghiệp cũ từ thời Gameloft rằng các công ty Việt Nam có thể sáng tạo ra những sản phẩm đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ 2, nguồn lực có được giúp Topebox đầu tư vào nền tảng có thể tối ưu các tài nguyên sản xuất đã sử dụng trước đó. Lấy ví dụ, trước đây để sản xuất một tựa game có độ phức tạp trung bình, Topebox mất từ 6-12 tháng. Hiện nay, thời gian sản xuất của các tựa game như vậy chỉ còn 3 tháng. Chính vì thế, 2022 cũng là năm Topebox tăng gấp đôi năng suất sản xuất game, từ 10 lên 20 game mỗi năm.
Theo ông Liêm, vì các nhà phát hành toàn cầu trong phần lớn trường hợp sẽ không chịu rủi ro nên họ sẽ bỏ qua các tựa game được cho là không có tiềm năng. “Nhưng không phải lúc nào nhận định của họ cũng đúng. Như tựa game Sky Dancer của chúng tôi, trước khi nằm trong bảng xếp hạng game ưa thích tại Mỹ, Nhật và Trung Quốc, không nhà phát hành nào tin rằng nó tiềm năng”, ông nói.
Với vai trò các nhà phát hành địa phương, theo ông Liêm, Topebox có thể chịu rủi ro nhiều hơn để đồng hành cùng các nhà phát triển game IAP trong nước.
Ông Liêm tin rằng ngành game di động nói riêng và thế giới nói chung đang thay đổi. Người chơi ngày càng có nhu cầu sở hữu rất cao trên internet khi nhân vật phải thuộc quyền kiểm soát của họ, các nhà phát hành chỉ cung cấp trò chơi để họ tham gia mà thôi. Đó là cơ hội mới mà các công ty game Việt Nam có thể tham gia
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư