Bolt & lộ trình Việt Nam
_71049984.png)
Thị trường gọi xe Việt Nam có các dịch vụ khá tương đồng với Bolt gồm chở người, chở hàng, giao thức ăn. Ảnh: TL
Bolt, ứng dụng gọi xe có trụ sở tại Tallinn, Estonia có thể sẽ gia nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.Đây có thể là một quyết định bất ngờ vì Việt Nam là một chiến trường khốc liệt, đã khiến ít nhất 3 startup kỳ lân Uber, Gojek và Baemin phải bỏ cuộc chơi.
Bolt chọn bước vào Việt Nam là có lý do. Theo Reuters, Bolt đang làm việc với ngân hàng đầu tư PJT Partners để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu tại Mỹ hoặc châu Âu trong vòng 18-24 tháng tới. Sau hơn 10 năm, Công ty đã có mặt tại 45 quốc gia và gọi vốn thành công hơn 2,3 tỉ USD từ các quỹ lớn như Sequoia, D1 Capital, G Squared hay Goldman Sachs.
Mở rộng sang các thị trường lớn, tăng quy mô hoạt động là chiến lược thường thấy của các hãng công nghệ trước khi IPO. Bolt - một công ty đang tiến sát giai đoạn trưởng thành - cũng không ngoại lệ khi đặt chân vào các thị trường nóng nhất ở Đông Nam Á từ cách đây 5 năm.
Năm 2020 Bolt vào Thái Lan. Từ Bangkok, Công ty mở rộng phạm vi hoạt động sang Phuket và Chiang Mai. 4 năm sau, Bolt đặt chân đến Malaysia và cung cấp dịch vụ ở Klang Valley và Kuala Lumpur. Theo Philippine Daily Inquirer, Bolt cũng đang xúc tiến gia nhập thị trường Philippines trong năm nay. Về mặt dòng tiền, Công ty cũng đã chuẩn bị cho việc IPO. Doanh thu năm 2023 đạt 1,85 tỉ USD, tăng hơn 37,4% so với cùng kỳ; lỗ hoạt động 102 triệu USD, giảm đáng kể so với mức 284 triệu USD cùng kỳ. Gần đây nhất, Bolt chia sẻ với Reuters doanh thu năm 2024 có thể đạt hơn 2,1 tỉ USD nhưng không công bố các chỉ số khác.
![]() |
Hiện Bolt đang muốn triển khai kinh doanh tại Việt Nam với các dịch vụ gọi ô tô, xe 2 bánh và dịch vụ giao nhận đồ ăn, hàng hóa. Nếu được cấp phép hoạt động, Việt Nam sẽ trở thành thị trường thứ 3 của Công ty tại Đông Nam Á.
Thị trường gọi xe Việt Nam có các dịch vụ khá tương đồng với Bolt gồm chở người, chở hàng, giao thức ăn. Các đơn vị đang cung cấp những dịch vụ này là Grab, Xanh SM và Be. Một số doanh nghiệp chở hàng còn mở rộng thêm mảng kinh doanh chở người và giao đồ ăn là Ahamove (Scommerce) và gần đây là Lalamove. Báo cáo của Grab, đơn vị tiên phong trong thị trường này ở Việt Nam, chỉ ra 60% vẫn đến từ mảng gọi xe; mảng giao thức ăn đang được xem là thay thế khi mảng gọi xe bão hòa với 30% doanh thu. Các công ty trong ngành cũng đang điều chỉnh theo xu hướng này.
Để gia tăng thị phần trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp như Bolt thường chọn M&A một công ty trên thị trường hoặc trợ giá để giành thị phần từ các đối thủ có tiềm lực tài chính ít hơn. Thực tế, cùng thời điểm công bố gia nhập Việt Nam, Bolt đã công bố thương vụ mua lại Viggo, startup taxi xe điện tại Đan Mạch, nhằm mở rộng tệp khách hàng ở châu Âu và gia tăng yếu tố ESG cho hồ sơ IPO. Việc sở hữu một startup “xanh” tại châu Âu giúp Bolt dễ lọt vào danh mục đầu tư của các quỹ như BlackRock hay Baillie Gifford, vốn ưu tiên doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, phương án M&A có thể sẽ phức tạp hơn vì các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của đơn vị khác, thậm chí còn là con cưng của các tập đoàn lớn ở Việt Nam. Xanh SM, chẳng hạn, là một phần trong chiến lược xanh hóa hạ tầng giao thông, vận tải của VinFast, thuộc Tập đoàn Vingroup. Gần đây Vingroup và Shopee đã ký biên bản ghi nhớ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử, bao gồm tích hợp đội xe điện VinFast để hỗ trợ giao nhận cho Shopee và các đối tác 3PL. Trong khi đó, Be là đối tác chiến lược của VPBank trong việc đưa các sản phẩm tài chính công nghệ đến giới trẻ. Hay Ahamove là một phần của Scommere, công ty cung cấp dịch vụ hậu cần thương mại điện tử.
![]() |
Thứ đến là lượng tiền mặt trong Bolt cũng không phù hợp cho việc M&A các công ty địa phương, vốn có ít ảnh hưởng ở tầm khu vực. Đến cuối năm 2023 lượng tiền mặt Công ty nắm giữ là 351 triệu USD, giảm so với mức 453 triệu USD cùng kỳ.
Kịch bản thứ 2 - khuyến mãi chiếm thị phần - có vẻ phù hợp hơn và thực tế, Bolt đã áp dụng với các thị trường trước đó. Ví dụ ở Thái Lan, Công ty áp dụng chiến lược không thu phí hoa hồng tài xế, giá thấp hơn 20% đối thủ. Hay ở Malaysia Công ty áp dụng mức chiết khấu cố định 15% với tài xế khi ra mắt và khuyến mãi 50% giá cước để thu hút người dùng. Đây cũng là kịch bản các công ty công nghệ áp dụng, điển hình như Zoomcar, công ty cho thuê xe tự lái ở Việt Nam nhưng đã rời thị trường sau 1,5 năm gia nhập.
Nguyên nhân là các chiến lược trợ giá để giành thị phần của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua đã hình thành một thị trường vô cùng méo mó khi người tiêu dùng chỉ đợi khuyến mãi mới mua sản phẩm, dịch vụ.
Cùng với quy mô GDP các đại đô thị ở Đông Nam Á không lớn như Ấn Độ và Trung Quốc khiến cho khoản đầu tư vào các quốc gia này không hiệu quả như mong đợi của giới đầu tư. Báo cáo “Southeast Asia: Resetting Expectations” của Lightspeed chỉ ra rằng tổng vốn đầu tư startup/giá trị kỳ lân được tạo ra trong giai đoạn 2014-2023 ở Trung Quốc là 582 tỉ USD/1.402 tỉ USD (tương đương gấp hơn 2,4 lần), Ấn Độ là 217 tỉ USD/337 tỉ USD (1,6 lần). Con số này ở Đông Nam Á là 94 tỉ USD/121 tỉ USD (1,3 lần).
Nhìn chung, Việt Nam với 100 triệu dân, đa phần là giới trẻ, thích công nghệ và tỉ lệ sử dụng internet chiếm hơn 50% dân số là miền đất hứa cho tất cả các công ty công nghệ đang tìm kiếm tăng trưởng đột biến. Ở chiều ngược lại, thị trường Việt Nam cũng rất khốc liệt do có nhiều người chơi, dẫn đến “đốt tiền” mà vẫn khó giữ được lòng trung thành của người dùng trong khi các công ty nội địa lại rất giỏi trong khoản này với chi phí tối ưu. Nói cách khác, cuộc chơi sẽ cực kỳ khó khăn đối với Bolt.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư