Kinh Doanh

5 ông lớn dệt may và chiến lược "Trung Quốc + 1"

Thứ Hai | 30/06/2014 07:52

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang cố gắng giảm lệ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.
"Trung Quốc + 1” là một chiến lược được các doanh nghiệp Nhật thực hiện từ nhiều năm trước trong nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong số các quốc gia thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam là trường hợp điển hình cho kế hoạch “thoát Trung” của các công ty lớn ở Nhật. Ví dụ như Tập đoàn Yamaha hay Honda đã nâng cao sản lượng xe máy sản xuất ở Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu, hoặc hãng Canon thì không ngừng mở rộng chuỗi nhà máy sản xuất ở phía Bắc. Và giờ đây, tại Việt Nam, “Trung Quốc + 1” cũng trở thành hướng đi của các doanh nghiệp dệt may thuộc top đầu Việt Nam.

Việc Trung Quốc trên biển Đông chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dậy sóng mạnh mẽ của tư duy “Trung Quốc + 1”. Vấn đề nằm ở Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lợi ích cho chính các doanh nghiệp Việt Nam, trong tương quan với Trung Quốc.

Chúng ta đều biết, là một trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, Việt Nam sẽ hưởng rất nhiều lợi ích khi tham gia vào khu vực thương mại tự do này. Đây là khu vực với hơn 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

TPP sẽ giúp Việt Nam tránh phụ thuộc quá mức vào một số khu vực thị trường nhất định. Đũa thần TPP còn được đề cập ở việc mức thuế xuất khẩu cho hàng dệt may Việt Nam sẽ về 0% và như thế, chúng ta sẽ đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị phần đến các nước thuộc TPP, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế 0% nếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.

Lý do vì Trung Quốc không được vào TPP, nên Việt Nam nhập nguyên liệu quá nhiều từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ TPP. Nghĩa là, Việt Nam buộc phải nội địa hóa 60% nguồn nguyên liệu, hoặc mua các nước trong nhóm TPP. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhập khẩu gần 70% nguyên liệu từ Trung Quốc.

Đương nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã thấy viễn cảnh không mấy sáng sủa này. Nhưng nhìn thấy và giải quyết vấn đề là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau, bởi lịch sử ngành dệt may đã thể hiện sự phát triển thiên lệch.

Một chiếc áo trải qua 5 công đoạn trước khi xuất xưởng, gồm bông - sợi - dệt - nhuộm - may. Không tính công đoạn may là thế mạnh của Việt Nam (về gia công), thì 4 công đoạn kia vẫn bế tắc.

Trước hết là bông. Đến năm 2010, số lượng bông trồng được chỉ còn 3.500 tấn, chỉ đáp ứng 1% nhu cầu trong nước. Nguyên nhân vì bông tại Việt Nam chỉ trồng được một mùa mà giá trị lại thấp. Vậy là để có bông, các doanh nghiệp sợi phải nhập 99% nguyên liệu từ Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Kế đến là công đoạn kéo sợi. Năng lực kéo sợi của Việt Nam khá tốt, nhưng doanh nghiệp sợi phải tìm đường xuất khẩu 60-70% sản phẩm của mình vì bán trong nước không được giá. Không chỉ có vậy, xuất sợi sang Pakistan hay Trung Quốc thì thu được tiền ngay, còn bán cho doanh nghiệp dệt-nhuộm trong nước giá thấp hơn mà còn phải chịu nợ.

Rồi đến dệt - nhuộm. Việt Nam quyết định gộp chung 2 khâu nhưng lại tụt hậu gần 20 năm với thế giới do công nghệ lạc hậu. Hệ quả là hiện nay Việt Nam vẫn nhập hơn 70% vải cho công đoạn may.

Thời gian qua, nhiều cánh chim đầu đàn trong ngành dệt may Việt Nam đã tìm kiếm lối đi riêng trong bối cảnh yếu kém của ngành, sự căng thẳng chính trị với Trung Quốc và sự kiện TPP. Có thể kể đến Thành Công, Garmex Sài Gòn, Gia Định, May Sài Gòn 2 và Sài Gòn 3.

5 ông lớn với "Trung Quốc +1"

Công ty Dệt may Thành Công là một trong số ít những doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiếm hoi tự tin rằng sản phẩm của mình sẽ được hưởng mức thuế 0% sau khi đàm phán TPP thành công. Thực tế, Thành Công là 1 trong số 2 công ty dệt may nội địa đang sở hữu chuỗi sản xuất khép kín. Nguyên liệu duy nhất công ty này phải nhập là bông để kéo sợi.

Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của TPP, Thành Công đang nhập 50% bông từ Mỹ, số còn lại nhập từ một số quốc gia khác cũng thuộc TPP. “Chúng tôi hoàn toàn tự tin sẽ chủ động về nguyên liệu cho các sản phẩm của mình”, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thành Công nói.

Năm 2013, Thành Công đạt mức doanh thu thuần 2.554 tỉ đồng và lợi nhuận hơn 123 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam lại không có được lợi thế hấp dẫn như Thành Công. Dệt may Gia Định, May Sài Gòn 2, May Sài Gòn 3 và Garmex Sài Gòn đều là những doanh nghiệp thuộc top đầu ngành nhưng vẫn phải lệ thuộc khá nhiều vào nguyên phụ liệu Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi đơn vị đang có cách riêng để giảm dần sự lệ thuộc này.

Garmex Saigon là một trường hợp thành công khi chuyển từ gia công (khách hàng chỉ định nguồn nguyên liệu) sang may FOB (doanh nghiệp chủ động chọn nguồn nguyên liệu). Làm gia công, chi phí nhân công ngày càng tăng nên lợi nhuận cũng sụt giảm. Từ khi bắt đầu làm FOB và chủ động đầu tư nguồn nguyên liệu, lợi nhuận của Công ty đã tăng nhanh. Từ năm 2011 trở về trước, nguyên liệu Trung Quốc vẫn chiếm đến 70% nguồn cung nguyên liệu của Garmex Sài Gòn. Nhưng tỉ lệ này đã giảm xuống còn 50% và vẫn tiếp tục giảm.

“Từ hơn 2 năm trước, Garmex Saigon đã thuyết phục được một khách hàng Mỹ cho phép sử dụng nguồn vải nội địa để sản xuất. Từ đó đến nay, mỗi năm Công ty đều mua khoảng 1 triệu mét vải nội địa”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HÐQT Garmex Sài Gòn tiết lộ.

Hoạt động kinh doanh của Garmex Sài Gòn vì thế cũng trở nên sáng sủa. Năm ngoái, doanh thu Công ty đạt 1.250 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỉ đồng. Theo ông Hùng, với chi phí nhân công và giá mặt bằng hiện tại, các doanh nghiệp gia công chỉ hòa vốn là “giỏi” lắm rồi.

Tương tự Garmex Sài Gòn, Công ty Dệt may Gia Định cũng thành công với FOB. Không chỉ vậy, Công ty cũng lên dự án đầu tư nhà máy sợi 400 cọc trị giá khoảng 400 tỉ đồng. Dự kiến, nhà máy này sẽ cung cấp sợi cotton cho doanh nghiệp sản xuất vải may áo sơ mi và vải áo thể thao trong nước.

“Ðầu tư vào chuỗi nguyên liệu thời điểm này tuy có chậm nhưng sẽ giúp doanh nghiệp trong nước chủ động hơn trong khâu nguyên liệu”, ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, nhận xét.

Trong khi đó, Công ty May Sài Gòn 2 và Công ty May Sài Gòn 3 tuy không đầu tư phát triển chuỗi nguyên liệu, nhưng đã đi đầu trong việc tìm nguồn cung dệt may từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. May Sài Gòn 2 đang mua vải từ một số doanh nghiệp Nhật ở Vũng Tàu; May Sài Gòn 3 đã giảm tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc xuống còn 20%.

Có thể nói, chiến lược giảm lệ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc mà các doanh nghiệp dệt may thuộc top đầu ngành đã và đang thực hiện sẽ có tác động tích cực đến khả năng hưởng lợi từ TPP, một khi Hiệp định này chính thức được ký kết. Nhưng không phải chỉ có các công ty của Việt Nam mới được hưởng lợi từ TPP.

Trung Quốc cũng "thoát Trung"

Như đã nói, Trung Quốc sẽ không được tham gia vào TPP, nên cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may của nước này tìm cách đầu tư mô hình khép kín tại Việt Nam để được hưởng ké ưu đãi trong tương lai. Vì khi đó, doanh nghiệp có vốn Trung Quốc tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi như doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, tại TP.HCM, Công ty Gain Lucky Ltd. thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển trung tâm thiết kế và sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Ở phía Bắc Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) cũng mới được tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư nhà máy khép kín sản xuất sợi - dệt - nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD. Tương tự, TAL (Hồng Kông) sau gần 10 năm đầu tư nhà máy dệt may ở tỉnh Thái Bình đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển một tổ hợp sản xuất mới với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.

Thu hút được vốn FDI là điều tốt, nhưng việc Trung Quốc đầu tư các nhà máy may tại Việt Nam sẽ không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Khi Trung Quốc đầu tư mô hình dệt may khép kín tại Việt Nam, họ chủ động được công nghệ sợi - dệt - nhuộm mang từ quê nhà sang nên giá thành sẽ thấp hơn nguyên liệu do ta sản xuất. Nếu để Trung Quốc làm luôn cả khâu may thành phẩm thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Garmex Sài Gòn, phân tích.

Theo ông, đầu tư vào khâu dệt và nhuộm đòi hỏi bí quyết công nghệ cũng như vốn lớn. Một nhà máy dệt nhuộm cần vốn đầu tư ít nhất 20-30 triệu USD, trong khi đầu tư một xưởng may chỉ cần 1-2 tỉ đồng. “Chúng ta đủ sức sản xuất ra thành phẩm, vì vậy Việt Nam chỉ nên khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào chuỗi nguyên liệu dệt may là thích hợp”, đại diện Garmex Sài Gòn bày tỏ quan điểm. Vì thế, TPP và Trung Quốc vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, còn chúng ta thì tin vào nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày