Công Nghệ

Chính sách cho blockchain: Không thể chỉ nói suông

Hải Vân Thứ Ba | 29/05/2018 09:29

Người trong cuộc chỉ mong Việt Nam trở thành nước trung bình trong ASEAN về blockchain, nhưng điều này có khi khó đạt được.

→Việt Nam trong làn sóng Blockchain

→Blockchain Việt chinh phục thị trường Thái

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tại họp báo chiều 28.6, cho rằng, chính sách liên quan đến công nghệ blockchain sẽ được bổ sung và hoàn thiện hơn bởi những ghi nhận từ Diễn đàn “Vietnam Blockchain Summit 2018”, diễn ra vào ngày 8.6 tới, tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của NCĐT, Chủ tịch VECOM cho biết: “Vấn đề chính sách cho tiền ảo sẽ không được bàn tới, Vietnam Blockchain Summit 2018 chỉ đề cập đến chính sách ứng dụng blockchain vào các ngành kinh tế”.

Người đứng đầu VECOM cũng khẳng định với NCĐT: “Vietnam Blockchain Summit 2018 không liên quan đến Dự thảo Luật An ninh mạng đang trên bàn nghị sự của Quốc hội, cũng không liên quan đến Đề án của Chính phủ giao Bộ tư pháp xây dựng về quản lý tài sản ảo, tiền ảo”.  

Ảo tưởng về tiềm năng

Blockchain, một chuỗi các khối (block) thông tin kéo dài liên tục sử dụng công nghệ mã hóa để liên kết và bảo đảm an toàn, nhờ đó chống lại việc sửa đổi dữ liệu một cách hiệu quả. Ra đời năm 2008, đến nay blockchain đã trở thành ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực kinh tế.

Ở Việt Nam, người ta nói quá nhiều đến tiềm năng trở thành quốc gia đi đầu về blockchain trên thế giới. Nhưng điều này khiến ông Nguyễn Thanh Hưng, một người trong cuộc, bị “giật mình”. Theo ông, nếu Việt Nam muốn trở thành quốc gia dẫn đầu, hoặc đứng trong top 5, top 10 thế giới về blockchain, việc đầu tiên phải xem xét là đầu tư một nguồn lực tương xứng.

Ông Hưng vẫn nhớ, thời điểm năm 2000, từng ảo tưởng về sự thông minh, giỏi toán, giỏi lập trình của người Việt, từ đó quyết tâm đến năm 2015 sẽ xuất khẩu 500 triệu đô la phần mềm, theo Chỉ thị số 58/CT-TW của Văn phòng Trung ương về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gần 20 năm đã trôi qua, ông Hưng, người từng là Cục trưởng Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, nói rằng: “sự ảo tưởng đã giảm bớt nhưng vẫn còn”. Ông nói, chỉ mong “Việt Nam trở thành nước trung bình trong ASEAN về blockchain”, điều này có khi khó đạt được vì phải vượt qua Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Chưa có định hướng ở tầm vĩ mô

Blockchain tạo ra công nghệ nền tảng tương tự như công nghệ TCP/IP đối với sự phát triển của Intenet. Đồng thời có thể giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực còn non yếu như, dịch vụ logistics hay truy xuất nguồn gốc.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong một khảo sát đã ghi nhận nhiều dự đoán của chuyên gia, tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain, đồng thời các chính phủ sẽ thu thuế thông qua công nghệ này.

Chinh sach cho blockchain: Khong the chi noi suong

Tại Việt Nam hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế, dù Thủ tướng Chính phủ ngày 4.5.2017, đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạnh công nghệ 4.0.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin vẫn là “nút thắt”, cản trở tiến trình phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Theo báo cáo của Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin đang ở mức cao nhất trong lịch sử, với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016.

Tuy nhiên,  Vietnamworks cũng đưa dự báo đến năm 2018 ngành công nghệ thông tin sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 nhân sự, đến năm 2020 con số này sẽ lên đến 500.000 nhân sự.

Chính sách cho blockchain phát triển, ông Nguyễn Thanh Hưng nói "không thể chỉ nói suông". Việt Nam đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế số, đặc biệt là các kỹ năng và kiến thức liên quan trực tiếp nhất đến các hệ thống quản lý thông tin, quy trình thủ tục và việc sử dụng các nguồn lực mạng, như đám mây và quản trị trực tuyến.

Thách thức đối với các nhà làm chính sách và pháp luật ngày càng lớn, nó đến từ sự thay đổi của nền kinh tế số. Chủ tịch VECOM cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh hơn để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng blockchain.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày