Công Nghệ

Mỹ - Trung “săn mây” ở Đông Nam Á

Văn Quốc Thứ Tư | 08/09/2021 08:30

Trung tâm dữ liệu của Facebook cũng chỉ là một trong rất nhiều trung tâm dữ liệu mà các gã khổng lồ công n ghệ toàn cầu đang xây dựng tại Đông Nam Á.Ảnh: axios.com.

Thị trường đám mây Đông Nam Á đang là chiến trường chính trong cuộc so găng Mỹ - Trung.
Trung tâm dữ liệu của Facebook cũng chỉ là một trong rất nhiều trung tâm dữ liệu mà các gã khổng lồ công n ghệ toàn cầu đang xây dựng tại Đông Nam Á.Ảnh: axios.com.

Một công trình khổng lồ trên diện tích 170.000 m2 đang dần hình thành ở Tanjong Kling, cách trung tâm thành phố của Singapore khoảng 20 phút chạy xe. Công trình tòa nhà 11 tầng này trông giống như một trung tâm logistics hoặc một kho hàng. Tuy nhiên, các nhóm tuần tra nghiêm ngặt và camera giám sát được cài đặt xung quanh cho thấy tòa nhà không đơn giản như vẻ bề ngoài. Khi một phóng viên lấy smartphone ra để chụp hình công trường đang xây dựng, một nhân viên an ninh đã tiến đến cảnh báo “nơi này là đất tư nhân, không cho phép chụp hình”. 

Một khi hoàn thành, “mảnh đất tư nhân” này sẽ đầy ắp vô số máy chủ chứa thông tin cá nhân nhạy cảm của hàng trăm triệu người sử dụng internet. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Facebook tại châu Á. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã công bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào dự án này.

Trung tâm dữ liệu của Facebook cũng chỉ là một trong rất nhiều trung tâm dữ liệu mà các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang xây dựng tại Đông Nam Á. Với hệ thống chính trị ổn định, dồi dào lao động công nghệ có tay nghề cùng mạng lưới cáp dưới biển kết nối với phần còn lại của thế giới, Singapore đã trở thành điểm đến hàng đầu của những người chơi lớn trong ngành công nghệ nhằm giành một phần trong chiếc bánh dịch vụ đám mây đang phình to ở Đông Nam Á.

 

Đặc biệt, đối với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Đông Nam Á đang trở thành một pháo đài có ý nghĩa chiến lược. Có thể thấy các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang có một quãng thời gian không yên ổn. Tại quê nhà, giới chức trách đang ngày càng mạnh tay siết chặt hơn. Giữa tháng 8 vừa qua, các nhà điều hành Trung Quốc ban hành dự thảo quy định chống độc quyền mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình kinh doanh của các công ty như Alibaba và Tencent. Trong khi đó, ở phương Tây, chính phủ các nước cũng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp Trung Quốc khi làm ăn ở nước họ, nhất là Mỹ đang kiểm soát gắt gao trước rủi ro an ninh từ phía các dịch vụ đám mây Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc vì thế càng tích cực tìm kiếm các điểm đến thân thiện hơn, đặc biệt là Đông Nam Á - một thị trường gần 700 triệu dân với các nền kinh tế đang số hóa với tốc độ rất nhanh và tình hình địa chính trị tương đối ổn định. “Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu tăng mạnh đối với những công nghệ dựa trên đám mây trên khắp khu vực, từ các nền tảng thương mại điện tử và logistics cho đến fintech và giải trí online”, Jeff Zhang, Chủ tịch Alibaba Cloud Intelligence, nhận xét.

Ảnh: datacenterdynamics.com
Alibaba hồi tháng 6 tuyên bố sẽ đầu tư lên tới 1 tỉ USD trong 3 năm tới để ươm mầm các nhà phát triển và hỗ trợ các startup châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: datacenterdynamics.com

Alibaba hồi tháng 6 tuyên bố sẽ đầu tư lên tới 1 tỉ USD trong 3 năm tới để ươm mầm các nhà phát triển và hỗ trợ các startup châu Á - Thái Bình Dương. Bộ phận đám mây của Alibaba đã tung ra trung tâm dữ liệu thứ 3 ở Indonesia và trong năm nay có kế hoạch ra mắt 1 trung tâm dữ liệu ở Philippines. Năm nay Tencent cũng mở trung tâm dữ liệu đầu tiên của mình ở Indonesia và trung tâm thứ 2 ở Thái Lan.

Chiếc bánh dịch vụ đám mây Đông Nam Á rất béo bở. Mặc dù tổng quy mô của thị trường này tương đối nhỏ, chưa tới 2 tỉ USD/năm, nhưng đã tăng trưởng với tốc độ 50% trong năm 2020 và chưa hề cho thấy dấu hiệu chậm lại. Và các doanh nghiệp Trung Quốc đang ăn vào “phần bánh” của các đối thủ Mỹ, chủ yếu là Amazon Web Services (AWS), thuộc Amazon. Năm 2020 Tencent, Alibaba và Huawei chiếm 22% thị phần đám mây ở Đông Nam Á và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhỏ hơn, tăng từ mức 18% của năm 2019, theo Gartner.

Nhưng các đối thủ Mỹ cũng không dễ chọc. Amazon, chẳng hạn, đang dẫn đầu thị trường đám mây thế giới, với hơn 30% thị phần trong quý II/20221, theo Canalys. Amazon đang xây dựng thêm cơ sở hạ tầng đám mây ở Jakarta, Indonesia, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Đây là đại bản doanh thứ 2 của AWS ở Đông Nam Á sau Singapore (AWS “đóng đô” ở Singapore từ năm 2010).
Microsoft, nhà cung cấp dịch  vụ đám mây lớn thứ 2 thế giới, đầu năm nay cũng tuyên bố sẽ thiết lập các trung tâm dữ liệu tại Indonesia và Malaysia nhằm khai thác tiềm năng to lớn của khu vực này.

“Trong bối cảnh thế giới phân ly, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường, nơi các công ty Trung Quốc và công ty phương Tây so găng với nhau”, Kevin Imboden, Giám đốc Nghiên cứu tại Cushman & Wakefield, nhận xét.

 

Việc cả hai bên đều theo đuổi cùng tệp khách hàng trong khu vực càng khiến cho cạnh tranh thêm căng thẳng. Trên website của mình, Alibaba tuyên bố Tokopedia, công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, là khách hàng đám mây chính của họ, trong khi Amazon cho biết AWS cũng cung cấp dịch vụ cho Tokopedia.

Carsome, nền tảng kinh doanh ô tô đã qua sử dụng Malaysia và Carro, nền tảng bán xe trực tuyến Singapore, đều sử dụng dịch vụ của AWS. Bukalapak, đối thủ nội địa của Tokopedia, dùng Azure của Microsoft. Alibaba là một trong những cổ đông lớn nhất của Tokopedia, còn Microsoft sở hữu cổ phần trong Grab và Bukalapak. “Các công ty đám mây Mỹ và Trung Quốc đang ráo riết thâu tóm thị phần bất chấp việc hy sinh lợi nhuận”, Imboden nhận xét.

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., nền kinh tế internet Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần lên 300 tỉ USD vào năm 2025. Các dịch vụ đám mây, với vai trò là hạ tầng của hệ sinh thái tăng trưởng nhanh này, chắc chắn sẽ bành trướng mạnh mẽ. Không nghi ngờ gì, cuộc đua giành thị phần ở thị trường đám mây Đông Nam Á sẽ càng khốc liệt hơn trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày