Công Nghệ

Canh bạc sức khỏe của Alphabet

Văn Quốc Thứ Sáu | 08/07/2022 08:00

Alphabet đã nhảy vào mảng chăm sóc y tế từ năm 2008 khi Google ra mắt một dịch vụ cho phép người sử dụng gom tất cả hồ sơ sức khỏe của họ ở một nơi. Ảnh: Getty images.

Alphabet là người chơi tham vọng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trị giá hàng ngàn tỉ USD.
Alphabet đã nhảy vào mảng chăm sóc y tế từ năm 2008 khi Google ra mắt một dịch vụ cho phép người sử dụng gom tất cả hồ sơ sức khỏe của họ ở một nơi. Ảnh: Getty images.

Tháng 11/2019 Alphabet, công ty mẹ của Google, đã gây sự chú ý khi chi 2,1 tỉ USD mua lại Fitbit (nhà sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe với 100 triệu người sử dụng), mở ra nhiều triển vọng mới cho công ty này trong ngành chăm sóc sức khỏe trị giá 3.600 tỉ USD mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ. Mới đây, một tính năng mới của Fitbit - một cảm biến theo dõi thay đổi bất thường của nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ và suy tim - cũng được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn vì sẽ rộng đường thông qua cho chiếc Pixel Watch cao cấp hơn của Google (sử dụng các công nghệ tương tự, dự kiến ra mắt vào mùa thu này) và các thiết bị khác.

Thương vụ Fitbit có vẻ như đang đi đúng lộ trình mà Alphabet vạch ra, khi từng bước trở thành một mảnh ghép quan trọng trong công cuộc chinh phục thị trường chăm sóc sức khỏe của tập đoàn này. Không chỉ Fitbit, giai đoạn 2019-2021 các bộ phận vốn mạo hiểm của Alphabet là Google Ventures và Gradient Ventures và bộ phận vốn đầu tư tư nhân CapitalG đã thực hiện khoảng 100 thương vụ trong lĩnh vực khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe, chiếm 25% tổng số thương vụ của Alphabet.

 

Bên cạnh Alphabet, 4 gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ cũng đang chi hàng tỉ USD vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Một số canh bạc đang cho ra kết quả. Amazon đang vận hành nhà thuốc online và các dịch vụ y tế từ xa khắp nước Mỹ. Đồng hồ thông minh của Apple luôn cập nhật các tính năng mới, gần đây là tính năng theo dõi dược phẩm. Meta ra mắt tính năng tập thể dục thông qua kính thực tế ảo Oculus. Microsoft tiếp tục mở rộng các sản phẩm điện toán đám mây liên quan đến sức khỏe. 

Tuy nhiên, Alphabet mới là người chơi tham vọng nhất trên thị trường này. Từ đầu năm đến nay Alphabet đã chi 1,7 tỉ USD vào các ý tưởng sức khỏe của tương lai, theo CB Insights, bỏ xa tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD của các đối thủ công nghệ lớn cộng lại. Alphabet cũng đứng thứ 5 trong Nature Index, một chỉ số đo lường tác động của các báo cáo khoa học đời sống, chỉ xếp sau 4 hãng dược lớn và bỏ xa Microsoft tới 20 bậc.

 

Alphabet đã nhảy vào mảng chăm sóc y tế từ năm 2008 khi Google ra mắt một dịch vụ cho phép người sử dụng gom tất cả hồ sơ sức khỏe của họ ở một nơi. Dự án này đã bị dẹp bỏ vào năm 2012, nhưng sau đó lại tái khởi động vào năm 2018 dưới cái tên Google Health (bao gồm các dự án y tế khác của Google), rồi một lần nữa bị giải thể vào năm ngoái. Hiện cuộc phiêu lưu vào mảng y tế của Alphabet có thể chia làm 4 mảng là thiết bị mang trên người, hồ sơ y tế, trí tuệ nhân tạo (A.I) liên quan đến sức khỏe và các ý tưởng đột phá giúp kéo dài tuổi thọ.

Tin vui là các dự án A.I của Alphabet đang bắt đầu đơm hoa kết trái. DeepMind (được Google mua lại năm 2014) đã sử dụng dữ liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) để tạo các công cụ chẩn đoán, như đào tạo thuật toán A.I giúp dò các căn bệnh về võng mạc. DeepMind đã thu hút sự chú ý vào năm ngoái với AlphaFold, một phần mềm có tính đột phá có thể dự đoán cấu trúc của protein. Alphabet cũng ra mắt công ty con Isomorphic Labs, với sứ mệnh sử dụng máy học để thúc đẩy quá trình khám phá các loại thuốc mới.

Tham vọng lớn nhất của Alphabet trong mảng y tế là làm chậm lại quá trình lão hóa, thậm chí ngưng lại quá trình này. Ý tưởng của Công ty là già hóa nên được xem là một vấn đề có thể được giải quyết nhờ áp dụng công nghệ đúng, chứ không phải là một sự thật bất biến của cuộc sống. Calico, một công ty con trong mảng khoa học đời sống, cũng đang nghiên cứu các căn bệnh liên quan đến già hóa. Năm ngoái thương vụ hợp tác 2,5 tỉ USD giữa Calico với các công ty như hãng dược AbbVie đã được kéo dài đến năm 2030. Một công ty con khác là Verily cũng đang hợp tác với L’Oréal (Pháp) để tìm hiểu sâu hơn tác động sinh học của quá trình già hóa đến làn da, từ đó làm ra các sản phẩm chăm sóc da tốt hơn.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Một trong số đó là vấn đề năng lực kỹ thuật, buộc DeepMind phải khai tử Streams - trợ lý A.I cho các bác sĩ. Tuy nhiên, dựa trên những tiến bộ về máy học, chỉ là vấn đề thời gian để các sản phẩm như Streams có thể hồi sinh.

Các trở ngại khác cũng không dễ vượt qua. Ở châu Âu, cơ quan chống độc quyền đã cấm Fitbit không được ưu ái điện thoại và hệ điều hành của Google, không được sử dụng dữ liệu người dùng để bán quảng cáo. Chính phủ các nước cũng lo ngại vấn đề xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt là thông tin y tế của người dùng. Mới đây DeepMind dính vào vụ kiện tập thể, cáo buộc hãng này lạm dụng dữ liệu bệnh nhân NHS. 

Một vấn đề nữa là các ý tưởng tốt chưa hẳn sẽ trở thành mảng kinh doanh tốt. Care Studio, sáng kiến mới của Google trong mảng hồ sơ y tế, đến nay chỉ có khoảng 200 phòng khám sử dụng. Còn Verily đã ký được các hợp đồng xét nghiệm COVID-19 trong suốt giai đoạn dịch bệnh nhưng giá trị ký được chỉ 50 triệu USD - một con số quá khiêm tốn so với tổng doanh thu hằng năm gần 260 tỉ USD của Alphabet. 

Ảnh: mixed.de
Hiện cuộc phiêu lưu vào mảng y tế của Alphabet có thể chia làm 4 mảng là thiết bị mang trên người, hồ sơ y tế, trí tuệ nhân tạo (A.I) liên quan đến sức khỏe và các ý tưởng đột phá giúp kéo dài tuổi thọ. Ảnh: mixed.de

Trong khi đó, DeepMind lần đầu tiên có lãi vào năm 2020 với mức lãi 59,6 triệu USD, doanh thu cũng tăng gấp hơn 3 lần. Tuy nhiên, đây không phải là điều khiến mọi người hào hứng. Bởi lẽ, DeepMind không hề bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, cũng không công bố bất kỳ thương vụ nào với các doanh nghiệp bên ngoài, ngoại trừ bán phần mềm và dịch vụ cho các công ty trong hệ sinh thái Alphabet. Một nguồn tin không muốn nêu tên của CNBC cho biết: “DeepMind không có nguồn thu nào. Tất cả nguồn thu của Công ty dựa trên số tiền Alphabet chi cho các dịch vụ nội bộ và mức chi trả đó thì hoàn toàn tùy ý”. 

Các dự án khác như Calico có thể phải mất nhiều năm mới có thể tạo ra doanh thu thực sự, nói chi đến lợi nhuận. Nhưng với tiềm lực tài chính mạnh, Alphabet hoàn toàn có thể theo đuổi đến cùng các canh bạc này, chỉ mong một ngày nào đó những dự án viển vông, những ý tưởng trong phòng thí nghiệm có thể mang đến đột phá thực sự cho Công ty.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày