GS Lưu Lệ Hằng: Người hé mở bí ẩn của hệ Mặt Trời
Trở lại Việt Nam để tham dự sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” tại Bình Định, sau đó tham dự các cuộc giao lưu tại Bình Định, Huế và Hà Nội, Giáo sư Lưu Lệ Hằng - nhà khoa học Mỹ gốc Việt khám phá ra vành đai Kuiper - đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ người Việt trong việc nghiên cứu khoa học.
“Tôi mong nhiều người theo khoa học vì sẽ giúp cho đất nước, xã hội nhiều. Cái gì cũng hỏi câu hỏi, càng nhiều càng tốt. Cũng sẽ có những người nói là không nên làm, nhưng kệ, đừng nghe người ta,” bà Hằng chia sẻ về kinh nghiệm của mình.
Chính sự kiên trì và lòng đam mê đó đã đưa bà trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực thiên văn với giải thưởng Shaw và giải thưởng Kavli. Trong đó, Kavli được xem như “Giải Nobel” trong thiên văn học.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng (tên tiếng Anh là Jane Luu) sinh năm 1963 tại Sài Gòn. Năm 12 tuổi, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư và sau đó giành học bổng theo học ngành vật lý tại Đại học Stanford. Nhưng dường như mối lương duyên với ngành thiên văn học của bà đã được định sẵn.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng kể lại rằng, mùa hè năm 1984, bà đến làm việc tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena. Tại đây, bị lôi cuốn bởi hình ảnh về các hành tinh được tàu nghiên cứu không gian Voyager chụp và gửi về, bà đã quyết định theo đuổi chuyên ngành thiên văn học.
Chính vì quyết định đó, bà đã đến làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts dưới sự hướng dẫn của Giáo sư David Jewitt, người đã đồng hành với bà trong suốt hai thập kỷ tiếp theo để cùng khám phá ra những điều mới lạ trong không gian.
Có thể nói nếu không có sự đam mê và lòng kiên nhẫn, bà Hằng và ông David chưa hẳn đã là những người đầu tiên khám phá ra vành đai Kuiper.
“Tôi bắt đầu dự án đó từ năm 1987, đến năm 1992 mới tìm được. Khi làm thì không biết là có hay không, có thể có, có thể không. Không ai biết trước vành đai Kuiper có thật hay không,” bà Hằng nói.
Vào thời điểm đó, việc bà Hằng và ông David làm không được ai chú ý tới, vì hầu hết các nhà khoa học lúc bấy giờ đều tin rằng họ đã hiểu rõ hết về hệ Mặt Trời. Mục đích của bà Hằng và ông David cũng chỉ là tìm hiểu xem bên ngoài hệ Mặt Trời còn có gì nữa hay không.
Cách nghiên cứu của hai nhà khoa học là chụp những bức hình ngoài không gian và so sánh để tìm ra sự khác biệt, những điều mới lạ. Nhưng ngay cả khi chụp cũng không biết ở chỗ nào, nên “cứ đoán xem chỗ nào có thể chụp được”, bà kể.
“Năm này qua năm khác, nhiều người cũng nói bỏ cái đó đi, chắc không bao giờ tìm được đâu. Tụi tôi cũng kệ thôi, cứ mỗi lần định bỏ lại có ảnh mới, có thể giúp được mình, nên cứ ráng thêm, 5 năm trời là tìm được,” bà Hằng nhớ lại.
Phát hiện ra vành đai Kuiper của bà Hằng và ông David đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức trước đây của các nhà khoa học về hệ Mặt Trời. Đến lúc đó, giới nghiên cứu mới nhận ra rằng con người vẫn gần như chưa biết gì về hệ Mặt Trời.
“Ngày trước mình nghĩ là đến trục Pluto - Diêm Vương Tinh mà thôi, từ trục đó đi ra không có gì khác hết. Khi tìm ra, mình biết rằng đó không phải là sự thật. Pluto chỉ là một trục trong vành đai Kuiper. Không chỉ có một cái Pluto, mà còn có 100.000 cái Pluto,” bà Hằng nói.
Kể từ khi được phát hiện cách đây 20 năm, vành đai Kuiper đã hé lộ nhiều điều bất ngờ làm thay đổi đáng kể quan điểm của chúng ta về hệ Mặt Trời. Đến nay, hơn 1.500 vật thể thuộc vành đai Kuiper đã được xác định, trong đó nổi tiếng nhất là vấn đề Diêm Vương Tinh. Thực tế, Diêm Vương Tinh đã được phân loại sai như là một hành tinh. Ðó là một vật thể lớn, nhưng cũng không có gì nổi bật thuộc vành đai Kuiper. Tuy nhiên, khi danh hiệu hành tinh của Diêm Vương Tinh bị “lung lay”, đã có làn sóng phản đối việc loại bỏ nó ra khỏi tập hợp các hành tinh.
Trong suốt những năm tiếp theo, bà Hằng tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với thiên văn học và đã khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh. Tên của bà cũng đã được đặt cho một tiểu hành tinh với tên 5430 Luu.
Năm 2012, bà được trao 2 giải khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học là giải thưởng Shaw và giải thưởng Kavli - được xem như “Nobel thiên văn học”.
Những gì đạt được, bà Hằng cho đó là những thách thức đã vượt qua và cũng thỏa mãn niềm đam mê về thiên văn học của mình. Nhưng với con người nhỏ bé có sẵn trong máu niềm đam mê với khoa học nói chung này, chuyển hướng nghiên cứu cũng là một điều thú vị. Hiện tại, bà không còn làm việc trong lĩnh vực thiên văn nữa mà đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia Mỹ.
Nhưng những gì bà đã làm được cho thấy chỉ cần kiên nhẫn và đam mê, thành công sẽ đến. “Tôi làm được điều này thì các bạn cũng có thể. Hãy tìm ra cái mà các bạn thích và đam mê. Luôn luôn hỏi rằng làm như thế này đã đúng chưa, đã phải là tốt nhất chưa. Ðừng bị giới hạn bởi cách làm truyền thống, hãy tìm ra cách làm mới,” bà Hằng chia sẻ với hơn 500 sinh viên trẻ tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngọc Linh
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư