Kiều bào

Người Việt bốn phương (Số 774)

Ngọc Anh Thứ Hai | 25/04/2022 08:30

ALOV làm việc với doanh nhân kiều bào đầu tư thành công ở quê hương.

Chủ tịch Nguyễn Phú Bình kỳ vọng từ hình mẫu của kiều bào Nguyễn Hoài Bắc sẽ có ngày càng nhiều kiều bào trở về quê hương.
ALOV làm việc với doanh nhân kiều bào đầu tư thành công ở quê hương.

ALOV làm việc với doanh nhân kiều bào đầu tư thành công ở quê hương

Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) do Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn, vừa có chuyến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Đây là công ty do Việt kiều Canada Nguyễn Hoài Bắc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Hơn 20 năm về Việt Nam đầu tư, các dự án của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc khá đa dạng, từ giáo dục, điện năng lượng mặt trời, may mặc, đào tạo nghề, xây dựng. Cụ thể, năm 2001 ông đầu tư dự án Canada Home Deco (chuyên về sản xuất chăn, ga, gối, đệm thương hiệu Canada) tại Hải Dương. Đến năm 2004, ông tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn tại Chí Linh, Hải Dương. Năm 2006, ông thành lập Công ty Cổ phần IQLinks (liên doanh với EVN, Qualcomm Hoa Kỳ, Ubiquam Hàn Quốc chuyên sản xuất thiết bị đầu cuối phục vụ cho viễn thông và ngành điện); dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời) tại Ninh Thuận... Trong lĩnh vực giáo dục, ông đã đầu tư Trường nghề Việt Nam - Canada (dạy nghề phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu lao động); Hệ thống giáo dục Archimedes School.... 

Theo Chủ tịch Hội ALOV, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, trải qua quá trình đầu tư với nhiều khó khăn trở ngại để có được thành công tại các dự án cho thấy khát vọng quyết tâm thay đổi cuộc đời, ý chí không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào và cả tầm nhìn xa, tấm lòng của người con xa xứ lúc nào cũng hướng về quê hương, đất nước của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc. 

Chủ tịch Nguyễn Phú Bình kỳ vọng từ hình mẫu của kiều bào Nguyễn Hoài Bắc trở về quê hương đầu tư thành công sẽ có ngày càng nhiều kiều bào trở về quê hương đầu tư đóng góp cho đất nước. Dòng tiền kiều hối của kiều bào sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự lập, tự cường. Đây cũng là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của ALOV thiết lập và triển khai Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài. 

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ. Người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đóng góp nguồn lực đáng kể về tài chính và tri thức cho sự phát triển của đất nước. Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài ra đời đã hỗ trợ kiều bào đẩy mạnh và mở rộng quy mô đầu tư về quê hương. 

Theo doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho kiều bào từ quốc tịch, cư trú, đi lại đến nhà đất, kinh doanh, làm việc... Điển hình như việc cấp thị thực xuất nhập cảnh cho Việt kiều về thăm người thân, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đây là điều đáng mừng và tạo đòn bẩy cho bà con Việt kiều có nhiều thời gian, nhiều cơ hội hơn khi trở về quê hương với những mục đích chính đáng của mình.

Tuy nhiên, để kiều bào đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn và tương xứng với khả năng, thật sự chung tay góp sức đưa đất nước trở thành điểm đến của các nhà đầu tư FDI thì cần  lựa chọn những doanh nhân, nhà khoa học kiều bào có thực tài, có tâm huyết, có khả năng điều hành doanh nghiệp, có tài chính... tham gia vào các lĩnh vực trong hệ thống công quyền của đất nước. 

 

Nữ doanh nhân gốc Việt thành công từ kinh doanh rác thải

Mới đây, nữ doanh nhân Le Ho, 42 tuổi đã gây chú ý tại bang New South Wales, nước Úc khi cô đặt chân vào lĩnh vực bất động sản với thương vụ mua lại dãy trọ 46 phòng ở Casula, với giá gần 5,9 triệu AUD (4,35 triệu USD). Trước đó, cô đã được biết đến với biệt danh “Nữ hoàng rác” tại đất nước chuột túi.

Cùng gia đình từ Việt Nam tới Úc khi còn rất nhỏ, Le Ho bắt đầu kinh doanh từ năm 21 tuổi với sản phẩm giày và váy cưới. Trong 6 năm, cô phát triển lên 6 cửa hàng, nhưng thị trường mua sắm trực tuyến đã thay đổi mọi thứ và năm 2010, cô mua lại công ty quản lý chất thải Capital City Waste Service có trụ sở tại Sydney với giá 50.000 USD. Khi đó, Công ty thua lỗ 20.000 USD mỗi tháng và có nguy cơ phải phát mãi tài sản. Le Ho tiết kiệm mọi chi phí bằng cách đảm nhận tất cả các vai trò trong Công ty. 

Trong 5 năm, những nỗ lực của Le Ho đã biến Capital City Waste Service thành một “đế chế xử lý rác” trị giá nhiều triệu USD. Năm 2015, cô là một trong 29 nữ doanh nhân được vinh danh trong cuốn sách IfSheCanICan nhân kỷ niệm Ngày Nữ doanh nhân Úc.

7 năm sau, cô quyết định dấn thân vào lĩnh vực nhà nghỉ sau khi đầu tư vào các khu dân cư, bán lẻ, văn phòng và khu công nghiệp.

Cô gái gốc Việt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh. Ảnh: VnExpress.net
Cô gái gốc Việt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh. Ảnh: VnExpress.net

Cô gái gốc Việt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh 

Có cha mẹ là người Việt sang châu Âu du học, Claudia Tran (28 tuổi) sinh ra và lớn lên ở vùng đô thị Bratislava, Slovakia. Khu gia đình Claudia sống khi đó rất ít người Việt, nên 4 chị em trong nhà thường xuyên trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á. Suốt thời thơ ấu, Claudia cùng các chị em không ngừng nỗ lực học tập để thay đổi cái nhìn của người bản xứ về gia đình mình.

Năm 2012, Claudia trở thành đại diện của Slovakia tham dự chương trình học bổng xuyên Đại Tây Dương Benjamin Franklin (BFTF) tại Bắc Carolina, Mỹ.

Claudia sau đó bắt đầu sáng kiến của riêng mình với tên gọi For Tomorrow’s Europe (Vì châu Âu Tương lai), trong đó cô quản lý các hội nghị quốc tế dành cho giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới, cố vấn cho những người trẻ quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng thiểu số, với trọng tâm là tình trạng di cư và phân biệt đối xử. Thông qua các tổ chức phi chính phủ như Anne Frank House ở Amsterdam, Hà Lan hay Foundation of Milan, Claudia đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội, hội nghị sinh viên quốc tế, các sự kiện văn hóa, thể thao. 

Bên cạnh hoạt động xã hội, Claudia còn phát triển bản thân trong các lĩnh vực khác. Cô từng là Phó Giám đốc về quan hệ doanh nghiệp tại Viện Nghiên cứu GLOBSEC ở Bratislava, nơi tổ chức các hội nghị quốc tế lớn và đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối ngoại, an ninh, hay giám đốc chiến dịch cho liên minh 2 đảng ở Slovakia trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2020. Sau cuộc bầu cử, cô đảm nhiệm vị trí cao hơn tại GLOBSEC, cũng như làm Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư tại công ty đầu tư Crowdberry.

Với những thành công trong sự nghiệp và hoạt động xã hội của mình, Claudia đã trở thành 1 trong 30 gương mặt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh năm 2022, giống thành tích mà chị gái cô, Lucia Thảo Hương Simekova, từng đạt được năm 2020 nhờ xây dựng thành công chuỗi nhà hàng Phở.


 

Nguồn Tổng hợp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày