Công Nghệ

BVOT Group: Số hóa sự an toàn

Huy Vũ Thứ Năm | 07/09/2017 08:00

Nhân vật cung cấp

Theo ông Trần Hồng Ninh cho biết, BVOT Group đang đặt kỳ vọng giảm 50% số vụ tai nạn giao thông chết người trong 5 năm tới thông qua công nghệ HPT.
Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ nano Đại học Ilmenau (Đức) nhưng ông Trần Hồng Ninh, Tổng Giám đốc BVOT Group, lại đi theo một nghề hoàn toàn không “ăn nhập” gì với chuyên môn: mở bệnh viện chăm sóc ô tô. Sau 5 năm, BVOT hiện là đơn vị dẫn đầu trong việc tổ chức sự kiện giáo dục cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất và phân phối ô tô ở Việt Nam.

Phần mềm kiểm tra khả năng nhận diện tai nạn

Cách đây hơn 1 tuần, BVOT Group đã giới thiệu phần mềm HPT (Hazard Perception Test, tạm dịch là kiểm tra khả năng nhận diện tai nạn) phiên bản mới nhất tại hội nghị đào tạo kỹ năng lái xe cho hơn 200 tài xế công nghệ.

Cách thức hoạt động khá đơn giản, HPT là một trò chơi mô phỏng lại hành trình của các bác tài trên đường phố và yêu cầu họ chỉ ra những yếu tố nào có thể gây ra tai nạn. Mỗi yếu tố chọn đúng sẽ được điểm, yếu tố nào có nguy cơ tai nạn càng cao, điểm càng cao. Để tăng thêm tính thực tế, HPT còn đưa nhiều yếu tố môi trường vào như trời mưa, trời tối, đường trơn trượt...

Có thể nói HPT là xu hướng chung của nhiều nước phát triển trên thế giới. Như ở Anh, chương trình này được giới thiệu vào năm 2002 và đã giúp nước này giảm 11% tai nạn giao thông vào năm 2008, tiết kiệm gần 90 triệu bảng Anh. Ở Mỹ hay Úc, nhiều bang xem HPT là bài kiểm tra bắt buộc để có được giấy phép lái xe. Riêng ở Mỹ, HPT giúp giảm 30-40% vụ va chạm, theo thống kê năm 2010.

Điều này có vẻ trái ngược với ngành công nghiệp ô tô khi mà các chiếc xe xuất xưởng ngày càng hiện đại và trang bị nhiều tính năng an toàn hơn so với trước kia nhưng lại không được đánh giá là yếu tố hàng đầu trong việc đem lại an toàn cho những người tham gia giao thông. “Bởi đó là chiếc xe được trang bị, chứ người lái đâu có được trang bị”, ông Ninh cười nói.

BVOT Group: So hoa su an toan

Theo ông Ninh, có 4 bước nhận diện tai nạn: phát hiện rủi ro tiềm ẩn, đánh giá mức độ rủi ro, lựa chọn hành động và cuối cùng là hành động cụ thể như đánh lái để tránh hoặc đạp phanh. Trong đó bước đánh giá mức độ rủi ro là quan trọng nhất nhưng phần lớn các tài xế vẫn thực hiện bước 4 là hành động, tức để việc xảy ra rồi mới khắc phục. Với tốc độ trung bình 40 km/h, mỗi một giây ô tô đi được 11m và trong khoảng cách đó có sự cố thì phần lớn trường hợp xử lý không kịp. Đối với xe khách ở Việt Nam, khi xảy ra sự cố sẽ khó xử lý hơn vì lý do lợi nhuận kinh doanh, phần lớn các nhà xe đều thiếu hụt các chương trình an toàn thường niên dành cho tài xế bỏ qua các biện pháp an toàn.

Với HPT, BVOT Group mất hơn 2 năm nghiên cứu và phát triển, trong đó có 1 năm thu thập video các điểm đen tai nạn giao thông trên toàn quốc để chuyển vào hệ thống phân tích. Tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ đồng. Bởi theo ông Ninh, cách học nhanh nhất là từ kinh nghiệm hoặc sự cố của người khác. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, vào năm 2016, bình quân mỗi ngày Việt Nam có 24 người ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông, gây thiệt hại khoảng 250-300 tỉ đồng/ngày.

“Kỳ vọng của BVOT Group là nâng cao khả năng quan sát, dự đoán nguy cơ tai nạn cho tài xế, từ đó giảm 50% số vụ tai nạn giao thông chết người trong 5 năm tới”, ông Ninh nói.

Mô hình doanh nghiệp kiểu Đức

Ông Ninh có 5 năm học ở Đức trước khi về nước lập nghiệp. Tí Sài Gòn là biệt danh gia đình và bạn bè đặt cho ông những năm sinh viên. Năm 2011, Tí Sài Gòn lại nổi tiếng trong đám bạn bởi lý tưởng lập nghiệp không giống ai: viết cẩm nang về ắc quy, vỏ lốp xe...

Đam mê ngành công nghiệp xe hơi, ông Ninh về Việt Nam quyết theo nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này. Chính vì thế, ý tưởng đó của ông khá bất ngờ, một số người còn cho là không bình thường vì không thấy đầu ra cho việc viết cẩm nang. Nhưng có ai ngờ chính các cuốn cẩm nang chuyên sâu này đã giúp BVOT được các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, ô tô nước ngoài như BMW, FUSO, Michelin, GS, Bosch, 3M... đánh giá rất cao. Cũng từ đó, cái tên BVOT gắn liền với các sự kiện mang tính giáo dục an toàn trên toàn quốc.

Năm 2016, BVOT đã phối hợp với Michelin và Ủy ban An toàn Giao thông tổ chức Driver Care Day, ngày hội đầu tiên dành cho các bác tài, thu hút hơn 600 người tham gia. Video ngắn “Xin đừng gọi chúng tôi là hung thần” đã có 5.500 lượt chia sẻ trên Facebook. “Trong ngành ô tô và giao thông, 5 năm cũng là ngắn. Với mục tiêu dài hạn, chúng tôi phải đi từ bước cơ bản để tạo thương hiệu”, ông Ninh nói.

BVOT Group: So hoa su an toan

Để phát triển lâu dài, BVOT xác định đầu tư vào công nghệ nhằm tạo sự khác biệt. Theo đó, phần lớn doanh thu từ các sự kiện được dồn vào phát triển sản phẩm HPT và hệ thống tự động hóa quy trình hoạt động để tối ưu hóa chi phí. Bởi theo ông Ninh, trong một doanh nghiệp có 3 chi phí chính là phát triển thị trường, chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm và chi phí cố định. Hai chi phí đầu gần như không thể cắt giảm.

Theo đó, tất cảc các quy trình trong công ty từ chấm công, tính lương, phân công công việc, lên lịch họp... đều được tự động hóa. Hằng ngày, sẽ có một bản thống kê các công việc dự kiến được in ra cho từng nhân viên. Với cách làm này, BVOT có thể giải quyết khối lượng công việc của 10 người chỉ với 5 nhân viên.

Ông Ninh thừa nhận mô hình hoạt động BVOT đi theo các công ty vừa và nhỏ của Đức. Khác với các nước như Mỹ hay Anh, xương sống của nền kinh tế Đức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động theo hướng gia đình trị, thường được gọi là Mittelstand. Đặc điểm chung của nhóm này là tính chuyên môn hóa và khả năng tự động hóa rất cao. “Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình làm việc từ xa một ngày trong tuần”, ông Ninh hào hứng nói.

Trong tương lai gần, BVOT sẽ đưa ra phiên bản HPT dành cho người tham gia giao thông vì giống như các bác tài, khả năng nhận biết các yếu tố gây nguy hiểm của người đi đường còn hạn chế, nhất là trẻ em, học sinh cấp tiểu học. Ông Ninh cho biết đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận BVOT nhưng Công ty chưa quyết định vì chưa đúng thời điểm thích hợp.

Hiện tại, cùng với các doanh nghiệp, BVOT Group đang vận động các cơ quan ban ngành thành lập “Ngày bác tài Việt Nam”. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, cuối năm 2015, thị phần của vận tải đường bộ (gồm vận chuyển hành khách và hàng hóa) đạt đến 65%, nhưng tình trạng thiếu hụt tài xế vẫn chưa giải quyết triệt để. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa hằng ngày, lịch trình di chuyển bị phân bổ dày đặc hơn. Đồng nghĩa với việc các tài xế phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng hơn vì thời gian nghỉ ngơi ít hơn, số lượng chuyến cao hơn, tăng cường các chuyến xe chạy đêm...

“Các bác tài vừa là người giữ sinh mạng của người khác khi tham gia giao thông, vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Họ cần được tôn vinh chứ không nên bị xem là hung thần”, ông Ninh nói.

Huy Vũ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày