Công Nghệ

Grab gọi tăng trưởng

Quỳnh Như Thứ Năm | 27/06/2024 07:30

Grab đang kỳ vọng tăng trưởng từ sự phục hồi du lịch.

Những thách thức cho Grab ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại...
Grab đang kỳ vọng tăng trưởng từ sự phục hồi du lịch.

Gần đây, Grab đã phát đi thông báo sẽ ngừng hoạt động ví điện tử Moca, bắt đầu từ ngày 1/7. Quyết định này của Grab diễn ra trong bối cảnh Công ty đang phải duy trì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận từ mảng gọi xe và giao đồ ăn.

Áp lực lợi nhuận 250 triệu USD

Dịch vụ giao đồ ăn đang là lĩnh vực mang lại doanh thu chủ đạo cho Grab. Theo báo cáo của Momentum Works, Grab ước tính chiếm 55% tổng giá trị giao dịch (GMV) của ngành giao nhận đồ ăn trên các nền tảng ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, tương đương 9,4 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm trước. Trong khi đó, báo cáo của iPOS cho biết quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 2,06 tỉ USD, tăng 20% so với năm trước. Miếng bánh thị phần trong năm qua được chia tương đối đồng đều cho 2 đơn vị lớn nhất là Grab và ShopeeFood, lần lượt chiếm 47% và 45%.

“Với sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm F&B (thực phẩm và đồ uống), tỉ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và xu hướng sáp nhập đang diễn ra, các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực có rất nhiều dư địa để phát triển”, ông Jianggan Li, CEO Momentum Works, nhận xét.

Quý I/2024 Grab ghi nhận doanh thu giao hàng đạt 350 triệu USD, tăng 19% so với mức 294 triệu USD cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sức đẩy từ hoạt động kinh doanh giao đồ ăn. Theo đó, Công ty điều chỉnh EBITDA năm 2024 lên 250-270 triệu USD từ mức 180-200 triệu USD.

Trước sự mở rộng của đối thủ cạnh tranh và động thái mới của các đối tác nhà hàng, việc Grab tập trung vào mảng mang lại doanh thu cốt lõi là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh hầu hết các thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều chững lại.

Cách đây vài tháng, chị Ngọc Oanh, chủ một tiệm trà sữa ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM), quyết định dừng bán hàng trên GrabFood. Tuy nhiên, chị vẫn duy trì bán hàng trên một nền tảng giao đồ ăn khác với mức phí chiết khấu thấp hơn. Để có lượng đơn hàng ổn định, chị Oanh cho biết phải đầu tư thêm chi phí quảng cáo. Được biết, phí chiết khấu cho nền tảng giao thức ăn rất cao, lên tới 25-30%/đơn hàng; cộng thêm chi phí cho quảng cáo, mức chiết khấu trung bình trên ứng dụng thường dao động từ 30-35%/đơn hàng. “Sau khi ngừng bán hàng trên GrabFood, tôi chủ yếu bán trực tiếp và dựa vào lượng khách quen”, chị Oanh nói.

Chiết khấu cao đến từ việc Công ty sử dụng chiến lược “đốt tiền” để tạo tăng trưởng và giờ đây phải duy trì để đạt lợi nhuận theo cam kết với nhà đầu tư. Có thể thấy, mức phí chiết khấu của các nền tảng đang là rào cản để các doanh nghiệp tham gia. Báo cáo iPOS cũng chỉ ra năm 2023 đã chứng kiến sự mở rộng về quy mô của ứng dụng ShopeeFood tại các thành phố loại 2 và 3. Không chỉ vậy, với gần 43% doanh nghiệp hợp tác sử dụng, ShopeeFood đang nhỉnh hơn 2% so với GrabFood.

Đi tìm tăng trưởng

Hầu hết các doanh nghiệp F&B kinh doanh trên các nền tảng gọi đồ ăn thừa nhận GrabFood và ShopeeFood đem lại nguồn doanh thu cao nhất cho cửa hàng với tỉ lệ tương đối cân bằng, khoảng 41%. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận xu hướng “ngại” bán hàng trên nền tảng giao đồ ăn, khi có đến 46,9% doanh nghiệp F&B cho biết không sử dụng ứng dụng giao đồ ăn.

Theo báo cáo của iPOS, mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng giao đồ ăn, thị phần doanh nghiệp sử dụng nền tảng trong năm 2023 (với điều kiện phát sinh ít nhất 5 đơn hàng mỗi tuần) gần như giữ nguyên so với năm 2022, chỉ 53,1%. Số lượng cửa hàng ngừng hoạt động nhiều trong khi các cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao.

Thực tế, dù ngại lên trực tuyến, các cửa hàng F&B vẫn cần một bên thứ 3 để kết nối với các khách hàng có nhu cầu đặt món từ xa. Do đó, thay vì đưa nhà hàng lên ứng dụng giao đồ ăn, các chủ quán lại lựa chọn sử dụng dịch vụ giao nhận của nền tảng để tiết kiệm chi phí giao hàng.

Và đây hoàn toàn là lợi thế để Grab có thể tham gia cuộc chơi “chiều lòng” những chủ quán không có nhu cầu bán hàng trên GrabFood, bởi ngoài mảng giao nhận đồ ăn, thì dịch vụ vận chuyển và giao hàng nội đô cũng là thế mạnh của Công ty.

 

Báo cáo kinh doanh quý I/2024 của Grab ghi nhận GMV tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhu cầu giao hàng và di chuyển của người dùng tăng. Bên cạnh doanh thu từ mảng giao hàng nói chung, dịch vụ gọi, đặt xe của Công ty cũng tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, một số công ty lớn đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận sau thời gian dài thua lỗ vì đốt tiền cho tăng trưởng. Hầu hết các nền tảng dẫn đầu về thị phần đều đã đạt được hoặc đang trên đà đạt được mức hòa vốn EBITDA đã điều chỉnh, với một số mục tiêu là đạt được dòng tiền dương vào năm 2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lợi nhuận không phải lúc nào cũng cố định, buộc các nền tảng phải liên tục cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận bền vững.

Ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam, cho biết với xu hướng du lịch đang dần trở lại, Grab tìm kiếm tăng trưởng tại các thành phố du lịch như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang... nhờ vào tận dụng mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp của Grab ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. 

Với dịch vụ gọi, đặt xe, hãng công nghệ xây dựng các hàng ghế đá có chứa mã QR Code ở các thành phố du lịch, là công cụ để tài xế định vị vị trí khách hàng gọi xe. Ý tưởng này giúp Grab giải quyết đồng thời bài toán vận hành và truyền thông trong công cuộc khai phá thị trường mới.

Trong khi đó, vẫn chưa rõ chiến lược của Grab trong việc đưa GrabFood thâm nhập vào các thành phố du lịch, nhưng bài toán tiếp cận các khu vực từng ít sử dụng nền tảng giao nhận đồ ăn đã và đang được Công ty giải quyết thông qua dịch vụ bếp ăn trung tâm GrabKitchen. Mô hình này là giải pháp cho câu chuyện mặt bằng, logistics và truyền thông của các doanh nghiệp tham gia. 

Dù chi phí tham gia có thể cao, nhưng so với chi phí mà các chủ nhà hàng phải bỏ ra để thử nghiệm quán ăn ở các thành phố du lịch thì lại thấp hơn rất nhiều. Minh chứng cụ thể là mô hình GrabKitchen đang hoạt động tại các quận từng có tần suất sử dụng dịch vụ giao nhận đồ ăn ít như Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh và Tân Bình. “Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi, các công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, ông Li nói. 
Do đó, sẽ không có gì bất ngờ nếu một ngày nào đó mô hình GrabKitchen xuất hiện tại các thành phố du lịch.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày