Công Nghệ

Phó chủ tịch Autodesk: Chuyển đổi số ngành xây dựng ở Việt Nam sẽ đến rất nhanh

Hoàng Kim Thứ Hai | 12/09/2022 16:00

Autodesk vừa công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt giải ASEAN Innovation Awards 2022 thường niên của mình.

Autodesk, một trong những công ty hàng đầu về phần mềm 3D trong thiết kế, kỹ thuật và truyền thông giải trí, vừa công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt giải ASEAN Innovation Awards 2022 thường niên của mình.

Giải thưởng ghi nhận các dự án và nhân tố con người trong khu vực ASEAN đã thể hiện được tầm nhìn tương lai của xây dựng nhờ ứng dụng công nghệ sáng tạo bao gồm các giải pháp Mô hình hóa thông tin tòa nhà (Building Information Modelling - BIM) và Autodesk AEC (Kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng).

Nhân dịp này, Nhịp cầu đầu tư đã có dịp trao đổi với ông Nicolas Mangon, Phó chủ tịch AutoCAD và chiến lược ngành AEC Autodesk (Mỹ) về vấn đề trên:

 

Việc chuyển đổi số ngành xây dựng ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Doanh nghiệp và chính phủ sẽ sớm hưởng được các lợi ích gì của nó đem lại?

Năm 2005, công ty SOM thắng thầu thiết kế toà nhà Freedom Tower, toà nhà thay thế World Trade Center. Giai đoạn hoàn thiện từ bản thiết kế được chọn ban đầu được đơn vị này thực hiện trong 2 năm với thiết kế xoắn ốc rất bắt mắt nhưng trước khi bắt tay vào thi công, chính quyền thành phố New York thay đổi ý định muốn toà nhà “bình thường” như các toà nhà khác.

Tôi vinh dự là người của Autodesk tham gia dự án đó cùng SOM để số hoá toàn bộ thiết kế phức tạp đó. Autodesk đã sử dụng phần mềm Autodesk Revit, một giải pháp về BIM, để giải bài toán trên của SOM.

Với yêu cầu thay đổi thiết kế, chúng tôi cho thông số mới vào phần mềm để tính toán lại, và máy tính thời điểm đó mất khoảng 1 tuần để hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu của chính quyền New York. Việc này nếu không có giải pháp BIM thì sẽ phải mất thêm 2 năm. Với việc giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, AutoDesk đã tiên phong chuyển đổi số trong ngành xây dựng và làn sóng nhanh chóng thu hút được doanh nghiệp và cả chính phủ khắp nơi quan tâm.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Anh, tất cả các dự án chuyển đổi số để quản lý, trong 1 năm đầu tiên đã giảm thiểu được từ 66% các dự án bị vượt ngân sách, chậm tiến độ xuống còn 33%.

Làn sóng này đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và các doanh nghiệp xây dựng trong nước đang xem đó như vũ khí cạnh tranh để bước ra nước ngoài. Điều này có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi ngành này đang bị ảnh hưởng bởi chu kỳ giảm tăng trưởng của bất động sản ở Việt Nam.

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ đến khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ vào năm 2008 và trở thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu không lâu sau đó. Các công ty xây dựng ở Mỹ và Châu Âu chẳng có gì để làm nên doanh thu của các công ty như chúng tôi giảm nghiêm trọng.

Điều thú vị là khi nhiều dòng sản phẩm đi xuống thì giải pháp Autodesk Revit, nền tảng phát triển các ứng dụng hỗ trợ cho quy trình BIM có doanh số tăng trưởng. Vì sao ư? Đó là vì trong giai đoạn ít việc, các công ty xây dựng tranh thủ học công nghệ mới, điều mà họ không thể làm được khi nền kinh tế tăng trưởng.

Sau 2 năm, các công ty này vượt rất xa đối thủ vì giải pháp do họ thiết kế thực tế hơn, tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn, chi phí bỏ thầu cũng tốt hơn. Nhìn về thị trường Việt Nam, chúng tôi tin rằng cũng đang diễn ra như vậy.

Có lý do nào để Autodesk nhìn nhận về việc này dù điều kiện kinh tế Việt Nam và quy mô cuộc khủng hoảng lần này là khác biệt?

Đầu tiên là yếu tố chủ quan, khi thị trường xây dựng trong nước khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng đến việc ra nước ngoài để tìm kiếm tăng trưởng mới. Và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để làm việc này nhằm có chi phí tốt, thậm chí một số chính phủ như Nhật Bản hay Singapore còn bắt buộc phải sử dụng BIM như một tiêu chuẩn trong ngành xây dựng.

Chúng tôi không có dữ liệu từ các giải pháp khác nhưng với các giải pháp của chúng tôi chẳng hạn, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tăng 1-2 % biên lợi nhuận. Nên nhớ rằng ngành xây dựng biên lợi nhuận rất thấp, chỉ 2-3%.

Chính vì thế, việc tăng biên lợi nhuận có thể giúp các doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn trên cùng dự án hoặc đơn giản là họ sẽ có giá thầu tốt hơn để thắng nhiều dự án khác.

Về yếu tố khách quan, Việt Nam vẫn là một trong những điểm thu hút FDI ở khu vực trong thời gian qua. Như Lego đã đặt nhà máy gần đây chẳng hạn. Các đơn vị nước ngoài cũng đã quen với các quy trình như BIM nên các đơn vị xây dựng trong nước quen với việc chuyển đổi số sẽ có lợi thế nhiều hơn.

Hai yếu tố này chúng tôi tin rằng sẽ giúp đẩy nhanh làn sóng chuyển đổi số trong ngành xây dựng ở Việt Nam.

Nhân lực có phải yếu tố cốt lõi trong bất cứ làn sóng chuyển đổi số ở các ngành nghề?

Về vấn đề này, chúng tôi thậm chí lạc quan về tình hình ở Việt Nam hơn cả. Các bạn là đất nước có dân số trẻ, ứng dụng công nghệ rất nhanh và tỷ lệ thâm nhập của điện toán đám mây ở Việt Nam, dù là nước đang phát triển nhưng rất cao, thậm chí cao hơn mặt bằng chung của khu vực ASEAN.

Thứ đến, các công ty như chúng tôi cũng có chiến lược kết hợp với các trường đại học hàng đầu về xây dựng, kiến trúc ở Việt Nam để cung cấp phần mềm miễn phí phục vụ việc đào tạo. Chính vì thế các công ty sẽ không phải mất ít nhất là 6 tháng để đào tạo nhân sự quen với các giải pháp mà họ đang sử dụng.

Khi dịch bệnh diễn ra, năm 2020 chúng tôi đã cung cấp miễn phí giải pháp BIM trên nền tảng điện toán đám mây nên nhờ đó chúng tôi đã có thêm rất nhiều người sử dụng, từ đó giúp họ hiểu được các lợi ích kinh tế do việc số hoá đem lại.

Vậy yếu tố bản quyền sẽ tác động như thế nào đến quá trình chuyển đổi số của ngành xây dựng?

Đây là góc nhìn khá thú vị. Không chỉ ở Việt Nam, dữ liệu chúng tôi cho thấy chúng tôi có 10 triệu người sử dụng phần mềm không bản quyền của Autodesk trên toàn cầu, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quay trở lại với thị trường Việt Nam và tác động của việc sử dụng phần mềm không bản quyền tác động như thế nào với quá trình chuyển đổi số. Về mặt tích cực, chúng ta phải nhìn nhận rằng đó đã là lực lượng chuyển đổi số, hiểu giá trị đem lại của quá trình số hoá rồi chỉ là không “chính danh” mà thôi.

Nhưng chúng tôi tin rằng điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới dựa vào cả hai yếu tố.

Thứ nhất, như đã chia sẻ doanh nghiệp Việt Nam phải bước ra thế giới và nhiều FDI vào Việt Nam hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh hơn từ làn sóng này nhưng nếu họ sử dụng phần mềm không bản quyền, với khả năng chứa đến 30% các Malware (phần mềm độc hại) bên trong sẽ chấm dứt sự nghiệp kinh doanh của họ vĩnh viễn.

Chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp ở các quốc gia trong khu vực, khi đó doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền để tạo ra các file thiết kế và gửi cho đối tác. Các file đó bị phát hiện có Malware và doanh nghiệp đó không bao giờ được hợp tác lần nữa.

Thứ hai, đó là nỗ lực thay đổi từ các công ty như chúng tôi để đưa ra mức giá sản phẩm hợp lý hơn. Chúng đã chuyển đổi sang mô hình Software-as-a-Service (Phần mềm như một dịch vụ), các sản phẩm được bán theo hình thức thuê bao nên chi phí thấp hơn rất nhiều.

Điển hình như giải pháp Autodesk Revit LT chẳng hạn, chi phí trả hàng tháng khoảng 50-60 USD hoặc 495 USD/năm. Điều này khiến đầu tư phần mềm từ chi phí khấu hao cố định (capex) thành chi phí vận hành (opex) để tiếp cận khách hàng tiềm năng, mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày