Kinh Doanh

365 ngày vượt cạn: Được, mất và tương lai

Minh Nguyệt Thứ Ba | 27/12/2016 07:30

Năm 2016, số doanh nghiệp mới thành lập tăng kỷ lục, nhưng số doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động cũng không suy giảm, cho thấy nhiều sự “bất thường”.

Quá trình tham vấn hơn chục luật sư trọng tài quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam cứu vãn tình thế chỉ được diễn ra sau gần 2 tháng kể từ biến cố lịch sử mang tên Hanjin. Cụ thể, việc công ty vận tải biển lớn thứ 7 thế giới Hanjin Shipping đệ trình đơn xin bảo hộ phá sản lên chính quyền Hàn Quốc và Mỹ đã đánh dấu sự sụp đổ của đế chế Hanjin 36 năm tuổi, tạo nên vụ bảo hộ phá sản có quy mô lớn nhất lịch sử ngành tàu biển thế giới với trị giá khoản nợ xấu lên tới 5,4 tỉ USD. Kéo theo hệ lụy domino đến khoảng 50 đối tác là những doanh nghiệp Việt Nam “mắc kẹt” vào những khoản nợ khó đòi nhiều triệu USD và không ít trong số họ phải đóng cửa.

Không chỉ riêng ngành vận tải hàng hóa, năm 2016 khép lại với những biến động bất lợi và sự cạnh tranh quyết liệt diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực thế mạnh chủ chốt của Việt Nam từ cao su, gỗ, dệt may, khoáng sản, thủy sản… trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Mỗi ngày, con số trung bình hơn 150 doanh nghiệp Việt phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động cho thấy một góc khuất về năng lực cạnh tranh nội tại của nền kinh tế Việt Nam trước những cú sốc vĩ mô ngày một khó dự báo, đặc biệt từ những biến động của kinh tế thế giới.

365 ngay vuot can: Duoc, mat va tuong lai
Biến cố mang tên Hanjin đã khiến cho hàng chục doanh nghiệp Việt Nam bị mắc kẹt vào những món nợ khó đòi trị giá hàng triệu USD. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Số lượng doanh nghiệp đã “chìm xuồng”, hay những doanh nghiệp “xác sống” ngày một tăng, họ đang hoạt động trong lĩnh vực nào? Nguyên nhân trọng yếu nào khiến cho chỉ trong 11 tháng năm 2016 có tới 54.050 doanh nghiệp phải từ bỏ cuộc chơi, kéo theo sự bốc hơi một lượng vốn quy mô lớn, ước tính tương đương bằng sự phá sản của 3 ngân hàng thương mại (xét theo quy mô vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng).

Vào 2, ra 1

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động lại tương đương 50%, nói cách khác cứ 2 doanh nghiệp được lập mới xuất hiện thì 1 doanh nghiệp cũ biến mất.

Bức tranh doanh nghiệp Việt còn chuyển gam màu tối hơn nếu xét trên bình diện luồng vốn ra - vào nền kinh tế. Phía luồng vốn chảy vào, lượng vốn điều lệ đăng ký mới và lượng vốn điều chỉnh tăng thêm đã bơm vào thị trường nội địa thông qua giấy đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong suốt 11 tháng qua ước đạt khoảng 2.262 tỉ đồng. Riêng trên thị trường chứng khoán, sự tăng trưởng nguồn vốn của hệ thống doanh nghiệp niêm yết (được kỳ vọng là trụ đỡ của cả nền kinh tế) đang có xu hướng trượt dần từ mức 12-13% (năm 2015) về vùng đáy 8% (năm 2012). Hiện tại, cả nước có khoảng hơn 400.000 doanh nghiệp thuộc 3 nhóm là nhà nước, FDI và tư nhân còn đang hoạt động với tổng doanh thu năm ngoái 15.500 tỉ đồng.

365 ngay vuot can: Duoc, mat va tuong lai

Ở chiều ngược lại, số liệu phía luồng vốn bốc hơi từ hoạt động kinh doanh thua lỗ đang chuyển sang mức báo động. Biểu hiện rõ nhất ở tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ ngày một tăng, từ mức 21,7% (năm 2011) lên mức 45,4% (năm 2014). Hiểu đơn giản, cứ 10 doanh nghiệp đang hoạt động, có đến hơn 4 doanh nghiệp thua lỗ.

Mặc dù chỉ chiếm 15% trong tổng số doanh nghiệp thua lỗ nhưng nhóm các công ty nhà nước lại chiếm tỉ trọng vốn lớn (khoảng 33%) trong tổng vốn của hệ thống doanh nghiệp, dẫn tới ảnh hưởng chính đến luồng vốn thất thoát khỏi nền kinh tế. Cụ thể, có khoảng 150 công ty có vốn điều lệ trung bình từ 70 tỉ đồng trở lên phá sản trong 11 tháng qua, tương đương với khoảng hơn 10.000 tỉ đồng đã thất thoát.

Rõ ràng, sự chênh lệch giữa dòng tiền vào - ra từ năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thu hẹp. Trên một bình diện rộng, năng suất tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, nhìn ở góc độ hình thành và biến mất của các doanh nghiệp, cho thấy những dấu hiệu đáng báo động. Những doanh nghiệp bại trận, lặng lẽ rút lui để lại những hố sâu trên thị trường lao động, sự suy giảm về nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia và còn đó những trăn trở về sự cải thiện đồng bộ môi trường kinh doanh bền vững.

Vốn cần 1, thực lực cần 10

Năm ngoái, việc Công ty Vĩnh Long Food (VLF) phải gán cả trụ sở chính tại TP.HCM để khấu trừ sang khoản nợ vay 22 tỉ đồng cho Ngân hàng HDBank An Giang đã khởi đầu cho sự ra đi của mã cổ phiếu sáng giá một thời. Giới quan sát có nhiều băn khoăn thiếu đồng tình trước lời giải thích của ban lãnh đạo công ty này, khi cho rằng khoản lỗ lũy kế liền 3 năm hơn 160 tỉ đồng khiến cho VLF bị hủy niêm yết bắt buộc, đến từ các yếu tố khách quan thị trường. Cụ thể là giá gạo xuất khẩu giảm mạnh hơn 30% khiến VLF phải bán hàng dưới giá vốn, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn. Hầu hết các doanh nghiệp dừng hoạt động và thua lỗ đều có một lời giải thích chung cho thất bại: biến động xấu trong môi trường kinh doanh.

Trên thực tế, trong trường hợp của VLF, phần chìm của tảng băng nổi nằm ở quyết định chiến lược sai lầm 4 năm trước. Thời điểm ấy, khi có được nguồn vốn thặng dư từ hoạt động kinh doanh, VLF đã vung tay mua nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed với tổng trị giá 100 tỉ đồng, chính thức thay đổi chiến lược rời xa mảng kinh doanh cốt lõi. Cuộc chơi ngành thức ăn chăn nuôi nhấn chìm tân binh VLF sau 2 năm kéo theo giải thể các chi nhánh trực thuộc như Xí nghiệp Mỹ Thới, Xí nghiệp An Bình, Xí nghiệp Tân Thạnh, Xí nghiệp Bao bì và bán nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed để cắt lỗ với giá trước thuế 56 tỉ đồng, tức chỉ còn bằng một nửa giá trị đầu tư. Theo tìm hiểu của NCĐT, việc VLF đang tiến hành thủ tục bảo lãnh phá sản sau khi rời sàn chứng khoán đã đặt cổ đông lớn nhất là Vinafood 2 (chiếm 40% vốn) vào rủi ro tay trắng. Không chỉ Vinafood 2 có khả năng thất thoát số tiền đầu tư 47,8 tỉ đồng mà khoản đầu tư tương đương 23,35% vốn cổ phần VLF của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cũng có thể bốc hơi theo.

365 ngay vuot can: Duoc, mat va tuong lai

Nhìn rộng ra, trên hơn 70 trường hợp hủy niêm yết bắt buộc trong vòng 4 năm qua, nguyên nhân không chỉ đến từ biến động môi trường kinh doanh, mà nằm tập trung ở năng lực điều hành doanh nghiệp. Những doanh nghiệp “sống vật vờ” xuất hiện ở nhiều nơi. Năm nay, có thể điểm danh một số gương mặt trong ngành khai khoáng như: Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) hủy hơn 49 triệu cổ phiếu; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB) hủy 40 triệu cổ phiếu; đến ngành luyện kim như Công ty Cổ phần Luyện kim Phú Thịnh (PTK) hủy 21 triệu cổ phiếu. Năm ngoái, lâm vào tình cảnh tương tự có Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (SBC), Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, mặc dù tỉ lệ đầu tư của Việt Nam là khá cao so với các nước trong khu vực nhưng hiệu quả lại không cao. Cụ thể, lượng tiền đầu tư bơm vào nền kinh tế tại Việt Nam (một phần sẽ thông qua cánh cửa vốn tại các doanh nghiệp) trong giai đoạn 2011-2015 tương đương khoảng 31,8% GDP so với mức lần lượt 22% và 32% của Đài Loan và Nhật, nhưng chỉ đem lại tỉ lệ tăng trưởng tại Việt Nam là 5,9%, thấp hơn nhiều so với mức 8% và 10,2% của Đài Loan và Nhật. Cụ thể hơn, trong 1 thập niên qua, chỉ số ICOR về hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, tức dòng vốn bơm vào khối doanh nghiệp quốc doanh, đang loanh quanh trong mức thấp 5,3.

365 ngay vuot can: Duoc, mat va tuong lai
Không ít doanh nghiệp trong ngành khai khoáng đang lao đao.

Một số doanh nghiệp phá sản cho rằng nguồn vốn không đủ khiến họ phải dừng cuộc chơi. Nhưng trên thực tế, theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp phá sản có quy mô vốn khoảng 10 tỉ đồng với 6.974 doanh nghiệp, chiếm hơn 93% tổng số doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong 8 tháng năm 2016.

Xét trên bình diện cung vốn của cả nền kinh tế thông qua cánh cửa tín dụng và nghiệp vụ thị trường mở M2, độ sâu tài chính đang ở mức rất cao (xem đồ thị) khi tỉ lệ tín dụng trên GDP ở mức hơn 110% vào năm ngoái. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, điểm đáng lưu ý nằm ở thực tế 843 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước năm 2015 với tổng tài sản khoảng 3.105 tỉ đồng (tính theo giá trị sổ sách) nhưng lại chỉ đem về tổng doanh thu 1.700 tỉ đồng (tính theo giá trị thị trường). Như vậy, nếu Nhà nước dùng phương pháp định giá lại toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của khối doanh nghiệp quốc doanh này theo giá trị thị trường thì sẽ thấy hiệu quả hoạt động thấp hơn nhiều so với mức độ được đầu tư.

Mặt khác, điều này cũng cho thấy hơn 54.000 doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động trong năm 2016 đã bốc hơi số tiền ước tính lớn gấp 3 lần toàn bộ tài sản của các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động. Hãy quay trở lại trường hợp Vinafood 2. Có đến 19 trong tổng số 44 công ty thành viên của tập đoàn này làm ăn thua lỗ. Trong đó, ngoài trường hợp VLF đã hủy niêm yết, còn có Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh (lỗ hơn 134 tỉ đồng); Hậu Giang Food (lỗ gần 100 tỉ đồng), Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang (lỗ 83,19 tỉ đồng).

Thay đổi để thích ứng

Năm 2016 trôi qua với nhiều thách thức trên tất cả các ngành chủ lực của quốc gia. Các doanh nghiệp Việt từ thủy hải sản, dệt may, gỗ cho đến dầu khí lại gặp nhiều bất lợi dồn dập. Mặc dù được hưởng lợi thế ưu đãi từ chính sách nhưng 34 công ty thuộc họ dầu khí đang niêm yết trên sàn chứng khoán (tập trung nhiều nhất vào 3 ngành là phân phối khí đốt tự nhiên, xây dựng và bất động sản) lại lao đao trước giá dầu giảm sâu như PVD, PVB và PVS…

365 ngay vuot can: Duoc, mat va tuong lai

Tại Bạc Liêu, theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, 25 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng. Đáng lo ngại hơn, thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy có khoảng 100 container hàng thủy sản có nguy có mất trắng khi Hanjin được bảo hộ phá sản vào những ngày cuối tháng 12 này. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), nếu tính chung toàn thị trường, biến cố mang tên Hanjin sẽ liên quan đến lượng hàng hóa khổng lồ lên tới khoảng 5.000 container hàng hóa xuất khẩu và khoảng 6.000 container hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ mất trắng.

Giải pháp trước mắt giúp các doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản, theo ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Phát Thịnh Group, người đang chịu trách nhiệm chính cho dự án quốc gia về xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp Việt Nam, là đã đến lúc có bộ chỉ số Moody’s cho các công ty nội địa. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Kim Eng, để hạn chế rủi ro phá sản, cần củng cố năng lực nội tại của doanh nghiệp. Trong đó phải có kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn từ ngắn hạn đến dài hạn, từ việc chuẩn bị cho kế hoạch tài chính, nguồn vốn, chi tiêu, tuyển dụng nhân sự phù hợp. Riêng về vấn đề tài chính, cần phải có kế hoạch dự phòng trước những biến động từ bên ngoài liên quan đến tỉ giá, chính sách, lãi suất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ sự phát triển, dòng tiền vào - ra.

Thực tế, theo Vietnam Report, doanh nghiệp Việt Nam dự báo khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2017 đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, 76% doanh nghiệp Việt dự kiến tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và 5% giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.

Tuy nhiên, về dài hạn, rõ ràng cần nhìn nhận một thực tế là nhiều doanh nghiệp “không có khả năng lớn”, hoặc phải thu hẹp quy mô hoạt động khi môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phá sản đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh ngày càng “bất thường”. Chẳng hạn, theo World Bank, hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ thuế và phí chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi tình hình cân đối ngân sách nhà nước ngày càng trở lên căng thẳng thì thuế, phí nội địa ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều chi phí ngoài luồng mà doanh nghiệp không thể thống kê được. Hay nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt cứ làm ra 1 đồng lợi nhuận thì mất 0,72 đồng thậm chí 1,02 đồng để “bôi trơn”. “Như vậy, doanh nghiệp làm sao mà lớn được?”, bà Chi Lan kết luận.  Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC, nền kinh tế Việt Nam do đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Đặc biệt là những lo ngại về việc chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump sẽ thực thi những cam kết trước bầu cử, gây bất lợi cho các nền kinh tế châu Á. Điều này ngày càng ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao. Việt Nam đang còn khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa giải quyết. Tuy nhiên, “trong khi khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác. Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi. Cam kết của Chính phủ về một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai”, ông Phạm Hồng Hải nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày