Công Nghệ

Joolux tìm giá mới cho hàng hiệu cũ

Huy Vũ Thứ Sáu | 06/01/2023 07:30

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, nhiều hãng thời trang xa xỉ vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng. Ảnh: TL

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, nhiều hãng thời trang xa xỉ vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng như Louis Vuitton, Christian Dior hay Berluti của thương hiệu LVMH.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, nhiều hãng thời trang xa xỉ vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng. Ảnh: TL

Với quy mô đạt 5 tỉ USD, thị trường hàng hiệu xa xỉ đã qua sử dụng ở Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ tham gia.

“Quý I/2023, chúng tôi sẽ đưa ứng dụng định giá hàng hiệu Joolux ra mắt thị trường”, ông Tạ Xuân Hiển, sáng lập Công ty Joolux, cho biết.

Định giá đồ hiệu bằng điện thoại

Quyết định này, theo ông Hiển, sẽ giúp khách hàng thẩm định hàng hiệu cũ với mức phí hợp lý, trước mắt là mặt hàng túi xách. Về phần mình, dịch vụ thẩm định hay nói chính xác hơn là hệ thống thẩm định của Joolux sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.

Thành lập từ năm 2018 đến nay, ông Hiển cho biết quy trình thẩm định túi xách đã đạt đến tỉ lệ 99% công đoạn xử lý bằng hệ thống cho 20 thương hiệu túi xách hàng hiệu. Đồng hồ, vốn phức tạp hơn, đang xử lý được khoảng 70% công đoạn. Việc tung ra thị trường vào thời điểm này của Joolux là cách đón đầu nhu cầu tăng trưởng về mua sắm hàng xa xỉ đã qua sử dụng ở Việt Nam.

 

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, nhiều hãng thời trang xa xỉ vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng như Louis Vuitton, Christian Dior hay Berluti của thương hiệu LVMH. Marc Jacobs (Mỹ) cũng chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết có 2 nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều hàng hiệu đổ bộ vào Việt Nam. Thứ nhất, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam hiện tương đối thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông hoặc Tokyo. Thứ 2, thu nhập bình quân của Việt Nam những năm qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu là nam châm thu hút các nhãn hàng này.

Đây là cơ sở cho thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng trưởng mạnh ở Việt Nam trong các năm tới. Theo Carousell Recommerce Index 2021, thị trường bán hàng đã qua sử dụng tại Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 1,1 tỉ USD và sẽ đạt mốc 5 tỉ USD trong khoảng 2 năm nữa. Các mặt hàng hàng hiệu như túi xách, đồng hồ là nhóm đóng góp phần lớn giá trị cho thị trường này. Theo Statista, thị trường hàng hiệu tại Việt Nam có quy mô khoảng 1,1 tỉ USD vào năm 2025 với CARG là 6,7%. Quy mô hàng hiệu đã qua sử dụng chiếm 15% thị trường, khoảng 150 triệu USD.

Theo Carousell Recommerce Index 2021, thị trường bán hàng đã qua sử dụng tại Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 1,1 tỉ USD. Ảnh: TL
Theo Carousell Recommerce Index 2021, thị trường bán hàng đã qua sử dụng tại Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 1,1 tỉ USD. Ảnh: TL

Chính vì thế, không chỉ Joolux, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang rục rịch tham gia thị trường Việt Nam, Ox Luxe, nền tảng kinh doanh hàng hiệu đã qua sử dụng của Carousell (Singapore), công ty mẹ của Chợ Tốt cũng có kế hoạch đưa chuỗi này về Việt Nam trong năm sau. Hay như Vestiaire Collective, startup của Pháp, sau khi huy động được hơn 210 triệu USD cũng đang hướng về châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu mới đang tăng trưởng mạnh.

Dễ vào, dễ ra

Không phải đến bây giờ các công ty ứng dụng công nghệ thẩm định hàng hiệu đã qua sử dụng mới sôi động ở thị trường Việt Nam. Năm 2019, một doanh nghiệp Việt Nam là Re.loved cũng ra mắt ứng dụng thẩm định hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Trước đó không lâu, Reebonz (Singapore) cũng gia nhập thị trường nhưng cũng ngừng hoạt động ở Việt Nam do phải giải quyết món nợ của 11 người bán hơn 30.000 đô la Singapore (hơn 500 triệu đồng). Theo The Straits Times, trước đó 1 năm, Reebonz đã bị hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Nasdaq (Mỹ) do không duy trì được giá cổ phiếu tối thiểu 1 USD trong hơn 30 ngày.

 

Cho đến nay, việc rút khỏi thị trường Việt Nam của Reebonz, Re.loved vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân từ chính Công ty hay do việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này không hiệu quả như các nhà sáng lập công ty kỳ vọng. Cơ bản, nguồn thu của các nền tảng bán hàng xa xỉ đến từ việc thẩm định, mua bán ký gửi và bảo dưỡng, bảo trì theo yêu cầu của khách hàng. Dù mua bán ký gửi có tỉ suất lợi nhuận cao nhất, nhưng ở Việt Nam, để trở thành nơi mua sắm uy tín, trước tiên phải là nơi thẩm định uy tín.

“Đây là dịch vụ khá rủi ro, vì doanh thu rất nhỏ so với giá trị món hàng nếu thẩm định sai”, ông Hiển nói. Ngay cả việc mua bán ký gửi, phải làm thế nào để đảm bảo hàng khách gửi vào đến lúc bán ra vẫn giữ nguyên hiện trạng cũng rất khó. Dù đã thấy vết xe đổ của Reebonz, nhưng ông Hiển vẫn tin công nghệ là cốt lõi cho mô hình thẩm định và nó có thể mở rộng sang các thị trường lân cận.

Để giải quyết bài toán này, Joolux dùng hình ảnh và thuật toán để thẩm định món hàng. Lấy ví dụ về túi xách, một trong những cách thẩm định là dùng công nghệ phóng to hình ảnh lên 300-400 lần và chụp lại bề mặt túi, rồi dùng chúng so sánh với dữ liệu về da của mẫu túi thật để xác định nguồn gốc. 

Tương tự như vậy, để giải quyết bài toán lưu trữ hàng hóa, hình ảnh chứng minh nguồn gốc, tính vẹn toàn của sản phẩm khi đưa vào Joolux ký gửi sẽ được lưu lại làm bằng chứng để đối chiếu lúc bán cho khách hàng. Cho đến nay, Joolux là đơn vị duy nhất ở Việt Nam cung cấp dịch vụ thẩm định dựa trên công nghệ còn tồn tại và chưa có nhiều giải pháp tương tự trên thị trường để so sánh. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi các công ty nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Ai có công nghệ thẩm định tốt hơn, người đó sẽ có lợi thế. “Chúng tôi tự tin vì đã tồn tại trong thị trường hơn 4 năm”, ông Hiển nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày