Doanh Nhân

CEO Intel Products Việt Nam: Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Phi Vũ Thứ Năm | 27/04/2023 14:00

Sự mở rộng đầu tư của Intel tiếp tục là bảo chứng cho làn sóng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam trong thời gian tới.

Năm 2012, sự phổ biến của điện thoại thông minh nhờ các bước phát triển thần tốc của ngành công nghiệp bán dẫn đã dẫn đến các mô hình doanh nghiệp được xây dựng trên ứng dụng di động làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người sử dụng trên toàn cầu. 10 năm sau, các làn sóng công nghệ tiếp tục được kích hoạt và dự báo sẽ sinh ra các mô hình kinh doanh mới. NCĐT đã phỏng vấn ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch Intel kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Intel Products Việt Nam, về xu hướng công nghệ sắp tới cũng như cơ hội của Việt Nam trong xu hướng này.

Những cuộc tranh luận về trí tuệ nhân tạo (A.I) và ChatGPT đang rất sôi nổi. Đó có phải là làn sóng công nghệ tiếp theo? Intel chuẩn bị gì để không bị bỏ lỡ làn sóng này?

Chúng ta đang chứng kiến một số làn sóng mới và tôi sẽ nêu bật 2 làn sóng sau. Đầu tiên là A.I. A.I không ngừng học hỏi và tiến hóa mỗi ngày. Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức bắt đầu thừa nhận và khai thác sức mạnh cũng như giá trị của A.I, kèm theo đó là những cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề những công nghệ mới như ChatGPT và A.I tạo sinh có thể thay đổi quy trình kinh doanh như thế nào.

Tại Intel, chúng tôi sử dụng A.I để hợp lý hóa chuỗi cung ứng gồm 600 cơ sở tại 63 quốc gia. A.I giúp chúng tôi lập mô hình dự báo nhằm tối ưu hóa lượng linh kiện tồn kho, giảm thời gian ra quyết định từ 6 tháng xuống còn 1 tuần và tiết kiệm đến 58 triệu USD. Intel sử dụng dữ liệu lớn (big data) và công nghệ máy học (machine learning) để cải thiện quy trình ra quyết định sớm hơn trong quá trình thiết kế nhằm giảm chi phí định mức nguyên vật liệu. Một dự án thí điểm đã giúp chúng tôi tiết kiệm 23 triệu USD chỉ trong 1 năm. Intel cũng triển khai một thuật toán máy học giúp cải thiện công tác hoạch định không gian nhờ vào dự báo có độ chính xác đến 95%.

Nhà máy ở Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chiến lược này khi gần đây Intel tiếp tục giải ngân đầu tư gần nửa tỉ USD?

 

Nhà máy Intel tại Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của chúng tôi. Đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel. Chúng tôi đã xây dựng không chỉ nhà máy lắp ráp mà còn là các cơ sở thử nghiệm lớn nhất tại TP.HCM, thậm chí có thể là lớn nhất đối với Intel trên toàn cầu.

Đến cuối năm 2022, nhà máy đã xuất tổng cộng 3,5 tỉ đơn vị sản phẩm. Đây là một bước tiến lớn trong việc tăng tốc sản xuất hiện nay bởi tính đến đầu năm 2020 chỉ có 2 tỉ sản phẩm được xuất xưởng. Tức để xuất xưởng 2 tỉ sản phẩm đầu tiên, nhà máy mất hơn 10 năm nhưng để tạo ra 1 tỉ sản phẩm sau đó, nhà máy chỉ cần hơn 1 năm. Con số ấn tượng này thể hiện tầm quan trọng của Intel Products Việt Nam đóng góp vào sự tăng trưởng của chúng tôi trong khu vực, cũng như trên toàn cầu.

Intel tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam từ rất sớm khi công bố thành lập nhà máy vào năm 2006. Đến nay, chúng tôi vẫn là nhà đầu tư lớn nhất đến từ Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Sự có mặt của Intel đã phần nào giúp các nhà đầu tư công nghệ cao lớn khác nhận thấy được tiềm năng tại Việt Nam.

Minh chứng cụ thể là sự tăng trưởng nhanh chóng của vốn FDI trong vòng 15 năm qua, nhờ vậy, giá trị xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh 25% trong 1 thập kỷ qua. Trong giai đoạn này, chúng tôi đã tạo ra 74,5 tỉ USD giá trị xuất khẩu, riêng năm 2022 là 11,5 tỉ USD. Con số này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), 20% kim ngạch xuất khẩu linh kiện, điện tử của cả nước và khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Ngoài ra, Intel Products Việt Nam cũng đóng vai trò chủ chốt trong chiến lực IDM 2.0 của chúng tôi. Chiến lược này bao gồm các kế hoạch mở rộng sản xuất trên quy mô lớn, mở rộng sử dụng xưởng đúc của bên thứ 3 và Intel Foundry Services. Do vậy, Intel Products Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này khi là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong hệ thống. Sự chuyển đổi đó cho thấy nhà máy Intel tại Việt Nam đã được định vị kỹ lưỡng để trở thành một phần chủ chốt trong tầm nhìn tương lai của Intel.

Khoản đầu tư của Intel vào Việt Nam năm 2016 đã trở thành “bảo chứng” cho làn sóng đầu tư công nghệ vào Việt Nam trong suốt 1 thập niên sau đó. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà máy Việt Nam vẫn chỉ đảm bảo vai trò đóng gói, kiểm thử. Cơ hội nào để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành đối tác sản xuất, thiết kế cho Intel?

 

Việt Nam đã và đang nỗ lực kiện toàn môi trường đầu tư và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Dù vậy, để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, Chính phủ cần cải tổ một số chính sách đáp ứng nhu cầu kinh doanh, cải thiện quy trình hành chính giúp ra quyết định nhanh hơn, cũng như tiếp tục đầu tư vào nhân lực chất lượng cao nhằm bồi dưỡng nguồn nhân tài đón đầu các cơ hội nghiên cứu và phát triển. Nhờ khả năng kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nâng cao uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp họ vững tâm mạnh dạn mở rộng tại Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút các công ty nước ngoài trong cả 3 phân khúc chính là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; sản xuất và chế tạo; thiết kế. Thế giới ngày càng đẩy mạnh xu hướng số hóa và mọi thứ liên quan tới kỹ thuật số đều cần chất bán dẫn nên cơ hội trong lĩnh vực này mở rộng cho tất cả nếu nắm bắt tốt.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, 10 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt với việc lao động bị thay thế bởi ứng dụng công nghệ A.I, robot, xác suất lên đến 70%. Quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?

Tại Intel, chúng tôi luôn cho rằng tự động hóa, robot và A.I là bạn đồng hành và là công cụ giúp con người làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn. Ví dụ, robot có thể làm việc trong môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm, nhờ đó con người không cần mạo hiểm thực hiện những tác vụ nhàm chán hoặc phức tạp nữa.

Đúng là có một vài lập luận sai lầm mang nặng tính viễn tưởng về A.I hay tự động hóa, nhưng kỳ thực những công nghệ này không nhằm mục đích thay thế óc sáng tạo, sự thấu cảm hay kỹ năng mềm của con người, mà chúng chỉ là công cụ do con người kiểm soát.

Mỗi làn sóng công nghệ mới sẽ kéo theo những sáng kiến và mô hình kinh doanh mới, thay đổi về bản chất cách thức vận hành, xử lý sự việc lâu nay. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đội ngũ lao động luôn được tái đào tạo và bổ sung, nâng cấp kỹ năng mới. Nhờ đó, người lao động có thể phân bổ thời gian hợp lý để đảm nhiệm những công việc có giá trị cao hơn, sáng tạo hơn và mang tính chiến lược hơn bằng cách tận dụng các công cụ kỹ thuật số và công nghệ mới sẵn có.

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Ông nhận định thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung cũng như TP.HCM nói riêng?

Intel luôn đánh giá cao môi trường chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam, các hiệp định thương mại song phương - đa phương ngày càng được mở rộng mạnh mẽ và các chính sách đầu tư, cũng như sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng là điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Tất cả những điều kiện này đã thúc đẩy tiềm năng sản xuất và thị trường tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Sự có mặt của Intel với dự án đầu tư trong thời gian qua đã góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ công nghệ cao trên thế giới và việc hoàn thiện các chính sách, cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ tiếp tục hỗ trợ thu hút thêm hoạt động sản xuất công nghệ tiên tiến hơn. Intel là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao đầu tiên khi đầu tư 1 tỉ USD năm 2006 và đến nay Intel vẫn là doanh nghiệp Mỹ hàng đầu có mặt tại Việt Nam. Theo chân Intel đã có nhiều nhà đầu tư công nghệ cao lớn khác vào Việt Nam như Samsung. Trong các năm qua, chúng ta có thể thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung đã tăng rất nhanh cũng như đóng góp vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh, trung bình 25% trong những thập kỷ qua.

TP.HCM có vị trí chiến lược của cả nước và cả trong khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Khi đầu tư vào đây, nhà đầu tư có thể nhận được các tiềm năng của cơ sở hạ tầng khá đồng bộ bao gồm hạ tầng giao thông và viễn thông. Cùng với các quy định và chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho kinh doanh sản xuất, chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng phải đi đôi với phát triển nhân lực có trình độ làm việc trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác. Với nguồn lao động chất lượng cao cũng như nguồn lao động phổ thông sẵn có sẽ giúp các công ty có thể tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động có kinh nghiệm và số lượng sinh viên các ngành khoa học và công nghệ tốt nghiệp hằng năm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Mới đây, đại diện hơn 50 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm, công nghệ... sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ của chuỗi cung ứng Mỹ đến châu Á cũng như Việt Nam.

Mỹ và Việt Nam đang trở thành đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực đầu tư, thương mại. Rõ ràng, Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Bởi vì, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu. Cơ hội này giúp Việt Nam củng cố vị trí “công xưởng mới” tại Đông Nam Á, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, LG, Foxconn... Riêng các tập đoàn của Mỹ đã chuyển dịch nhập khẩu nhiều mặt hàng sang một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là linh kiện bán dẫn hay thiết bị viễn thông. Việc thu hút đầu tư từ Mỹ mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn cao hơn, bắt kịp các làn sóng công nghệ trên thế giới như năng lượng xanh, bao gồm cả năng lượng của tương lai là hydro xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn...


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày