Công Nghệ

Giải mã cơn sốt ChatGPT

Công Sang Thứ Hai | 06/02/2023 14:00

Theo The Economic Times, ChatGPT dự kiến đạt doanh thu 200 triệu USD vào năm 2023 và cán mốc 1 tỉ USD một năm sau đó. Ảnh: shutterstock.com

Cơn sốt ChatGPT đã thúc đẩy kỳ vọng về một làn sóng đầu tư vào các công ty trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.
Theo The Economic Times, ChatGPT dự kiến đạt doanh thu 200 triệu USD vào năm 2023 và cán mốc 1 tỉ USD một năm sau đó. Ảnh: shutterstock.com

Những đoạn văn bản hài hước hay khả năng làm thơ bằng trí tuệ nhân tạo (A.I) của ChatGPT đang giúp công nghệ này nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy kỳ vọng hút dòng vốn vào các công ty A.I trong thời gian tới.

Chatbot gây cuồng

Tháng 11/2022, khi thế giới đang đón cú sốc từ các lỗ hổng tài chính của FTX (sàn giao dịch sản phẩm phái sinh từ tiền điện tử) cũng là lúc ChatGPT, chatbot do Công ty OpenAI phát triển, ra mắt. ChatGPT là viết tắt của “chat-based generative pre-trained transformer”, được phát triển dựa trên mô hình kiến trúc GPT-3, ra mắt hồi tháng 5/2020, là thế hệ thứ 3 của mô hình dự đoán ngôn ngữ trong series GPT-n.

Nhận được những lời đánh giá có cánh từ Thung lũng Silicon và các nhà đầu tư Phố Wall, ChatGPT nhanh chóng đạt được 1 triệu người sử dụng chỉ trong 5 ngày đầu tiên ra mắt, dĩ nhiên là miễn phí, để biến nó trở thành sản phẩm tiêu dùng công nghệ được tiếp đón nhanh nhất trong lịch sử.

 

Các bài thơ, các câu chuyện cười được tạo ra từ ChatGPT nhanh chóng lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng phát cuồng trước sự thông thái của nó tới mức tin rằng kỷ nguyên máy móc thay thế con người đã bắt đầu. Chưa biết khả năng đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng từ ChatGPT như thế nào nhưng rõ ràng kỳ vọng đó có ích cho việc định giá của ChatGPT hay công ty mẹ của nó là OpenAI.

Theo The Economic Times, ChatGPT dự kiến đạt doanh thu 200 triệu USD vào năm 2023 và cán mốc 1 tỉ USD một năm sau đó. Cụ thể, theo website của OpenAI, Công ty sẽ tính phí các nhà phát triển sử dụng công nghệ của họ khoảng 1 cent hoặc hơn một chút để tạo ra 20.000 từ văn bản và khoảng 2 cent để tạo một hình ảnh từ lời nhắc bằng văn bản. Công ty được định giá 20 tỉ USD trong đợt bán cổ phần thứ cấp gần đây.

Thành công của ChatGPT là do lần đầu tiên một sản phẩm trí tuệ nhân tạo được phát hành mạnh mẽ ra cộng đồng, thay vì chỉ thử nghiệm hạn chế như trước. Thị trường ChatGPT rất tiềm năng khi mang lại “những lợi ích xã hội thú vị và chưa được biết đến”. Với doanh nghiệp, công cụ này có thể tăng đáng kể hiệu quả và năng suất bằng cách tự động hóa các tác vụ vốn thường tốn nhiều thời gian và công sức. Các nhà tiếp thị số và quản lý phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể sử dụng ChatGPT để xây dựng ý tưởng cho những chiến dịch tiếp thị và bài đăng trên các kênh truyền thông xã hội, tạo các bản tin email và quảng cáo. ChatGPT cũng có thể giúp họ có các ý tưởng để trả lời câu hỏi của khách hàng trên mạng xã hội.

“Khoảng 15-70% các công việc máy tính văn phòng mà chúng ta đang làm trong hiện tại hoàn toàn có thể được thay thế bởi A.I”, ông Mihir Shukla, CEO Công ty Automation Anywhere, nhận định.

Mặt trái của cơn sốt

Dĩ nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng đồng ý với định giá cao của OpenAI, nhất là khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty này là Google, đơn vị có nhiều năm thu thập dữ liệu để hoàn chỉnh A.I cho mình.

Thực tế, The Economic Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng mặc dù OpenAI công bố xây dựng mô hình phân tích dữ liệu như Google nhưng kết quả chưa chính xác hoặc không phù hợp. Thậm chí chính công ty này cũng cảnh báo người sử dụng rằng ChatGPT đôi khi có thể tạo ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch.

Hiện tại, ChatGPT vẫn chưa khả dụng tại Việt Nam, mà mới chỉ có thể sử dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... Nhiều người dùng ở Việt Nam đã đổi VPN, thuê số điện thoại ở nước ngoài để được trải nghiệm sớm siêu A.I này.

 

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về ChatGPT cũng xuất hiện nhiều trên các trang Facebook của người Việt ở Âu, Mỹ, châu Á. Nhiều ý kiến cho rằng các công cụ A.I như ChatGPT đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức và xã hội. Trong số các vấn đề tiềm ẩn lo ngại là A.I có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc làm gián đoạn các tổ chức và dịch vụ hiện có, chẳng hạn như ChatGPT có thể bị lợi dụng để viết đơn xin việc, bài luận ở trường học. Cũng có những câu hỏi xung quanh việc vi phạm bản quyền và những lo ngại về quyền riêng tư, vì các hệ thống này thường kết hợp dữ liệu được thu thập một cách phi đạo đức từ người dùng internet.

Đó cũng là lý do các chuyên gia cho rằng ChatGPT là một bản demo để thu thập dữ liệu miễn phí từ người sử dụng nhằm hoàn thiện khả năng phân tích cho A.I. Nhưng có một sự thật mà những người ủng hộ công nghệ A.I có thể không muốn biết là mặc dù được tung hô trong nhiều năm nhưng vốn vào các công ty A.I lại không hấp dẫn đến vậy.

Theo PitchBook, quý II/2022 nguồn vốn vào các công ty công nghệ giảm 25% còn 131 tỉ USD, trong khi vốn vào các công ty A.I giảm tới 44%, chỉ còn 18,8 tỉ USD. Còn theo thống kê của Statista, kể từ khi đạt đỉnh vào quý III/2021 với 17,9 tỉ USD, đầu tư vào các công ty A.I đang giảm dần và tiến sát mốc hơn 10,4 tỉ USD hồi quý IV/2020.

Thành công của ChatGPT là do lần đầu tiên một sản phẩm trí tuệ nhân tạo được phát hành mạnh mẽ ra cộng đồng, thay vì chỉ thử nghiệm hạn chế như trước. Ảnh: TL
Thành công của ChatGPT là do lần đầu tiên một sản phẩm trí tuệ nhân tạo được phát hành mạnh mẽ ra cộng đồng, thay vì chỉ thử nghiệm hạn chế như trước. Ảnh: TL

Nguyên nhân, theo ông Brendan Burke, nhà phân tích cao cấp về công nghệ mới nổi của PitchBook, là do các công ty A.I không đạt được kỳ vọng về doanh thu. Điều đó cho thấy A.I trong toàn doanh nghiệp vẫn chưa tạo ra được mức tăng trưởng cao. “Chính vì buộc phải đánh giá lại một số mô hình kinh doanh”, ông Burke nói.

Mồi lửa đã cháy

Bất kể các tranh cãi xung quanh định giá và chiến lược kinh doanh của ChatGPT, nó cũng sẽ được nhắc đến thường xuyên hơn trong thời gian tới vì đơn giản, thế giới công nghệ cần các câu chuyện hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Nhìn lại quá khứ, trước ChatGPT, thế giới từng phát cuồng với câu chuyện khởi nghiệp của Travis Kalanick, nhà sáng lập Uber hay gần đây nhất là Sam Bankman-Fried của FTX, mà đứng sau đó là mô hình kinh tế chia sẻ và công nghệ blockchain.

 

Tuy nhiên, cả 2 đã rơi vào thoái trào sau một thời gian dài hưng phấn. Với kinh tế chia sẻ, sự thua lỗ của Vision Fund thuộc SoftBank - quỹ đầu tư giàu tiềm lực và hăng hái ủng hộ mô hình này nhất của tỉ phú Masayoshi Son - đã chấm dứt niềm tin của các nhà đầu tư. 

Theo Bloomberg, Quỹ Vision Fund đã thua lỗ 7,2 tỉ USD vì những khoản đầu tư vào các công ty công nghệ dẫn đầu mô hình kinh tế chia sẻ như WeWork (chia sẻ văn phòng), Didi Chuxing, Uber (chia sẻ xe) hay Oyo (chia sẻ khách sạn)... Thậm chí việc bán một phần cổ phiếu Alibaba Group Holding và các tài sản khác để huy động 41 tỉ USD của ông Son cũng không cứu vãn được tình hình.

Mô hình sàn giao dịch tiền mã hóa cũng không khá hơn. Khi mà cú sốc Luna vẫn chưa dứt thì sự sụp đổ của FTX là giọt nước tràn ly đối với các nhà đầu tư. Điều này dẫn đến các khoản đầu tư mạo hiểm vào blockchain bị ảnh hưởng nặng nề. Theo CoinDesk, nếu như năm 2021, dòng vốn đổ vào các công ty blockchain là 25,2 tỉ USD thì năm 2022, số vốn huy động được chỉ đạt 1/3 mà thôi.

Khá thú vị, trong khi nhiều công ty công nghệ gặp khó khăn trong việc gọi vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm lại huy động vốn cho các quỹ mới rất dễ dàng. Như Chalo Ventures thành lập quỹ thứ 2 trị giá 50 triệu USD, Alaya Capital huy động 80 triệu USD cho quỹ thứ 3, Golden Section cũng công bố 80 triệu USD cho quỹ mới, Lightspeed Venture công bố quỹ 500 triệu USD cho Ấn Độ và Đông Nam Á...

Kết quả của nguồn vốn khá dồi dào là cuộc săn tìm các công ty hấp dẫn để giải ngân. Và như đã đề cập ở trên, cần một câu chuyện thú vị để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

 

Đối với kinh tế chia sẻ, khó ai có “can đảm” tham gia đầu tư khi chứng kiến tình cảnh thua lỗ ở Vision Fund. Blockchain thì chưa thể vực dậy niềm tin nhà đầu tư trong khi các công nghệ NFT, Web3 cần thời gian để phát triển. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, sự sụt giảm giá trị của Sea (Singapore) hay GoTo (Indonesia) cũng khiến nhà đầu tư chùn bước. B2B startup thì mang tính địa phương cao và bản chất các công ty này cũng đang bị chậm dòng tiền do đối tác nợ nần vì kinh tế khó khăn.

Trong bối cảnh đó, A.I có lợi thế hơn vì đã được nhiều công ty theo đuổi và giờ là lúc thương mại hóa nó. Nhất là khi công nghệ này đạt được tính “thời thượng” trong bối cảnh hiện nay khi mà nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể cắt giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo khả năng vận hành của doanh nghiệp.

Nhà phân tích Brendan Burke tại PitchBook cho biết, các khoản đầu tư mạo hiểm vào công ty A.I đang bắt đầu có xu hướng nhắm tới những ứng dụng A.I có khả năng thương mại ngắn hạn, chẳng hạn như chuẩn bị dữ liệu, tự động hóa quy trình bằng robot, thị giác máy tính, quản lý cơ sở dữ liệu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
“Trong những tháng tới, một số công ty khởi nghiệp A.I có thể sẽ được mua lại vì không huy động được vốn và trở thành một phần của các nền tảng lớn hơn”, ông Burke nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày