Kinh Doanh

Cá tra có vượt được "vũ môn" vào nước Mỹ?

Như Thọ Thứ Hai | 24/04/2017 12:30

Từ ngày 1.9 năm nay, Mỹ sẽ chính thức công nhận cá tra/basa là cá da trơn và các sản phẩm bán tại đây đều có thể mang tên cá da trơn.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 sẽ tăng nhẹ 4%, đạt 1,7 tỉ USD. So với mức tăng trưởng ước tính năm 2016 (6,6%) và thực tế năm 2015 (10%), mức tăng trưởng dự báo 4% là tương đối khả quan. Tuy nhiên, khi nhìn vào tăng trưởng của ngành trong 1 thập niên vừa qua, có thể thấy ngành đã phát triển chậm lại và có thể đã đi đến giai đoạn ổn định trong chu kỳ phát triển với mức tăng trưởng 1 con số mỗi năm.

Như vậy, những doanh nghiệp trong ngành, nhất là những doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, có khả năng tiếp tục tốc độ tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận hiện có để làm hài lòng nhà đầu tư hay không?

Tăng trưởng theo xu hướng

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp đầu ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu với sản phẩm chính là fillet cá tra, vẫn rất lạc quan và tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn của ngành vì một xu hướng vĩ mô toàn cầu: thế giới chuyển từ tiêu thụ thủy hải sản đánh bắt sang thủy hải sản nuôi trồng. Trong quá khứ, sản lượng nuôi trồng cũng thể hiện rõ xu hướng tăng trưởng vượt trội so với sản lượng đánh bắt, ghi nhận mức tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2000-2009, trong khi sản lượng đánh bắt tăng trưởng âm.

Với việc các nguồn thủy sản tự nhiên bị đánh bắt, khai thác nhanh hơn tốc độ phục hồi, nhất là ở các nước đang phát triển, xu hướng tiêu thụ thủy hải sản nuôi trồng thay cho thủy hải sản đánh bắt sẽ tiếp diễn. Cụ thể, theo báo cáo ngành thủy hải sản của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), dự kiến sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ đạt mức 93,6 triệu tấn trong năm 2030, tăng trưởng bình quân 2,05%/năm từ 2011-2030, trong đó Đông Nam Á là vùng nuôi trồng thủy sản lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 107% từ năm 2010-2030.

Ngoài ra, trong số các nguồn protein động vật được con người nuôi trồng để khai thác, cá là loài có tỉ lệ chuyển đổi từ thức ăn sang sinh khối cao nhất, theo số liệu công bố của National Geographic. Với tỉ lệ chuyển đổi thức ăn này, thì cá, thủy sản hoàn toàn có khả năng thay thế bò, heo để trở thành nguồn protein động vật chính cho con người. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trung bình 2%/năm về sản lượng trong hơn 1 thập niên tới là chưa đủ để có thể lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành.

Trong phân khúc cá thịt trắng (whitefish), cá tra là sản phẩm có thể thay thế cá rô phi (tilapia), cá minh thái (Alaska pollock) và các loại cá da trơn khác (catfish). Thực tế tại thị trường Mỹ, cá tra/basa gia nhập thị trường đã đẩy cá da trơn do các nông dân Mỹ nuôi trồng và khai thác ra khỏi danh sách 10 loại thủy hải sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ. Chính điều này cũng khiến cho Hiệp hội Các nông dân nuôi cá da trơn của Mỹ và các hiệp hội cá da trơn khác của nước này tiến hành phòng vệ thương mại và vận động hành lang để không cho cá tra/basa Việt Nam mang tên cá da trơn dù cá tra/basa thuộc họ cá da trơn.

Ca tra co vuot duoc
 

Tuy nhiên, từ ngày 1.9 năm nay, Mỹ sẽ chính thức công nhận cá tra/basa là cá da trơn và các sản phẩm bán tại thị trường này đều có thể mang tên gọi cá da trơn. Về lý thuyết, với chi phí sản xuất thấp hơn hẳn so với cá da trơn nuôi tại vùng sông Mississippi, Mỹ, cá tra/basa Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh toàn bộ thị phần của cá da trơn hiện nay. Dựa trên số liệu năm 2015 của Viện Nghề cá Quốc gia Mỹ, trong danh sách 10 loại thủy hải sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ, cá da trơn hiện được tiêu thụ trung bình 0,2kg/người/năm, trong khi cá tra/basa là 0,3kg/người/năm. Khi cá tra/basa chiếm lĩnh thị phần của các da trơn, thì tiêu thụ trung bình sẽ đạt 0,5kg/người/năm, vượt qua cá minh thái và bám sát cá rô phi về sản lượng tiêu thụ tại thị trường Mỹ.

Phân hóa giữa các doanh nghiệp lớn

Thực tế không hề đơn giản, vì Hiệp hội Cá da trơn của Mỹ đã sử dụng thế lực chính trị để Mỹ thông qua việc kiểm soát cá da trơn nhập khẩu bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ, thay vì Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (USDA) như trước đây. Theo trang báo điện tử của ngành thủy sản quốc tế Undercurrent News và SeafoodSource, điều này có nghĩa toàn bộ ngành nuôi trồng và chế biến cá tra của Việt Nam sẽ được đánh giá chung về các quy định kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, thay vì kiểm tra riêng lẻ và lấy mẫu ngẫu nhiên như trước đây. Việt Nam có thể sẽ bị cấm cửa vào thị trường Mỹ nếu các chính sách, quy định và cơ chế quản lý ngành không đạt chuẩn quy định bởi USDA.

“Với tình trạng hiện nay và khung thời gian của USDA, rất khó để Việt Nam có thể đạt được chuẩn tương đồng an toàn thực phẩm của Mỹ”, ông Sang Phan, đại diện Công ty Vĩnh Hoàn tại Mỹ, phát biểu tại Hội nghị Thị trường thủy hải sản toàn cầu. Việt Nam có thể sẽ hoàn toàn không xuất khẩu được vào thị trường Mỹ cho đến khi đạt chuẩn tương đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đang phối hợp với các đối tác phân phối tại Mỹ để nhập dồn trước thời hạn tháng 9 năm nay nhằm dự trữ và tiêu thụ dần cho đến khi Việt Nam có thể được cấp phép tiếp tục xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn, một số công ty khác và VASEP đang tích cực nghiên cứu về chính sách, thực hiện các thủ tục cần thiết để được USDA cấp phép nhanh nhất có thể.

Vì cùng là cá thịt trắng với các tính chất về dinh dưỡng, mùi vị, khả năng chế biến và công dụng khá giống nhau, nên cá tra thường được các chuyên gia kinh doanh thủy hải sản trên thị trường thế giới cân nhắc thay thế các loài cá thịt trắng khác như là cá rô phi hay cá minh thái. Chẳng hạn, theo Intrafish, năm 2009, sản lượng cá minh thái nhập khẩu vào châu Âu bị cá tra qua mặt lần đầu tiên.

Tuy nhiên, trong năm 2015, theo dữ liệu của VASEP, cá tra chỉ chiếm 9% sản lượng nhập khẩu vào châu Âu trong khi cá minh thái và cá tuyết dẫn đầu thị trường với 33% và 34%. Một trong những lý do khiến cá tra được cân nhắc để thay thế cá minh thái là vì giá thấp hơn nhiều, được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là trong thời kỳ kinh tế suy thoái và chi tiêu tiêu dùng tiết kiệm. Mặc dù vậy, từ năm 2009 đến nay, tại châu Âu có khá nhiều chiến dịch truyền thông làm xấu hình ảnh cá tra, nên sản lượng tiêu thụ tại thị trường này không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trước.

“Tăng trưởng đột biến là do công tác thị trường thôi”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Công ty Vĩnh Hoàn trả lời như vậy khi được hỏi về áp lực giữ vững đà tăng trưởng khi ngành đã có dấu hiệu chậm lại. Vĩnh Hoàn là một trong số ít công ty chịu đầu tư mạnh cho hoạt động bán hàng, tiếp thị, cũng như “bơi” ngược xuôi chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Điển hình là việc đầu tư rồi thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi hay việc đầu tư vào các dây chuyền sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, hay việc tiếp cận các thị trường mới như Trung Quốc, Tây Ban Nha bằng cách đi thẳng đến nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng.

Vĩnh Hoàn cũng tích cực xây dựng thương hiệu bằng cách tham gia các hội chợ thương mại, các cuộc thi về ẩm thực, hay công tác đàm phán, xây dựng chính sách thương mại có liên quan đến ngành như việc hỗ trợ VASEP làm các hồ sơ, chuẩn bị giấy tờ, bằng chứng phục vụ việc vận động bãi bỏ các chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ, hay các công tác truyền thông để phản đối việc đưa thông tin sai lệch của ngành tại châu Âu.

Gần đây, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và cổ đông lớn nhất của Vĩnh Hoàn, đã chuyển nhượng 6 triệu cổ phần Vĩnh Hoàn cho Mitsubishi, một tập đoàn phân phối, thương mại lớn trên toàn cầu, nhất là thị trường Nhật. Có thể dễ dàng đoán được đây là một sự đầu tư cho công tác thị trường bằng cách xây dựng mối quan hệ với các thế lực trong chuỗi cung ứng.

Đằng sau câu phát biểu về công tác thị trường trên có gợi ý về sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành, phân hóa sâu sắc giữa các doanh nghiệp lớn, có năng lực hiểu biết về thị trường, chính sách và các doanh nghiệp yếu kém, dựa dẫm vào thời kỳ tăng trưởng nóng của ngành và nhân công giá rẻ mà thiếu chiến lược phát triển bền vững, cũng như sự đầu tư cần thiết về mặt thị trường, thương hiệu. Khi ngành tăng trưởng chậm lại, sẽ có sự loại thải những doanh nghiệp yếu kém và tăng hoạt động M&A để đạt lợi thế về quy mô. Cuối cùng, chỉ những doanh nghiệp quản trị tốt, có chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng của ngành và thị trường sẽ vươn lên và chiếm phần lớn thị phần.

Như Thọ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày