Công Nghệ

Google và Alphabet: Bình mới, rượu không cũ

Thứ Hai | 17/08/2015 08:30

Vì sao giá cổ phiếu của Google tăng 6% ngay khi Larry Page công bố quyết định thành lập Alphabet?

Hôm 10.8 vừa qua, tổng giám đốc Larry Page của Google đã làm cả giới công nghệ sửng sốt khi công bố thành lập một công ty holdings mang tên Alphabet, đồng thời biến Google thành công ty con của Alphabet. Theo kế hoạch này, bộ ba lãnh đạo Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt của Google sẽ tiếp tục nắm quyền lực cao nhất tại Alphabet. Ngoài ra, một loạt công ty con khác của Google như Nest, Calico, Google Ventures và Google Capital cũng sẽ được chuyển đổi thành các công ty con của Alphabet, ngang hàng với Google.

Cú đặt cược khôn ngoan

Trong thông báo của mình, Larry Page giải thích rằng cái tên Alphabet (bảng chữ cái) là tượng trưng cho mảng kinh doanh tìm kiếm của Google. Ngoài ra, đây cũng là cách chơi chữ bởi Alpha-bet (cú đặt cược Alpha) là một thuật ngữ nói về món đầu tư sinh lời cao hơn nhiều so với bình thường.

Theo mô hình 6 giai đoạn phát triển doanh nghiệp của Greiner, có thể nói Google đã đi đến giai đoạn cuối cùng là “Khủng hoảng bản sắc”, bởi có trong tay hàng loạt sản phẩm và dịch vụ mới đi khá xa khỏi sản phẩm gốc là tìm kiếm trực tuyến. Thành lập Alphabet là một cách để Google di chuyển các dự án nhiều thử thách và rủi ro như Calico (công nghệ sinh học), Fiber (cung cấp đường truyền internet tốc độ cao) và Nest (công nghệ nhà thông minh) ra bên ngoài.

Một nguyên nhân quan trọng nữa của việc tái cấu trúc lần này là nâng cao tính minh bạch trong các báo cáo tài chính của Google. Hiện trong báo cáo doanh thu của mình, Google chỉ có vỏn vẹn 3 mục là “Doanh thu từ các website của Google”, “doanh thu từ các đối tác quảng cáo” và “các khoản doanh thu khác”. Bằng việc tách bạch các mảng kinh doanh rõ ràng hơn trong cấu trúc mới của Alphabet, giới đầu tư sẽ có được cái nhìn chuẩn xác hơn về tình hình kinh doanh của Tập đoàn. Ðây cũng là lý do chính khiến cho giá cổ phiếu của Google tăng 6% ngay khi Larry Page công bố quyết định thành lập Alphabet.

Ngoài ra, việc thành lập Alphabet còn có một tác dụng quan trọng cho các hoạt động M&A sắp tới của Google. Nhiều năm nay, Google thường xuyên bị mang tiếng là hay giải thể hoặc cắt giảm biên chế hàng loạt tại các công ty khởi nghiệp (start-up) mà họ thâu tóm. Giờ đây, trong bản thông báo thành lập Alphabet, Larry Page hứa hẹn sẽ dành cho các công ty con này nhiều quyền độc lập hơn. Đổi lại, Page cũng muốn các công ty này phải tự thân vận động và không được dựa dẫm vào thương hiệu Google nhiều như trước nữa, nhằm phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng tới con gà đẻ trứng vàng của cả Tập đoàn.

Chọn mặt gửi vàng

Đi kèm với việc thành lập Alphabet, Larry Page cũng đã quyết định giao lại cương vị Tổng Giám đốc Google cho Sundar Pichai, người đang giữ chức Giám đốc Sản phẩm. Trong quá trình 11 năm làm việc tại Google, Pichai đã lần lượt giữ vai trò phát triển một loạt sản phẩm chủ lực của Google như thanh công cụ Google Toolbar, dịch vụ Gmail, trình duyệt Chrome và hệ điều hành di động Android.

Chỉ 2 năm sau khi gia nhập Google, Pichai đã có cơ hội chứng tỏ năng lực vào cuối năm 2006. Ngày 18.10.2006 được xem là một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử Google, vì đó là ngày mà Microsoft lẳng lặng thay đổi trang tìm kiếm mặc định trên Internet Explorer (IE) của họ từ Google thành Bing, một sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Microsoft. Chỉ với một bước đi như vậy, Google bất thình lình phải đối mặt với nguy cơ hàng trăm triệu người dùng IE trên khắp thế giới sẽ chuyển qua dùng Bing thay cho Google.

“Trời thử lòng trao cho mệnh lớn”, đây chính là lúc Pichai bắt đầu trở thành người hùng của Google. Thanh công cụ Google Toolbar do Pichai quản lý, vốn trước đây chỉ đóng vai diễn viên phụ, trở thành nhân tố hàng đầu để giữ chân người dùng IE lại với Google. Pichai nhanh chóng ký kết hợp đồng với một loạt nhà sản xuất máy tính để các máy tính mới đều có cài đặt sẵn Google Toolbar và trang tìm kiếm mặc định Google. Động thái này đã mang lại cho Pichai cùng các đồng nghiệp đủ thời gian để xây dựng và hoàn thiện trình duyệt Google Chrome vào năm 2008. Ngày hôm nay, Chrome đã soán ngôi IE để trở thành trình duyệt thông dụng nhất thế giới.

Kinh nghiệm thương thảo về việc cài đặt Google Toolbar với các nhà sản xuất phần cứng cũng chính là nguồn kinh nghiệm vô giá cho Pichai sau này, khi ông tiếp tục phát triển dòng laptop giá rẻ Chromebook và hệ điều hành Android. Nhiều người đã đánh giá rằng nếu không có tài ngoại giao của Pichai, Google đã không thể giữ lại được đối tác khó chiều Samsung trong vai trò lá cờ đầu cho Android.

Với một nhà lãnh đạo đầy cá tính và rất khó đoán trước như Larry Page, Pichai được xem là người thông ngôn không thể thiếu giữa Page và tập thể Google. Một nguồn tin nội bộ đánh giá, “quản lý Page” là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của Pichai.

Theo một chuyện kể, có lần Page bất thình lình xông vào giữa một cuộc họp quan trọng, nói một loạt những chuyện vĩ mô hầu như không liên quan gì đến đề tài thảo luận. Sau đó Page nhanh chóng đi ra mà không thèm trả lời câu hỏi nào, khiến cho mọi người đều ngơ ngác không biết nói gì. 60 giây sau đó, Pichai đứng dậy và bắt đầu từ tốn giải thích: “Theo tôi, ý của Larry là như thế này...”. Ngay cả Page cũng thừa nhận: “Bấy lâu nay Pichai vẫn hay nói thay (và đôi lúc là hay hơn) những gì tôi muốn nói”.

Với việc lên nắm quyền lãnh đạo Google, Pichai tiếp tục củng cố trào lưu sếp Ấn Độ nắm quyền lực ở một loạt tập đoàn đa quốc gia lớn. Ðó là Satya Nadella ở Microsoft, Rajeev Suri ở Nokia, Ajay Banga ở Mastercard hay Indira Nooyi ở PepsiCo. Ngay như trước khi Satya Nadella lên làm Tổng Giám đốc của Microsoft, đã từng có nhiều lời đồn đại rằng Pichai sẽ là ứng cử viên số một cho vị trí này.

Một số nghiên cứu gần đây về văn hóa lãnh đạo quốc tế đã cho thấy rằng, các nhà quản lý người Ấn Độ thường nổi trội hơn những đồng nghiệp người Mỹ về khả năng xây dựng sự đồng thuận và hợp tác trong tập thể công ty. Khi Google đã trở thành một đại tập đoàn với hơn 57.000 nhân viên trên toàn cầu, rõ ràng việc có được một nhà lãnh đạo với những khả năng như vậy là cực kỳ cần thiết. Các nguồn tin trong nội bộ Google cũng cho biết việc Page trọng dụng và cất nhắc Pichai trong những năm gần đây đã khiến cho họ cực kỳ an tâm về tầm nhìn và khả năng sử dụng nhân tài của Page.

Page sẽ làm gì tiếp theo?

Larry Page vốn là một người ham thích sự mạo hiểm trong những dự án đầy chất viễn tưởng. Tại Google đã có hẳn một bộ phận mang tên Google X chuyên nghiên cứu các dự án như xe hơi không người lái (Project Self-Driving Car), giao hàng nhanh bằng máy bay điều khiển từ xa (Project Wing) và cung cấp internet cho toàn thế giới bằng khinh khí cầu (Project Loon). Rõ ràng là khi Page có thể được tung hoành với những ý tưởng như vậy, thì ngay cả công việc điều hành Google cũng đã trở thành một điều quá đỗi bình thường với ông. Chính vì vậy, việc đưa một “phó tướng” tin cẩn như Pichai lên làm Tổng Giám đốc của Google cũng là cách để Page giải phóng quỹ thời gian của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tuyên bố thành lập Alphabet, Page đã nhắc lại một câu trong thư gửi cổ đông vào dịp IPO của Google hồi năm 2004: “Đừng ngạc nhiên nếu thấy chúng tôi đặt cược vào những lĩnh vực rất lạ lùng và không liên quan gì tới các mảng kinh doanh hiện tại”. Và sau đó Page nói thêm: “Nhiều thứ điên rồ mà chúng tôi từng làm như Google Maps, YouTube, Chrome và Android giờ đều đã có hơn 1 tỉ người dùng. Chúng tôi chưa dừng lại ở đó, và vẫn đang cố gắng tiếp tục làm những điều mà người khác nghĩ là điên rồ, còn tôi thì lại thấy là cực kỳ hấp dẫn”.

Và bạn có biết rằng, vào tháng 7 vừa qua, một công ty do Page đầu tư là Planetary Resources đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên, với một nhiệm vụ đơn giản là tìm hiểu tính khả thi của việc khai thác khoáng sản ngoài vũ trụ?

Tuấn Minh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày